Vấp phải chó nhà nuôi đang nằm ngủ, bé trai 2 tuổi bị cắn rách sâu vùng mặt

10/06/2020 14:46:22

Bé trai nhập viện với tình trạng hoảng loạn, quấy khóc vì một sự cố đau lòng liên quan đến con chó nuôi trong chính nhà mình.

Mới đây, khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 (TP.HCM) cho biết vừa tiếp nhận một trường hợp bệnh nhi bị chó cắn đau lòng.

Nạn nhân là bé Đ.Q.V. (sinh năm 2018, nhà ở Bình Dương), bị vết thương ở vùng mặt do chó cắn. Vết thương dài khoảng 15cm, sâu khoảng 1 cm.

Em nhập viện với tình trạng hoảng loạn, quấy khóc. Theo lời kể của mẹ V., hôm xảy ra sự việc bé đi vào nhà vô tình vấp phải con chó đang ngủ.

Vấp phải chó nhà nuôi đang nằm ngủ, bé trai 2 tuổi bị cắn rách sâu vùng mặt
Bé trai bị vết thương rách sâu vùng mặt do chó cắn

Con chó bị giật mình nên cắn vào vùng mặt của bé. Sau khi sơ cứu vết thương em được bác sĩ khoa Răng hàm điều trị tích cực.

Bé được khâu thẩm mỹ, tuy nhiên mặt có thể để lại sẹo trên mặt do vết thương tương đối dài.

Theo các bác sĩ, hiện nay việc nuôi thú cưng trong nhà như chó, mèo rất phổ biến tại các gia đình.

Nhưng ít ai biết được chính những con thú cưng hằng ngày chúng ta yêu thương chăm sóc lại trở thành mối nguy hại rất lớn cho người nhà, cho người xung quanh thậm chí là bản thân chúng ta.

Đặc biệt, thú cưng là mối nguy hiểm lớn nhất đối với trẻ em. Phần lớn những vụ tai nạn do chó cắn thường xảy ra do sự chủ quan của người lớn.

Chúng ta thường nghĩ rằng "chó nhà mình nuôi" "chó nhà mình hiền lắm" "nó không cắn đâu". Chỉ cần bất cẩn là tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Tại BV Nhi Đồng 1 thường xuyên phải tiếp nhận những trường hợp bị vết thương do chó cắn từ mức độ nhẹ đến nặng.

Vấp phải chó nhà nuôi đang nằm ngủ, bé trai 2 tuổi bị cắn rách sâu vùng mặt - 1
Trẻ em cần được tiêm phòng theo y lệnh của thầy thuốc

Từ những vết thương ngoài da cho đến những vết thương lớn, thậm chí là những vết thương sâu nhìn thấy cả xương bên trong hay có bé bị cắn nát cả mặt.

Do đó, bác sĩ cảnh báo phụ huynh hãy cẩn thận khi nuôi thú cưng, đặc biệt khi nuôi thú cưng trong nhà.

Khi thả chó ra ngoài phải rọ mõm. Ngoài việc tiêm ngừa phòng bệnh cho thú cưng còn phải quan tâm đến việc thú cưng có thể gây nguy hiểm đến người trong nhà, nhất là trẻ nhỏ.

Nếu nhà có trẻ em, nên hướng dẫn các em không lại gần thú cưng, không sờ chạm chúng dù là chó nhà nuôi.

Không nên  đùa nghịch với thú cưng như chó, mèo vì đây là hành động rất nguy hiểm có thể gây tổn thương đến bé.

Nếu chẳng  may bé có bị chó, mèo cắn nên rửa vết thương với nước sạch, sau đó dùng gạc hoặc vải sạch băng lại và đưa ngay bé đến cơ sở y tế gần nhất. Đồng thời lưu ý tiêm phòng dại theo y lệnh của thầy thuốc.

Theo Hoàng Lê (Nhịp Sống Việt)