Vì sao các gia đình con cháu 'vua Mèo' đồng ý rời khỏi dinh thự họ Vương trị giá trăm tỷ?

22/08/2018 14:22:20

Theo ông Bảo, sau khi có kết luận của Bộ Văn hóa - Thông tin và ý kiến của tỉnh, bố ông về nhà trao đổi để các hộ còn sống trong dinh thự họ Vương chuyển ra, để sửa chữa, tu bổ.

Vì sao các gia đình con cháu 'vua Mèo' đồng ý rời khỏi dinh thự họ Vương trị giá trăm tỷ?
Ảnh dinh thự họ Vương. Nguồn: Du lịch Hà Giang

Gia tộc họ Vương chưa bao giờ hiến tòa dinh cho Nhà nước

Sự việc ông Vương Duy Bảo (cháu nội "vua Mèo" Vương Chí Thành) có đơn đề nghị làm rõ quá trình và căn cứ cấp sổ đỏ mảnh đất gắn với tòa dinh tự họ Vương tại Hà Giang cho Phòng Văn hóa Thông tin huyện Đồng Văn, đang nhận được sự quan tâm của dư luận.

Trao đổi với PV, ông Vương Duy Bảo cho biết, trước thời điểm năm 2002, trong dinh thự họ Vương ở Hà Giang vẫn có 6 hộ gia đình sinh sống.

Năm 2002, chính quyền Hà Giang đến vận động các gia đình, anh em của ông ra khỏi tòa dinh thự này để tỉnh tiến hành tu bổ, làm bảo tàng.

Khi sự việc diễn ra, bố ông Bảo là cụ Vương Quỳnh Sơn đang công tác ở Hà Nội, được gia đình báo mới biết. Lúc này, gia đình mới nắm thông tin tòa dinh được công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật từ năm 1993. Việc này khiến gia đình rất bức xúc.

Sau đó, ông Vương Quỳnh Sơn gửi đơn tới lãnh đạo Đảng và Nhà nước về vấn đề này.

Trong đơn, cụ Sơn nêu rõ, gia đình không vi phạm pháp luật và chỉ biết đời đời đi theo cách mạng. Tòa dinh là của ông cha để lại cho con cháu cư trú và nó sẽ phải thuộc quyền sở hữu của gia đình.

Vì sao các gia đình con cháu 'vua Mèo' đồng ý rời khỏi dinh thự họ Vương trị giá trăm tỷ? - 1
Ông Vương Duy Bảo.

Cụ Sơn cho rằng, Bộ Văn hóa muốn bảo tồn dinh thì phải thương lượng với gia đình chứ không thể đòi đưa con cháu, anh em ra khỏi nhà Vương. Ngoài ra, lá đơn thời điểm đó cũng nêu việc Bộ cho người đến dỡ nhà làm lại, chặt 27 cây sa mộc 100 năm tuổi của gia đình.

Sau đó, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và trực tiếp của Thủ tướng Phan Văn Khải lúc đó thì Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin Phạm Quang Nghị đã giải quyết việc này.

Trong kết luận của Bộ nêu rõ, việc Nhà nước công nhận các di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật trên đất nước Việt Nam, trong đó có di tích nhà Vương là sự ghi nhận về mặt pháp lý và tôn vinh giá trị lịch sử, văn hóa, nhằm giữ gìn và phát huy các giá trị ấy trong hiện tại, tương lai.

Đó là mục đích và là việc làm đúng đắn, có tác dụng tốt cho cả chủ sở hữu các di tích, cho các địa phương và toàn xã hội. Quyết định này không quốc hữu hóa quyền sở hữu ngôi nhà của những người trong gia đình được quyền thừa kế hợp pháp.

Bộ đề nghị UBND tỉnh Hà Giang giao cơ quan chức năng nghiên cứu, khảo sát địa điểm di chuyển các hộ gia đình ra khỏi khu di tích, có sự nhất trí, bàn bạc của các hộ gia đình, tạo điều kiện cấp đất, xây nhà để họ ổn định cuộc sống.

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang lúc đó là ông Triệu Đức Thanh cũng có văn bản đồng ý với kết luận của Bộ Văn hóa - Thông tin.

"Kết luận của Bộ, ý kiến của tỉnh như vậy, nhưng một số người trong gia đình vẫn chưa đồng thuận nên sau đó bố tôi phải về tận nơi trao đổi cùng mọi người.

Tại buổi làm việc, cụ đã trao đổi, vì mục tiêu chung của Đảng, Nhà nước về đại đoàn kết dân tộc và bảo tồn di tích dinh thự họ Vương, các hộ gia đình còn ở trong nhà nên chuyển ra ngoài để tiến hành trùng tu, sửa chữa.

Ông cụ nói rõ, chính quyền cam kết sẽ đảm bảo cấp đất, hỗ trợ tiền làm nhà bên ngoài khu dinh cho bà con và không có chuyện trao tặng, hiến ngôi nhà này cho Nhà nước. Sau khi có ý kiến của bố tôi, các hộ gia đình đã thống nhất, đồng ý chuyển ra để sửa chữa", ông Bảo nói.

Cháu nội "vua Mèo" thông tin, sau đó Nhà nước hỗ trợ mỗi hộ 30 triệu và hơn 100m2 đất để dựng nhà cửa, tạo thuận lợi cho việc trùng tu, bảo vệ lâu dài dinh thự.

"Gia tộc họ Vương chưa bao giờ quyết định hiến khu dinh thự này cho Nhà nước còn việc khai thác du lịch, bán vé tham quan khu dinh hiện nay do cơ quan văn hóa, tôi không quan tâm những vấn đề này.

Tuy nhiên, việc cấp sổ đỏ cho Phòng Văn hóa Thông tin Đồng Văn mà chính quyền tỉnh Hà Giang làm từ năm 2012 là không đúng. Nhà nước tự vinh danh dinh thự, giờ chính quyền địa phương lại tước đoạt quyền sở hữu dinh của gia đình tôi là không được.

Tôi mong rằng, mọi việc cần phải làm sáng tỏ, làm đúng quy định của pháp luật", ông Bảo nêu.

Vì sao các gia đình con cháu 'vua Mèo' đồng ý rời khỏi dinh thự họ Vương trị giá trăm tỷ? - 2
Biên bản làm việc của gia đình họ Vương với chính quyền về việc di dời khỏi dinh thự để sửa chữa, tu bổ.

Hà Giang cần trả lời rõ việc cấp sổ đỏ

Trong chiều 21/8, trao đổi với PV, một cựu lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tham gia giải quyết phản ánh của cụ Vương Quỳnh Sơn hồi năm 2002 cho rằng, thời điểm đó, các vấn đề liên quan khu dinh thự họ Vương đã được giải quyết cơ bản.

Theo vị này, gia đình đã đồng ý với hầu hết các vấn đề được nêu ra và sau đó phối hợp trong việc trùng tu, bảo tồn khu dinh.

Về thông tin liên quan đến quyết định công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật của dinh thự họ Vương, vị này nêu rõ, quyết định này không quốc hữu hóa sở hữu của ngôi nhà và gia đình vẫn là những người thừa kế hợp pháp.

"Hiện nay còn việc cấp sổ đỏ của khu dinh thự thì thuộc về trách nhiệm của tỉnh Hà Giang. Việc đúng, sai như thế nào, tỉnh cần phải trả lời cho gia đình nhà ông Vương Duy Bảo rõ", vị này nêu.

Cùng trao đổi với PV, ông Triệu Tài Vinh, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang cho biết, tỉnh đã giao cho các cơ quan chức năng tiến hành rà soát, kiểm tra lại việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với khu dinh thự họ Vương.

Trước việc ông Vương Duy Bảo có đơn đề nghị làm rõ quá trình và căn cứ cấp sổ đỏ mảnh đất gắn với tòa dinh thự họ Vương người H’Mông ở Hà Giang, ngày 24/7 ông Hoàng Văn Nhu, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Hà Giang, đã có công văn trả lời.

Trong văn bản này, lãnh đạo Sở Tài nguyên dẫn Quyết định 937 năm 1993 của Bộ Văn hóa Thông tin công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật khu nhà Vương; Quyết định 3316 năm 2006 của UBND tỉnh Hà Giang về việc quản lý di tích lịch sử, văn hóa đã được Nhà nước xếp hạng...

Sở cũng dẫn Khoản 1 Điều 98 Luật Đất đai 2003 quy định: "Đất có di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng hoặc được UBND tỉnh, thành phố quyết định bảo vệ thì phải được quản lý nghiêm ngặt".

Khoản 1 Điều 54 Nghị định 181 về việc thi hành Luật Đất đai nêu: "Đất có di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh độc lập thì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp cho tổ chức trực tiếp quản lý di tích lịch sử, văn hóa, danh lam, thắng cảnh".

Từ đó, Sở Tài nguyên Môi trường Hà Giang khẳng định việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Phòng Văn hóa Thông tin Đồng Văn từ năm 2012 là "hoàn toàn phù hợp với quy định pháp luật".

Theo Hoàng Đan (Soha/Trí Thức Trẻ)

Nổi bật