Ước mơ ở nơi không có phong bì ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

18/11/2019 10:00:24

Dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, không phải thầy cô nào cũng ngóng chờ những món quà giá trị, chờ phong bì của phụ huynh...

Những ngày này, các thầy cô công tác tại những vùng khó khăn đang trăn trở chuyện nghề hơn là quà cáp, phong bì từ phụ huynh. 

Chia sẻ niềm vui vào những dịp 20/11, quà nhận được là những bông họa nhựa thân thương của học trò tặng, thầy Y Giêng - giáo viên trường Tiểu học EaLâm (xã EaLâm, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên) cho biết, học sinh ở EaLâm các em hầu hết là người dân tộc thiểu số, hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ đi làm ăn xa... Nên mong muốn của thầy là làm sao các em được đến trường, để học chữ và thay đổi cuộc sống của mình.

"Đầu năm học, giáo viên cũng rất vất vả để vận động các em đến trường, thêm mỗi em đến lớp là niềm vui của chúng tôi như được nhân lên. Trong năm học, cũng rất vất vả để "giữ" các em lại, bởi vẫn có nguy cơ bỏ học ở nhà để phụ giúp gia đình. Tôi cũng có một ước mong giống như những đồng nghiệp của tôi, đó là có chính sách luân chuyển giáo viên hợp lý, để những giáo viên sau một thời gian nhiều năm dạy xa nhà có thể được trở về dạy học gần nhà, dành thời gian cho gia đình nhiều hơn" - thầy Y Giêng tâm sự.

Ước mơ ở nơi không có phong bì ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
Với nhiều giáo viên, dịp 20/11 để thể hiện tâm tư, trăn trở với nghề. Ảnh: Q.A

Từng nhiều năm công tác tại địa bàn khó khăn của tỉnh Đắk Nông, thầy Nguyễn Quang Trung - giáo viên Trường THCS Quảng Hoà (huyện Đắk G'Long, tỉnh Đắk Nông) chia sẻ mong muốn giáo viên được giảm tải trong các công việc sổ sách, nhất là tham gia các cuộc thi dành cho giáo viên được tổ chức hàng năm.

Thầy Trung nói: "Hiện nay, có nhiều cuộc thi dành cho giáo viên đã ảnh hưởng đến việc đảm bảo thời gian giảng dạy cho học sinh trên lớp. Dù được tạo điêu kiện, nhưng giáo viên cũng mất nhiều thời gian để tham gia các cuộc thi. Do đó ngành giáo dục cần giảm tải số lượng cuộc thi dành cho giáo viên. Những cuộc thi cần thực chất hơn. Tôi cũng mong muốn, ngành giáo dục có những giải pháp để giáo viên tâm huyết hơn với nghề".

Còn với cô Mùa Thị A - giáo viên Trường mầm non Hoa Đào (huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La) cho biết: "Mong muốn của cô cũng như nhiều giáo viên ở Bắc Yên đó là nâng cao cơ sở vật chất, ngoài ra đối với cấp học mầm non, học sinh còn nhỏ nên khó khăn trong tiếp cận chương trình học, cần có kiến thức phù hợp. Mong rằng có nhiều hơn nữa các chính sách hỗ trợ về sinh hoạt, sách vở, học cụ cho học sinh vùng dân tộc thiểu số".

Không mong nhận được những món quà vật chất từ học trò vào dịp 20/11, bởi những học trò nơi miền núi còn nhiều khó khăn, thiếu thốn…, cô giáo Lương Thị Hòa (SN 1986), giáo viên Âm nhạc tại huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình vẫn luôn xúc động mỗi dịp ngày Nhà giáo. 

Cô Hòa tâm sự: "Hơn 10 năm gắn bó với nghề, mong ước của tôi là làm sao học sinh được học trong môi trường tốt nhất, các em được san sẻ tình yêu thương và quyết tâm để theo đuổi ước mơ của mình. Món quà mà giáo viên muốn nhận được đó là tình yêu của học sinh dành cho mình, đó là điều mà giúp những nhà giáo công tác ở vùng khó khăn luôn giữ được tâm huyết, gắn bó và không muốn rời xa các em học sinh".

Theo GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam: "Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 không phải là dịp để tổ chức phô trương, nhưng ngày này cần được tổ chức hội ngộ với những nhà giáo, cựu giáo chức tề tựu, chung vui, cùng chia sẻ, góp ý, học tập kinh nghiệm lẫn nhau. Ngày này, không nên nặng nề về vật chất, cả giáo viên, phụ huynh và học sinh, thay bằng quà cáp đắt tiền, hãy để học sinh tự làm những món quà để tặng giáo viên".

Theo Quang Anh (Giadinh.net.vn)