Tại cuộc họp sáng 19/3, Thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19 (Ban chỉ đạo) lưu ý hệ thống kỹ thuật phải tính đến những trường hợp phức tạp nhất, sẵn sàng để triển khai ngay sau khi có chính sách cụ thể về "hộ chiếu vaccine".
Bộ Y tế tiếp tục làm việc với các cơ quan chuyên ngành liên quan ở nước ngoài, để Việt Nam có thể sớm tham gia vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong việc tạo điều kiện giao thương thuận lợi cho những người đã được tiêm vaccine phòng Covid-19 ở các nước.
Theo PGS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp Sự kiện Y tế công cộng Việt Nam, hạ tầng kỹ thuật chuẩn bị áp dụng hộ chiếu vaccine là hệ thống phần mềm, website để xác nhận thông tin của những người nhập cảnh, như: Điều kiện cho phép nhập cảnh; loại vaccine hợp lệ; công dân từ các khu vực nào sẽ được nhập cảnh; thông tin cần khai báo...
"Việc chuẩn bị cơ sở hạ tầng là cần thiết cho việc áp dụng hộ chiếu vaccine trong thời gian tới", ông Phu nói thêm.
Đại diện Hội đồng Tư vấn du lịch bày tỏ đồng tình với chủ trương, phương châm của Ban chỉ đạo, Bộ Y tế về vấn đề "hộ chiếu vaccine". Theo đó, Việt Nam sẽ thực hiện chủ trương này trong thời gian tới, khi điều kiện cho phép, với tinh thần "thực hiện mục tiêu kép nhưng bảo đảm an toàn là trên hết"
Với người dân trong nước, thông tin tiêm chủng sẽ được tích hợp vào hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử, liên thông với cơ sở dữ liệu công dân. "Việc này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân trong tiêm chủng, mà còn giúp kiểm soát việc đi lại, di chuyển trong tình hình có dịch sau này một cách thống nhất, thuận lợi", Ban chỉ đạo nêu quan điểm.
Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, tới đây, khi đi tiêm chủng, người dân phải tải ứng dụng hồ sơ điện tử, khai báo lại thông tin cần thiết. Cơ sở y tế quét mã QR-code thay vì thực hiện thao tác trên giấy; thông tin cho người dân về vaccine, điều khoản tiêm chủng... Sau đó, người dân được khám sàng lọc, tiêm, theo dõi sau tiêm.
Sau khi tiêm vaccine phòng Covid-19, người dân được cấp chứng nhận và mã QR-Code xác nhận. Nhân viên y tế có thể cập nhật kết quả tiêm chủng này. Cơ quan quản lý nắm bắt thông tin số liệu nhằm phục vụ việc triển khai chương trình tiêm vaccine, và được cung cấp công cụ giám sát các vấn đề liên quan.
Theo số liệu của Chương trình Tiêm chủng quốc gia, tính đến chiều 18/3, Việt Nam đã tiêm vaccine AstraZeneca cho 27.546 người.
Các điểm tiêm chủng đều tuân thủ quy định của Bộ Y tế về đảm bảo an toàn; tỷ lệ phản ứng sau tiêm ở mức cho phép theo khuyến cáo của nhà sản xuất vaccine. Một số trường hợp phản vệ độ 2 (theo 4 cấp độ nhẹ, nặng, nguy kịch, ngừng tuần hoàn), được phát hiện, xử lý kịp thời và sức khỏe đã bình phục.
Hộ chiếu vaccine là tài liệu kỹ thuật số chứng minh một cá nhân đã được tiêm phòng virus, trường hợp này là Covid-19 (còn được gọi là thẻ sức khỏe kỹ thuật số). Tài liệu này được lưu trữ trên điện thoại hoặc ví kỹ thuật số, dữ liệu hiển thị dưới dạng mã QR.
Một số nước đã phát hành hộ chiếu vaccine Covid-19, như Trung Quốc. Thái Lan cũng đã công bố kế hoạch cấp hộ chiếu vaccine và giảm thời gian cách ly bắt buộc những người đã tiêm chủng. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới kêu gọi thận trọng với các loại hộ chiếu y tế, yêu cầu các nhà chức trách và nhà điều hành du lịch không coi bằng chứng về việc tiêm chủng là điều kiện để du lịch quốc tế.