Video: Người dân dừng chặn xe rác vào bãi Nam Sơn
2h sáng, ông Nguyễn Văn Kỳ trở mình, thấy vợ con cũng thức giấc. Trước cổng nhà, hàng đoàn xe tải chở rác rầm rầm chạy ngang qua. Đang ngủ nhưng ông vẫn cảm nhận được tiếng rung lên từng đợt của con đường nhựa.
Ông Kỳ là Bí thư thôn 2 - cái thôn nhỏ nằm cuối xã Hồng Kỳ và "sát vách" bãi rác Nam Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội). Một con đường nhựa chạy cắt ngang thôn. Con đường hẹp, mấp mô dẫn vào bãi rác với hàng trăm chuyến xe chở chất thải chạy qua mỗi ngày.
Những con đường nhuộm đen nước rác
Nhiều năm nay, vợ con ông Kỳ thường xuyên mất ngủ vì tiếng ồn của xe rác chạy qua, đông nhất là tầm tối muộn đến hơn 3h sáng. Hầu hết rác thải được chuyển đến từ các quận nội thành.
"Không chỉ tiếng ồn đâu, một cơn gió đêm mang theo hơi rác bất chợt bay vào nhà là đủ dựng hết mọi người dậy", ông Kỳ nói.
Ngồi trước cửa nhà ông Kỳ khoảng 1 giờ (từ 21h30 đến 22h30), phóng viên đếm được gần 100 lượt xe tải chở rác đi qua. Vào lúc nửa đêm, lưu lượng xe đi qua có thể gấp nhiều lần. Trên thân xe rác còn ghi rõ nơi xuất phát như Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm...
Giống như nhiều hộ xung quanh, nhà ông Kỳ được lắp toàn bộ cửa kính. Bếp ăn của gia đình được xây ở phía trong cùng của ngôi nhà, cách xa mặt đường nhất có thể. “Cho đảm bảo vệ sinh, chứ mở cửa ra một cái là mùi bãi rác bên kia xộc vào ngay, không thể ăn nổi”, vị Bí thư thôn nói.
Ông Kỳ là một trong hơn 3.800 nhân khẩu đang sống gần bãi rác Nam Sơn. Sau mỗi đêm xe rác hoành hành, ánh mặt trời lại soi rõ những vệt nước rác từ đoàn xe rỉ ra đen kịt mặt đường. Người dân bắt đầu ngày mới với mùi xú uế bốc lên làm mặt mày xây xẩm.
Cách nhà ông Kỳ mấy bước chân là nhà bà Lợi - người phụ nữ nom già hơn tuổi với mái đầu lơ thơ vài mảng tóc. “Tôi đâu có biết mình bị bệnh gì, mấy năm nay tóc cứ thế rụng”, bà nói, tay run run rót chén nước chè cho khách lạ. Giọng bà khàn đục, nói nhiều một chút sẽ bị tê các đầu ngón tay.
Nhà bà Lợi cách bãi rác chưa đầy 200 m, ngồi trong nhà có thể cảm nhận rõ cái mùi lờm lợm của chất thải xộc thẳng vào mũi gây choáng váng. Cả 8 thành viên trong gia đình bà đều bị các bệnh về hô hấp hoặc viêm họng. Riêng bà bị nặng nhất, thường xuyên khó thở và ho khan, mấy năm nay đều phải dùng thuốc hàng ngày.
Cái xóm nhỏ nhà ông Kỳ và bà Lợi chỉ vỏn vẹn khoảng 50 nóc nhà nhưng số người bị ung thư cũng phải đến chục người. "Những người còn lại thì không đau họng cũng viêm phổi, tất cả đều bị những thứ bệnh giống nhau" - bà Lợi rầu rĩ nói.
Ông Kỳ nói sẽ thật khó để một người dân nội thành hình dung ra cái mùi ngây ngây phát ói khi bước vào “thủ phủ” rác thải này. Xe cộ ở đây mới mua một thời gian ngắn là vành xe han rỉ, vỏ xe bị ăn mòn vì nước rác trên đường.
"Từng có nhiều ý tưởng xây dựng khu du lịch, trang trại, nhà vườn tại đây. Nhưng bãi rác xuất hiện đã chấm dứt mọi thứ. Các nhà đầu tư bỏ đi, giá đất đai sụt thảm hại vì chẳng ai muốn ở nơi ô nhiễm", Bí thư thôn 2 Nguyễn Văn Kỳ ngậm ngùi.
Hơn 4.000 tấn rác của Hà Nội được chở lên bãi rác Nam Sơn mỗi ngày. Trong đó, đợt hàng chục tấn cá hồ Tây chết bốc mùi nồng nặc được mang đến đây chôn lấp khiến người dân "kinh hoàng" vì xác cá rơi rớt dọc đường.
Anh Ngô Văn Quý, người dân sống cách bãi rác chưa đầy 100 m, cho biết cư dân ở đây đã quen cảnh ăn cơm chung với ruồi nhặng, đi ngủ cũng phải đeo khẩu trang vì mùi hôi thối.
Nhiều người mắc các bệnh về đường hô hấp, ung thư, bệnh ngoài da... do môi trường nước và không khí đều ô nhiễm. Việc sản xuất nông nghiệp cũng bị ảnh hưởng do nguồn nước tưới ô nhiễm nặng nề.
Lay lắt phận đất - phận người
Ra thăm cánh đồng sau nhà đang kỳ lên mạ non, ông Ngát ngao ngán nhìn cả thửa ruộng héo rũ. Từng đợt mạ ông gieo xuống đi cùng với từng cái thở dài. “Được vài hạt thóc khổ lắm chú ơi”, lão nông ngoài 60 tuổi than vãn.
Thửa rộng nhà ông nằm sát bờ suối Lai Sơn, bên kia suối là núi rác cao ngồn ngộn. Dòng suối bao đời đưa nước về nuôi cây lúa, đến nay bọt nổi lều phều, mùa mưa đỏ quạch màu hóa chất, mùa khô đen kịt như nhựa đường. Cán bộ môi trường về lấy mẫu nước và kết luận "ô nhiễm không thể canh tác được".
Đợt cấy lúa chiêm vừa qua, mỗi hộ trong xóm phải chi tiền bơm nước sạch vào ruộng với giá 100.000 đồng/sào. Nước được bơm từ một hồ nhỏ hiếm hoi chưa bị ô nhiễm, cả xóm phải tranh nhau.
“Trước đây bà con chủ yếu sản xuất nông nghiệp, giờ không có nước canh tác, nhiều người bỏ đi làm thuê” - bà Mai, Hội trưởng Hội Phụ nữ xóm Hòa Bình (xã Hồng Kỳ), cho biết.
Nghe đến chính sách di dời dân khỏi vùng ô nhiễm rác thải, ông Ngát vừa mừng lại vừa lo. Chính ông cùng hàng trăm hộ dân đã nhiều lần chặn xe rác để đòi được di dời. "Không ai còn thiết tha ở lại mảnh đất này nữa", lão nông ngoài 60 tuổi khẳng định.
Nhưng chính sách đền bù đất như thế nào là điều người dân băn khoăn, lo lắng. Từng có thông tin chính quyền chỉ thu hồi và đền bù diện tích đất thổ cư kèm tài sản trên đất mà không thu hồi, đền bù đất nông nghiệp.
Thông tin này khiến rất nhiều người dân băn khoăn. Rời nhà đi nơi khác nhưng ruộng vườn không được thu hồi, sau này họ vẫn phải quay lại đây trồng trọt và gánh chịu ô nhiễm.
"Chỉ mong nhà nước thu hồi và đền bù toàn bộ đất nông nghiệp để dân có nguồn vốn thay đổi sinh kế", bà Vũ Thị Tam, người dân xóm Hòa Bình (xã Hồng Kỳ) chia sẻ.
Nghe nói có phóng viên đến thu thập ý kiến, hàng xóm nhà bà Tam cũng sang góp chuyện. Bên chén nước chè và tiếng rít thuốc lào, họ bắt đầu giãi bày những bức xúc chất chứa bao năm: “Cháu tôi 2 năm chưa được nhận trợ cấp…”, “hôm nọ bãi rác xả nước thải ra suối, bị dân bắt quả tang…”, “Tôi bị đau họng, khó thở vì mùi hôi thối”, “Đường thì bé mà xe rác phóng nhanh như ăn cướp”...
Ông Hoàng Văn Giang (thôn Đông Hạ, xã Nam Sơn) hiểu hơn ai hết về mức độ bành chướng của bãi rác này. Trước năm 2015, bãi rác còn cách nhà ông 500 m, nhưng sau khi các ô chôn lấp được mở rộng 36,26 ha về phía nam, núi rác đã sừng sững ngay sau nhà.
Rẽ vào con đường thuộc thôn Ðông Hạ đã thấy nồng nặc mùi rác. Ông Giang nói hôm nay mát trời nên mùi còn dễ chịu. Phải lúc thời tiết thay đổi đột ngột thì chỉ còn nước trốn trong nhà đóng hết các cửa.
Ông Giang không trồng lúa mà mở xưởng làm đồ gỗ, nhưng cũng phải chịu chung hệ lụy từ bãi rác Nam Sơn.
"Xưởng gỗ chỉ có vài người, đều là dân bản địa. Muốn thuê thêm nhân công để mở rộng sản xuất cũng không được vì người nơi khác đến không chịu nổi mùi hôi thối ở đây", ông Giang buồn rầu kể.
Theo một lãnh đạo phòng Tài nguyên môi trường huyện Sóc Sơn, sẽ khó giải quyết hết bức xúc của người dân vì vấn đề cũ chưa giải quyết xong đã lại phát sinh vấn đề mới. Người dân cũng không còn nhiều kiên nhẫn để chờ đợi, vì "độ trễ" của chính quyền trong việc giải quyết mỗi vấn đề thường được tính bằng năm.
"Bức xúc thì... chặn xe"
Chiều 10/1, hàng trăm người dân tụ tập bên ngoài bãi rác Nam Sơn. Họ dựng lều bạt, phong tỏa lối vào bãi rác để yêu cầu chính quyền xử lý rốt ráo tình trạng ô nhiễm.
"Lần này sẽ không chỉ chặn 1, 2 ngày đâu", một người dân nói chuyện với phóng viên qua điện thoại lúc 2h sáng, khi anh đang cùng hàng chục người khác đốt lửa thức canh lối vào bãi rác Nam Sơn.
Cùng thời điểm đó, chính quyền huyện Sóc Sơn cũng "trắng đêm" vận động người dân dỡ bỏ lều bạt, mở đường vào bãi rác nhưng chưa đạt kết quả. Như mọi lần, họ cho rằng chính quyền cấp huyện không giải quyết được vấn đề nên kiên quyết đợi lãnh đạo thành phố về đối thoại.
Có tới gần 1.000 hộ dân thuộc 3 xã Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ (thuộc huyện Sóc Sơn, Hà Nội) đang sinh sống trong vùng ô nhiễm (bán kính 500 m tính từ bãi rác). Việc họ tụ tập chặn xe đã quá quen thuộc với cánh tài xế xe rác lẫn các cán bộ nhân viên bãi rác.
Giữa năm 2017, nạn ruồi nhặng hoành hành quanh đây từng khiến người dân bức xúc. Họ mang hàng cân xác ruồi ra chặn giữa đường không cho các xe chở rác vào bãi.
Đầu tháng 7/2018, người dân tái diễn cảnh chặn xe rác vì thời tiết nắng nóng cộng với mùi hôi thối khiến họ không chịu nổi. Chính quyền huyện lại xuống đối thoại, người dân lại giải tán. Nhưng sau 15 ngày, "điệp khúc" chặn xe lại tiếp tục.
Nhiều tài xế xe rác thấy lều bạt dựng từ đằng xa đã hiểu sự việc, bèn quay đầu tìm nơi đỗ tạm. Họ gọi điện cho những tài xế phía sau tấp xe vào ven đường chờ đợi. Nếu đợi lâu mà người dân không giải tán, các tài xế lại phải quanh ngược về Hà Nội.
Sau nhiều lần chặn xe, người dân dần nhận ra một quy luật. Hễ bãi rác Nam Sơn bị phong tỏa, chỉ trong một thời gian ngắn rác thải ở nội thành sẽ ùn ứ, ô nhiễm nặng nề vì không có nơi xử lý. Với họ, việc chặn xe rác là cách hiệu quả nhất để "các vị" ở thành phố phải sốt ruột với nỗi khổ của dân Nam Sơn.
Những năm qua, chính quyền TP Hà Nội đã có nhiều chính sách ưu đãi cho người dân vùng ô nhiễm như gửi tiền trợ cấp theo đầu người, ưu đãi về dịch vụ y tế, miễn phí nước sạch, xây dựng cơ sở hạ tầng... "Nhưng tất cả không thấm vào đâu so với nỗi khổ sở mà chúng tôi phải chịu đựng. Giờ người dân chỉ mong được di dời khỏi vùng ô nhiễm càng sớm càng tốt", ông Ngô Văn Quý, người dân thôn 2 (xã Hồng Kỳ) nói như cầu khẩn.
Chính quyền TP Hà Nội cũng thấy việc di dời người dân ra xa bãi rác là giải pháp tất yếu. Điều này được cụ thể hóa bằng việc Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung về địa phương năm 2016 và tuyên bố sẽ đẩy nhanh việc di dời, tái định cư cho các hộ dân trong vòng bán kính 500 m quanh bãi rác.
Sau tuyên bố của lãnh đạo thành phố, người dân tiếp tục chờ đợi, đến nay đã gần 3 năm. Thi thoảng họ lại bày tỏ sự sốt ruột của mình bằng những cuộc tụ tập chặn xe rác.
Trả lại vành đai xanh cho bãi rác
Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn khi thành lập có diện tích 83 ha, trong đó 53,49 ha là diện tích bãi rác. Đến năm 2011, Hà Nội tiếp tục mở rộng khu liên hiệp thêm 73,73 ha với 8 ô chôn lấp rác.
Theo quy chuẩn, một vành đai an toàn cách ly nơi xử lý rác và khu dân cư là yêu cầu bắt buộc. Ở giữa vành đai này sẽ có cây xanh và hồ nước để lọc bớt không khí ô nhiễm.
Ở Việt Nam, cơ quan chức năng cũng hiểu rõ điều này. Quy định quản lý chất thải rắn thông thường trên địa bàn TP Hà Nội (ban hành ngày 3/6/2013) có nêu rõ khoảng cách an toàn từ điểm/bãi chôn lấp rác thải đến khu vực dân cư tập trung, trường học, bệnh viện, các nguồn nước sông, hồ… tối thiểu là 500 m.
Tuy nhiên ở bãi rác Nam Sơn, diện tích đáng lẽ phải dùng làm vành đai xanh lại đang là nơi sinh sống, sản xuất nông nghiệp của gần gần 4.000 con người.
Họ đã sống ở đây từ đời nhiều đời, chứng kiến những chuyến xe rác đầu tiên từ Hà Nội chuyển lên vào năm 1999 khi thủ đô bắt đầu lựa chọn nơi này để chứa rác thải cho vùng nội thành.
Trong cuộc đối thoại với người dân sống quanh bãi rác vào năm 2016, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã bày tỏ lòng biết ơn và chia sẻ với sự hy sinh của người dân khi phải sống cạnh bãi chứa rác của cả thành phố.
Sau nhiều năm chờ đợi, đến cuối năm 2017, UBND huyện Sóc Sơn đã ký 3 quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng khu tái định cư để di dời người dân 3 xã trong vùng ô nhiễm bán kính 500 m.
Ngày 13/1, UBND TP Hà Nội có văn bản giao nhiệm vụ cho lãnh đạo các sở, ngành, UBND huyện Sóc Sơn khẩn trương triển khai giải phóng mặt bằng để di dân ra ngoài vùng ảnh hưởng môi trường của Khu Liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn (vùng bán kính 500 m từ hàng rào Khu Liên hợp).
Chủ trương di dời dân khỏi vùng ô nhiễm đã được TP Hà Nội phê duyệt, tuy nhiên còn nhiều vấn đề về phương thức di dời chưa được thống nhất. Người dân đang lo sợ thời gian để thống nhất những phương án này cũng lại được tính bằng năm.
Theo Ngọc Tân - Mỹ Hà (Tri Thức Trực Tuyến)