Mỗi dịp Tết tiêu thụ gần 3,5 - 4 tấn thịt chó
Làng Yên Trường, xã Yên Trường, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội nổi tiếng với tục ăn thịt chó vào ngày mùng 4 Tết hàng năm. Đây là tục lệ lâu đời, đã duy trì qua nhiều thế hệ người dân trong thôn. Gặp bất cứ người dân nào trong làng, nhất là các cụ ông cụ bà 80-90 tuổi, họ đều kể từ khi sinh ra làng đã có tục lệ ăn thịt chó và duy trì đến ngày nay.
Năm nào cũng vậy, sáng mùng 4 Tết Nguyên đán, dân làng Yên Trường cùng nhau đi "thăm đồng", hay còn gọi là tảo mộ, rồi sẵn tiện mua thịt chó về làm cỗ. Theo lời cụ Thu (82 tuổi), mùng 4 ai đi qua Yên Trường đều nghe mùi rựa mận, riềng sả bay khắp xóm.
"Nhà nào đông thì mua nhiều, nhà ít cũng 5 con. Cả gia đình cùng ăn, từ người lớn tuổi nhất tới trẻ con. Các cụ ngày xưa đi thăm đồng chăn được nhiều chó, nên có phong tục từ đó tới bây giờ, hàng trăm năm rồi" - cụ Thu nói.
Dù người Việt Nam kiêng kị ăn thịt chó đầu năm vì sợ đen đủi, nhưng ở Yên Trường, người dân không quan niệm như thế. Ngược lại, họ thấy đó là điềm vui, sự may mắn cho cả năm. Nhà nào cũng phải có thịt chó, ít thì vài chục cân, nhiều có khi lên đến vài tạ.
"Không chỉ ăn mỗi thịt chó, bữa ăn còn có cả thịt lợn, thịt gà. Chúng tôi quan niệm thịt chó đơn thuần là món ăn ngon, nhiều đạm và lạ miệng ngày đầu năm. Quan trọng hơn, nó là lệ làng, là truyền thống từ xưa đến nay vẫn được duy trì" - cụ Thu tiếp lời.
Cô Hoa (35 tuổi), là dâu làng Yên Trường hơn chục năm nay. Từ ngày về làm dâu, cô đã được chỉ dạy về lệ làng ăn thịt chó mỗi dịp Tết Nguyên Đán. Vào đúng ngày, đàn ông ra đồng, thắp hương người đã khuất, phụ nữ ở nhà lo bếp núc, chế biến các món từ thịt chó.
"Sáng mùng 4, các thương lái buôn thịt chó tấp nập giao thịt từ sớm. Cả làng hơn 1.200 hộ dân, nếu tính sơ sơ mỗi dịp Tết tiêu thụ gần 3,5 - 4 tấn thịt chó. Có năm thịt chó bị "cháy hàng" không đủ cung cấp, nhiều nhà phải đi các xã lân cận để mua" - cô Hoa nói.
Dân làng không ép ai ăn thịt chó
Tuy là phận làm dâu, buộc phải tuân theo lệ làng, theo nhà chồng nhưng cô Hoa giữ quan điểm yêu chó và không ăn thịt chó bao giờ. Dân làng cũng không ép bất cứ ai, nếu họ không muốn ăn. Cô từng nuôi một chú chó, trước khi nó bị bắt cách đây mấy năm không rõ lý do. Chú cún hiện tại, cô chăm sóc và bảo vệ hết sức cẩn thận.
"Cô rất quý chó mèo. Lâu lắm rồi cô mới lại nuôi chó, dù thế nào đi chăng nữa không bán cho ai thịt".
Nếu như ngày xưa chó tại Yên Trường còn đủ để làm thịt, thì thời nay, hầu hết bà con đều nhập ở ngoài. Thậm chí, để tránh tình trạng "khan hiếm", nhiều gia đình phải đặt hàng từ tận trong năm.
Thông thường, thịt chó ngày đầu năm được rao bán với giá cao gấp đôi, gấp ba giá thịt lợn, khoảng 170.000 - 180.000 đồng/kg, nhưng không vì thế mà người trong làng không ăn thịt chó. Thậm chí, với người dân ở đây thì đầu năm, giá thịt chó đắt đến mấy cũng ăn.
"Nếu đã là tục lệ thì chúng tôi không thể bỏ. Một số người khi tới thăm làng và được nghe kể về thói quen ăn thịt chó, có nói đấy là hành động dã man với thú cưng. Tuy nhiên, từ đời cha ông để lại, các hộ dân trong làng đều phải có trách nhiệm gìn giữ" - bác Đạt (50 tuổi) nêu quan điểm.
Theo Minh Nhân (Trí Thức Trẻ)