Đây là thông tin được đưa ra tại cuộc họp chiều ngày 22/3 của Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 về tình hình, tiến độ nghiên cứu, phát triển các vắc xin trên thế giới và của Việt Nam đến thời điểm hiện tại. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam- Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì.
Khẩn trương, rút ngắn thời gian nhưng không bỏ qua bất cứ giai đoạn nào, đảm bảo các điều kiện khoa học
Tại cuộc họp TS Nguyễn Ngô Quang - Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) đã báo cáo tổng hợp tình hình các loại vắc xin phòng COVID-19 đang được sử dụng trên toàn thế giới.
Theo đó, các loại vắc xin này đều được cấp phép trong tình trạng khẩn cấp, ứng phó với dịch bệnh. Ngay từ rất sớm, Bộ Y tế tạo mọi điều kiện thúc đẩy tiến độ song song với tiêu chí đảm bảo an toàn việc nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước, phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh.
Thời gian qua, đã có 4 đơn vị của Việt Nam tiến hành nghiên cứu, phát triển vắc xin phòng COVID-19. Trong đó vắc xin NanoCovax của Công ty NANOGEN đã hoàn thành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1, đang triển khai giai đoạn 2. Vắc xin COVIVAC của Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế (IVAC) đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1. Vắc xin của Công ty Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) sẽ chuẩn bị thử nghiệm giai đoạn 1 vào tháng 4/2021.
Các kết quả nghiên cứu trong phòng thí nghiệm ở giai đoạn tiền lâm sàng, thử nghiệm lâm sàng của cả 3 vắc xin này đều được đánh giá rất tốt, có triển vọng. Có được kết quả bước đầu này, trước hết là do đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực nghiên cứu vắc xin của Việt Nam rất có kinh nghiệm. Trong quá trình nghiên cứu, các đơn vị của Việt Nam đều hợp tác chặt chẽ, trao đổi trực tiếp với các cơ quan nghiên cứu, sản xuất vắc xin uy tín trên thế giới.
Đặc biệt, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, hoạt động nghiên cứu, phát triển vắc xin phòng COVID-19 của chúng ta tuân thủ đầy đủ các quy trình, quy chuẩn, khẩn trương, rút ngắn thời gian nhưng không bỏ qua bất cứ giai đoạn nào, đảm bảo các điều kiện khoa học.
Những ưu điểm cuả các vắc xin COVID-19 do Việt Nam nghiên cứu, phát triển
Cụ thể, đối với vắc xin NanoCovax, sau khi kết thúc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1, 100% người được tiêm đều an toàn, sinh kháng thể với nồng độ cao, có tác dụng bảo vệ tốt và được thử nghiệm hiệu quả trên các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 như chủng phát hiện ở Anh.
Theo kế hoạch, cuối tháng 4/2021, sẽ có đánh giá kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 của vắc xin NanoCovax, và đang có triển vọng rất lạc quan. Và dự kiến đầu tháng 5/2021, vắc xin NanoCovax sẽ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3.
Căn cứ vào kết quả thử nghiệm giai đoạn 1 và giai đoạn 2 đến thời điểm hiện tại, tất cả các chuyên gia, đại diện Bộ Y tế đều rất lạc quan cho rằng nếu thuận lợi, thậm chí cuối quý 3/2021 sẽ hoàn thành thử nghiệm giai đoạn 3 đối với vắc xin NanoCovax, rút ngắn tiếp 3 tháng so với kế hoạch dự kiến trước đó. Trước đó, thời gian thử nghiệm giai đoạn 2 của vắc xin NanoCovax cũng đã rút ngắn thời gian từ 6 tháng xuống 3 tháng.
Đối với vắc xin COVIVAC mặc dù mới thử nghiệm giai đoạn 1 nhưng qua các nghiên cứu tiền lâm sàng, đại diện Bộ Y tế và các chuyên gia đánh giá có chất lượng rất tốt. Đặc biệt, giá thành dự kiến của vắc xin này rất rẻ (sơ bộ đánh giá bằng ½ giá vắc xin hiện có trên thị trường). Rút kinh nghiệm từ vắc xin NanoCovax, tiến trình thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1, 2 của vắc xin COVIVAC sẽ nhanh hơn.
Về vắc xin của VABIOTECH dựa trên công nghệ tái tổ hợp trên virus véc tơ theo hướng nghiên cứu khác nên có bước chậm hơn nhưng đến nay các kết quả trong phòng thí nghiệm đều rất lạc quan, và dự kiến sẽ triển khai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 vào đầu tháng 4/2021. Ưu điểm của vắc xin này là khi phát triển thành công thì có thể điều chỉnh rất nhanh khi có biến thể mới của virus SARS-CoV-2.
Bước tiến dài trong nghiên cứu, phát triển vắc xin
Các chuyên gia, nhà khoa học cho biết tình hình hiện đã khác so với đánh giá hồi năm 2020. Các nước đã bắt đầu tiêm vắc xin, có loại được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cấp phép, có loại từng nước cấp phép, có loại thực chất là thử nghiệm giai đoạn 3 trên diện rộng.
Vì thế, các nhà khoa học cho biết WHO đang thảo luận và dự kiến tới đây sẽ có hướng dẫn chính thức về thử nghiệm vắc xin trên nguyên tắc so sánh với các vắc xin đã được cấp phép để sử dụng chính thức. Việc này sẽ tạo thuận lợi hơn cho quá trình thử nghiệm vắc xin giai đoạn 3 của Việt Nam.
Đại diện Bộ Y tế lý giải thêm khi chúng ta bắt đầu tiêm vắc xin Astrazeneca thì tại một số nước trên thế giới nghi ngại phản ứng phụ nên đã tạm dừng hoặc làm chậm quá trình tiêm vắc xin này, nhưng Việt Nam ngay từ đầu đã triển khai thận trọng, bảo đảm an toàn, kết hợp theo dõi thông tin tiêm chủng trên hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân, đồng thời là bước chuẩn bị cấp “giấy thông hành vắc xin”. Vì vậy, việc nghiên cứu, so sánh vắc xin của Việt Nam và vắc xin Astrazeneca càng thuận lợi hơn.
Các cơ quan, chuyên gia, nhà khoa học khẳng định chúng ta đã có một bước tiến dài trong nghiên cứu, phát triển vắc xin. Nếu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 được tổ chức tốt để thực hiện so sánh với các vắc xin đã được cấp phép sử dụng tại Việt Nam, thì hoàn toàn có lòng tin thời gian tới chúng ta sẽ có vắc xin của Việt Nam.
Thiếu tướng Nguyễn Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quân y (Bộ Quốc phòng) khẳng định trong công tác nghiên cứu, sản xuất vắc xin, lực lượng quân đội phối hợp chắc chẽ với các đơn vị nghiên cứu, phát triển vắc xin phòng COVID-19 triển khai các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng.
“Chúng tôi mong muốn và tin tưởng, Việt Nam sớm có vắc xin để lực lượng quân đội - lực lượng nơi tuyến đầu chống dịch nói riêng, người dân nói chung được sử dụng chính “vũ khí” chúng ta sản xuất để cùng toàn dân phòng, chống dịch bệnh chủ động, hiệu quả”- Cục trưởng Cục Quân y bày tỏ.
Lãnh đạo Bộ Ngoại giao cũng khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ tối đa các đơn vị khi tiến hành thử nghiệm giai đoạn 3 ở nước ngoài.
“Hy vọng vào cuối quý 3/2021, Việt Nam sẽ có vắc xin đầu tiên để phòng, chống dịch COVID-19 do các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu và sản xuất, phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh trong nước”- TS Nguyễn Ngô Quang khẳng định.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận nỗ lực của Bộ Y tế, Bộ KH&CN, đặc biệt là các đơn vị nghiên cứu, phát triển vắc xin thời gian qua đã rất nỗ lực, đúng với tinh thần “chống dịch như chống giặc” nhưng cần tiếp tục khẩn trương hơn nữa.
Phó Thủ tướng nhắc lại nhận định của các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng virus SARS-CoV-2 có thể có những biến đổi, tiếp tục tồn tại một số năm nữa. Cho đến giờ phút này nhiều khả năng các vắc xin phòng COVID-19 đều phải tiêm nhắc lại chứ không phải 1 đợt, hay 1 năm là xong.
Dân số Việt Nam là 100 triệu người, vì vậy, chúng ta phải bằng các giải pháp để có vắc xin của Việt Nam, không chỉ phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19, mà còn chuẩn bị để ứng phó đối với những dịch bệnh có thể xảy ra trong tương lai. Việc phát triển thành công vắc xin trong nước cũng khẳng định năng lực, uy tín, niềm tự hào của đội ngũ khoa học y tế Việt Nam.
Không có chủ trương tự nhập khẩu vắc xin phòng COVID-19
Cũng tại cuộc họp, sau khi báo cáo về tình hình triển khai tiêm vắc xin Astrazena, thông tin nhiều người hiểu rằng các công ty được nhập vaccine phòng COVID-19 về Việt Nam để tiêm, lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định Nghị quyết 21/NQ-CP của Chính phủ về mua và sử dụng vắc xin phòng COVID-19 đã giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương có liên quan thực hiện việc mua, nhập khẩu, tiếp nhận viện trợ, tài trợ, quản lý và sử dụng vắc xin phòng COVID-19. Vì vậy, Bộ Y tế không có chủ trương để các công ty, doanh nghiệp tự nhập khẩu vắc xin phòng COVID-19 để tiêm.
Hiện nay, các công ty sản xuất vắc xin phòng COVID-19 đã được cấp phép trên thế giới đều có mối liên hệ trực tiếp với Bộ Y tế.
Những vắc xin được Bộ Y tế cấp phép tại Việt Nam thì chỉ các doanh nghiệp có chức năng nhập khẩu vắc xin mới được nhập khẩu, nhưng việc tiêm vắc xin hiện nay phải theo sự điều phối chung của Bộ Y tế, đúng với tinh thần những đối tượng có rủi ro cao thì được tiêm trước như Nghị quyết 21/NQ-CP đã nêu. Việc tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 phải do các cơ sở y tế của ngành y tế thực hiện.
Theo Thái Bình (Sức khỏe và Đời sống)