Bệnh nhi được chuyển đến khoa Răng Hàm Mặt - Mắt, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An ngày 20/12. Theo các bác sĩ, ngoài những tổn thương vùng mặt gây biến dạng, bệnh nhi có nguy cơ mắc bệnh dại, đe dọa đến tính mạng.
Sau khi khâu xử lý vết thương, bác sĩ đang theo dõi sát tình trạng sức khỏe bệnh nhi.
Người nhà cho biết chiều 20/12 mọi người đang ở trong nhà thì đột nhiên nghe tiếng con khóc lớn ngoài sân, chạy ra thấy con chó nhà nuôi đang tấn công bé.
Đây là bệnh nhân thứ 4 bị chó nhà cắn được đưa vào Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cấp cứu, tính từ tháng 9 đến nay.
Các bác sĩ khuyến cáo sơ cứu đối với người bị chó cắn rất quan trọng.
- Tách rời phần quần áo ra khỏi vị trí vết cắn. Thao tác này giúp hạn chế nước bọt của chó còn dính trên vải quần áo, tránh làm bám nhiều hơn vào vết thương.
- Nhanh chóng rửa vết thương dưới vòi nước chảy mạnh, dùng nước ấm hoặc sử dụng xà phòng, nước muối, dung dịch sát trùng vết thương. Tránh chà xát quá mạnh khiến vết thương nghiêm trọng hơn.
- Đến ngay cơ sở y tế để xử trí những bước tiếp theo. Tốt nhất là nên tiêm ngừa bệnh dại sớm.
Các bác sĩ cũng cho biết cần theo dõi con chó sau khi cắn người, để xác định nguy cơ bị phát dại. Sau 15 ngày theo dõi chó phát bệnh và có dấu hiệu bất thường, cần đến gặp bác sĩ để có phương pháp chữa trị kịp thời.
Nên cảnh giác khi:
- Chó phát bệnh dại thường có mắt đỏ ngầu, chảy nước dãi, sùi bọt mép, trông buồn bã...
- Địa điểm bị chó cắn gần hoặc nằm trong vùng đang có dịch bệnh chó, mèo.
- Chó cắn là chó hoang, lạ, không thể theo dõi.
- Vết thương do chó cắn quá nặng, quá nhiều.
- Nếu người bị chó cắn lại đang mắc bệnh tiểu đường, gan, ung thư, HIV...
Theo Thúy Quỳnh (VnExpress.net)