Thẳng thắn mà nói, có tiền hay có quyền rồi dẫn đến… có chân trong Ban đại diện, cũng bình thường thôi. Nhưng điều không bình thường là, khi những thành phần “có tiền, có quyền” dần chi phối Ban đại diện theo hướng trở thành “cánh tay nối dài” chỉ chăm chăm vào việc hô hào đóng góp, ủng hộ cho nhà trường.
Vì sao một người cỡ thu nhập trung bình trong xã hội như anh, không dễ được “mời” hoặc được “cơ cấu” vào ban đại diện?
Những câu hỏi “vì sao?” ấy, đã là vấn đề nhức nhối nhiều năm mà tới thời điểm này, mới được mang ra mổ xẻ mạnh mẽ nhất từ trước tới nay.
Minh họa của ĐAN |
Trên thực tế, một Ban đại diện, qui tụ được những phụ huynh có những thế mạnh khác nhau, như kinh tế tài chính vững, có mối quan hệ rộng, có khả năng tổ chức, có uy tín kêu gọi.… là điều cần thiết. Không phải chỉ có Ban đại diện của Hội phụ huynh cần như thế, mà các hội khác cũng rất cần những thành phần như vậy.
Có tiền, có quyền, có quan hệ rộng, có khả năng tổ chức và qui tụ mọi người bằng uy tín… tham gia vào Ban đại diện, nhiều khi cũng vì sự nhiệt tình, cho nên không thể xem như một thứ lỗi gì đáng chê trách. Vấn đề lớn nhất ở đây là, nhiều Ban đại diện trong quá trình hoạt động dần dần đã dùng yếu tố tiền, quyền để định hướng hoạt động của Ban đại diện, lái Hội phụ huynh theo các loại, khoản đóng góp làm lệch lạc ý nghĩa hoạt động và chức năng, nhiệm vụ của hội này.
Khi đó, những người có tiền, có quyền trong Ban đại diện vô hình chung tạo nên một sự phân cách quyền/tiền với những phụ huynh thu nhập trung bình và không có địa vị. Và những người bình thường này, cảm giác bị ngoài lề, chỉ biết im lặng đóng góp theo các lời kêu gọi, hô hào được đưa ra.
Trên thực tế, khi xảy ra tình trạng tiền và quyền chi phối nhiều Ban đại diện Hội phụ huynh, không ít Ban giám hiệu và Giáo viên chủ nhiệm cũng không thấy là vấn đề gì. Thậm chí, duy trì định hướng này thì trường, lớp sẽ luôn có được sự hậu thuẫn về tài chính, vật chất đóng góp; thầy cô có được sự “chăm sóc” chu đáo hơn.
Tất cả đều vì lợi!
Chỉ có các phụ huynh thu nhập trung bình và thấp - đối tượng này thường chiếm số đông - là cảm nhận được sự bất lợi quá lớn đối với mình một cách rõ ràng nhất, vì lại thêm những gánh nặng đóng góp “đến hẹn lại lên”.
Chúng ta không nên đả phá theo kiểu “vơ đũa cả nắm” các Ban đại diện. Nhưng rõ ràng, rất nhiều Ban đại diện đang hoạt động không đúng vai, đóng vai truyền đạt các yêu cầu, gợi ý… đóng góp từ phía nhà trường nhiều hơn là những đề đạt nhằm giải quyết chất lượng chuyên môn về dạy và học.
Theo Thế Lâm (Lao Động)