Trước việc ông Vương Duy Bảo (cháu nội Vua Mèo Vương Chí Thành) có đơn đề nghị làm rõ quá trình và căn cứ cấp sổ đỏ mảnh đất gắn với tòa dinh thự hơn 100 tuổi của họ Vương người H’Mông ở Hà Giang, ngày 24/7 ông Hoàng Văn Nhu, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Hà Giang, đã có công văn trả lời.
Trong văn bản này, lãnh đạo Sở Tài nguyên dẫn Quyết định 937 năm 1993 của Bộ Văn hóa Thông tin công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật khu nhà Vương; Quyết định 3316 năm 2006 của UBND tỉnh Hà Giang về việc quản lý di tích lịch sử, văn hóa đã được nhà nước xếp hạng...
Đặc biệt, Sở dẫn khoản 1 điều 98 Luật Đất đai 2003 quy định: “Đất có di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng hoặc được UBND tỉnh, thành phố quyết định bảo vệ thì phải được quản lý nghiêm ngặt”. Khoản 1 điều 54 Nghị định 181 về việc thi hành Luật Đất đai nêu: “Đất có di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh độc lập thì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp cho tổ chức trực tiếp quản lý di tích lịch sử, văn hóa, danh lam, thắng cảnh”.
Với các viện dẫn trên, Sở Tài nguyên Môi trường Hà Giang khẳng định việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Phòng Văn hóa Thông tin Đồng Văn từ năm 2012 là “hoàn toàn phù hợp với quy định pháp luật”.
Cấp sổ đỏ không có căn cứ pháp lý
GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Tài nguyên Môi trường, khẳng định nếu chỉ dựa vào các căn cứ trên thì việc Sở Tài nguyên Hà Giang cấp sổ đỏ dinh Vua Mèo cho Phòng Văn hóa Thông tin Đồng văn là sai quy định pháp luật.
Ông Võ phân tích, Quyết định 937 của Bộ Văn hóa chỉ công nhận dinh họ Vương là di tích kiến trúc, nghệ thuật quốc gia. “Luật Di sản văn hóa quy định nếu di sản đó của tư nhân thì phải công nhận quyền sở hữu của tư nhân. Nhà nước chỉ có trách nhiệm hỗ trợ, trợ giúp để bảo vệ di sản. Công nhận di sản không đồng nghĩa với quốc hữu hóa”, ông Võ nói.
Theo GS Võ, công văn của Sở Tài nguyên Môi trường Hà Giang viện dẫn chưa đầy đủ Nghị định 181, thiếu điều khoản quy định: “Đất có di tích lịch sử, văn hóa mà di tích lịch sử, văn hóa đó thuộc sở hữu của tư nhân thì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp cho chủ sở hữu tư nhân” (Khoản 2 điều 54).
“Các căn cứ được nêu trong văn bản đều không chứng tỏ nhà nước đã thực hiện chính sách đất đai và quốc hữu hóa, chuyển quyền sở hữu dinh thự, quyền sử dụng đất từ dòng họ Vương sang cho nhà nước”, ông Võ nói.
Về việc họ Vương nhận 500 triệu đồng của nhà nước để chuyển ra ngoài sinh sống, phục vụ trùng tu di tích năm 2002, ông Võ cho rằng khoản tiền này không đồng nghĩa với việc nhà nước bồi thường quốc hữu hóa đất. “Nếu coi đó là bồi thường thu hồi đất thì phải có quyết định và căn cứ pháp lý”, ông Võ nói.
Trường hợp một trong các đồng chủ sở hữu dinh thự đã hiến cho nhà nước, có giấy tờ còn lưu giữ thì nhà nước được quyền làm chủ phần đất và tài sản của người hiến, chứ không được sở hữu tất cả.
“Cấp giấy sổ đỏ dinh Vua Mèo sai cả Luật Di sản văn hóa và Luật Đất đai”, ông Võ khẳng định và cho rằng đủ cơ sở để Hà Giang xem xét thu hồi sổ đỏ đã cấp cho Phòng Văn hóa Thông tin Đồng Văn, trả lại quyền sử dụng đất và sở hữu dinh thự cho gia tộc họ Vương.
Sổ đỏ không có giá trị nếu cấp sai quy trình
Luật sư Vũ Tiến Vinh, Giám đốc Công ty Luật Bảo An, cho rằng dinh thự có nguồn gốc của Vua Mèo, là tài sản thuộc sở hữu tư nhân. Theo quy định pháp luật, quyền định đoạt di sản thừa kế do những người thừa kế quyết định. "Do vậy, cần xem xét việc chuyển giao này có được thực hiện bởi những người thừa kế của Vua Mèo hay không?", ông Vinh nói
Luật sư Vinh đặt câu hỏi, tại sao những người thừa kế như ông Vương Duy Bảo lại không biết đất cha ông được cấp sổ đỏ. “Nếu cấp sai quy trình thì về nguyên tắc sổ đỏ không có giá trị”, luật sư Vinh nhấn mạnh.
Trường hợp con cháu Vua Mèo khước từ quyền thừa kế hay đồng ý chuyển đổi sang tài sản khác (như nhận tiền) thì phải được sự đồng thuận của tất cả người có quyền hưởng thừa kế dinh thự. Việc đồng thuận phải được thể hiện bằng văn bản.
Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Law firm (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng nếu năm 2002 gia tộc họ Vương chuyển ra ngoài sinh sống để trùng tu dinh thự thì sau đó được quyền quay lại. Điều 23 Hiến pháp năm 1992 quy định: Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức không bị quốc hữu hóa. Trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của cá nhân hoặc tổ chức theo thời giá thị trường.
Mặt khác, Luật Di sản văn hóa thừa nhận tổ chức, cá nhân có quyền sở hữu hợp pháp di sản văn hóa. Luật Đất đai 2013 và trước đó cũng thừa nhận và bảo hộ quyền sử dụng đất của cá nhân, hộ gia đình nếu trên đất có di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh. “Bởi vậy, dinh thự họ Vương là tài sản hợp pháp của dòng họ Vương nên được nhà nước bảo hộ quyền sở hữu. Nếu dinh thự bị thu hồi trái quy định là vi phạm Hiến pháp”, luật sư Tú nhấn mạnh.
Ngày 21/7, ông Vương Duy Bảo có đơn gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị giải quyết trả lại mảnh đất gắn với tòa dinh thự hơn 100 tuổi của họ Vương. Trong đơn, ông Bảo bày tỏ bức xúc khi biết UBND tỉnh Hà Giang đã cấp sổ đỏ cho Phòng Văn hóa Thông tin huyện Đồng Văn sử dụng lâu dài mảnh đất gắn liền với tòa dinh thự họ Vương từ năm 2012.
Ngày 16/8, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình có văn bản yêu cầu UBND tỉnh Hà Giang, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch báo cáo tổng quan quá trình xử lý, giải quyết kiến nghị của ông Vương Duy Bảo về các vấn đề liên quan đến tòa dinh thự họ Vương. Trong đó có việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của tòa dinh thự này.
Theo Viết Tuân (VnExpress.net)