Được biết, trước khi phái đoàn Mỹ của ông Trump có mặt tại Hà Nội, phía Nhật Bản đã thông báo với Washington rằng họ không có kế hoạch gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đơn phương áp đặt đối với Triều Tiên, bất chấp mọi kết quả có thể đạt tới ở Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai.
Theo đó, ngay cả khi Trump đồng ý nới lỏng một số lệnh trừng phạt mà Mỹ áp đặt lên Triều Tiên những năm qua để đáp trả các chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Bình Nhưỡng, Nhật Bản cũng không có ý định gửi viện trợ kinh tế hoặc viện trợ nhân đạo cho Triều Tiên.
Theo phát ngôn viên của Tokyo, “Nhật Bản luôn hợp tác chặt chẽ với Mỹ, trong nỗ lực tìm kiếm sự từ bỏ hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược toàn bộ vũ khí hủy diệt hàng loạt, bao gồm vũ khí hạt nhân, sinh học và hóa học, cũng như việc loại bỏ tên lửa các tầm bắn tại Triều Tiên. Nhật Bản hy vọng Hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội sẽ sẽ có thành công tốt đẹp, vì hòa bình và thịnh vượng chung của khu vực Đông Á”.
Nhật Bản, từ nhiều năm qua, là quốc gia ủng hộ mạnh mẽ nhất các lệnh trừng phạt quốc tế của Liên Hợp Quốc đối với Bình Nhưỡng. Những biện pháp trừng phạt đơn phương đáng chú ý nhất mà Tokyo dành cho Bình Nhưỡng, cụ thể như sau:
Cấm công dân Triều Tiên nhập cảnh vào Nhật Bản; Cấm mọi hoạt động chuyển tiền có giá trị trên 100.000 Yên (khoảng hơn 20 triệu VND) từ các cá nhân hay tổ chức tại Nhật Bản tới Triều Tiên; Tàu Triều Tiên nói riêng và bất kì tàu nào đã đi qua vùng biển Triều Tiên đều bị cấm nhập cảng tại Nhật Bản; Những nhà khoa học hay kĩ thuật viên (bất kể quốc tịch) có liên quan tới các chương trình hạt nhân của Triều Tiên cũng bị cấm vào Nhật Bản.
“Chính sách đối ngoại của Nhật Bản rất kiên định. Vì thế, Tokyo sẽ không vội vã trong việc nới lỏng hay gỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Bình Nhưỡng dù kết quả Thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội có như thế nào. Thời gian, có thể là nhiều tuần hoặc nhiều tháng sau Thượng đỉnh Mỹ-Triều sẽ là câu trả tốt nhất để hướng Tokyo tới các biện pháp tiếp theo”, James Brown - phó giáo sư chuyên ngành Quan hệ quốc tế của Đại học Temple tại Tokyo phân tích.
Điều mà Tokyo lo ngại nhất, chính là việc Washington và Bình Nhưỡng có thể đạt tới một thỏa thuận cho phép Triều Tiên giữ lại một phần các loại tên lửa tầm ngắn và tầm trung, từ Hội nghị Thượng đỉnh giữa Trump và Kim tại Hà Nội.
Thực tế này, nếu xảy ra, là mối đe dọa trực tiếp đối với Nhật Bản, vốn tồn tại quan hệ đặc biệt căng thẳng với Triều Tiên, không chỉ bởi chương trình hạt nhân-tên lửa của Bình Nhưỡng mà còn là vấn đề công dân Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc vào thập niên 70-80 của thế kỉ trước không được đôi bên giải quyết thỏa đáng bao năm qua.
THANH XUÂN (SHTT)