Vì sao không tổ chức Lễ kỷ niệm?
Năm 2019 là năm thứ 37 (20/11/1982 - 20/11/2019) triển khai kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam, tuy nhiên, một số địa phương, trường học đã có chủ trương không tổ chức phô trương, lãng phí. Theo đó, ngành Giáo dục một số nơi cũng có lời "đề nghị" mong không nhận hoa, quà chúc mừng. Vì vậy, nhiều giáo viên, cựu giáo chức cảm thấy "chạnh lòng" do những hoạt động trầm lắng, đơn sơ so với các năm trước, lý do năm nay là năm lẻ.
Tại TP HCM, Sở GD&ĐT cũng đã có văn bản thông báo chủ trương về dịp Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 năm nay. Theo đó, Sở GD&ĐT ra thông báo không tổ chức tiếp khách, không nhận hoa, quà chúc mừng. Đây là năm thứ bảy TP HCM thực hiện không nhận hoa và quà từ các tổ chức, đơn vị. Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, Sở trân trọng cảm ơn sự quan tâm, những tình cảm tốt đẹp của các cơ quan, đơn vị và mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các cơ quan, ban ngành đoàn thể, các đơn vị, cá nhân trong quá trình thực hiện, chức trách nhiệm vụ được giao.
Tương tự, Sở GD&ĐT Bình Dương cũng có hướng dẫn các đơn vị, cơ sở giáo dục trực thuộc tổ chức họp mặt Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Sở GD&ĐT lưu ý, tổ chức họp mặt Ngày Nhà giáo Việt Nam tại đơn vị với không khí trang trọng, vui tươi, tiết kiệm và ý nghĩa để học sinh chúc mừng, tri ân thầy cô giáo. Các đơn vị, trường học không được huy động tiền của học sinh và cha mẹ học sinh để tổ chức ngày 20/11.
Năm nay, Sở GD&ĐT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục thực hiện chủ trương thực hiện tinh thần tiết kiệm trong tổ chức hoạt động kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam. Theo hướng dẫn của Sở, năm nay không phải năm chẵn, do đó các đơn vị không tổ chức Lễ kỷ niệm nhưng có thể tổ chức họp mặt truyền thống, tọa đàm và tổ chức các hoạt động giáo dục, thi đua như thăm hỏi nhà giáo nghỉ hưu, các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, đọc sách, hoạt động trải nghiệm.
Các nhà trường, cơ quan quản lý giáo dục tổ chức ngày thành lập, ngày truyền thống phải đảm bảo các nguyên tắc: Chỉ được tổ chức Lễ kỷ niệm vào năm tròn (năm có chữ số cuối cùng là số 0). Vào các năm khác chỉ tổ chức tuyên truyền, thi đua, hội thảo, tọa đàm… Đặc biệt, không được tặng quà và tổ chức chiêu đãi trong các hoạt động kỷ niệm. Chỉ được tổ chức kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống khi có văn bản thành lập hoặc quyết định công nhận của cơ quan có thẩm quyền.
Giáo viên nghỉ hưu chỉ mong về trường gặp đồng nghiệp cũ
Nhà giáo có trên 60 năm công tác trong ngành Giáo dục, GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, Ngày Nhà giáo Việt Nam là một ngày ý nghĩa, năm nay là năm lẻ nên nhiều nơi tổ chức đơn giản, có thể một số giáo viên cảm thấy tâm tư vì điều này. Tuy nhiên, các hoạt động này không có gì khó, các trường, các cấp thể hiện sự quan tâm đến giáo dục thông qua các khâu tổ chức. Ngày này không cần phải tổ chức quy mô hoành tráng, nhưng đây là dịp để các cựu giáo chức tề tựu, chung vui, bởi rất nhiều thầy cô về hưu cũng chỉ mong cả năm có ngày này để về trường gặp lại đồng nghiệp cũ.
Cũng theo GS.TS Phạm Tất Dong: "Thường các công đoàn, hội cựu giáo chức quan tâm sẽ có nhiều hình thức để tổ chức. Các cựu giáo viên chỉ muốn gặp nhau, chuyện quà cáp, hình thức không quan trọng, miễn là gặp nhau ôn lại kỷ niệm. Đồng thời đây cũng là dịp để những nhà giáo lâu năm chia sẻ những tâm huyết của mình, đó cũng là bài học kinh nghiệm để các giáo viên trẻ học tập. Do đó, tôi cũng từng chứng kiến có những cụ 90 tuổi vẫn đến chung vui. Những giáo viên dù về hưu, vẫn có những đóng góp của mình trong cộng đồng, đặc biệt là tham gia các hội Khuyến học của địa phương, vì thế quan tâm đến giáo viên nói riêng, cựu giáo chức nói chung là việc nên làm vào dịp này".
Cũng theo vị Phó Chủ tịch Trung ương Hội khuyến học Việt Nam, ngày của Nhà giáo, nên tổ chức gặp mặt giáo viên, ôn lại truyền thống chứ không nên bỏ qua dù là năm chẵn hay lẻ. Có thể sắp xếp cho giáo viên để có thời gian tham dự họp mặt, không nên cứng nhắc trong việc này vì hoạt động diễn ra vào ngày thường, nhưng vẫn có thế bố trí thời gian cho giáo viên tham gia các hoạt động kỷ niệm. Miễn là không bỏ giờ dạy, không bỏ mặc học sinh của mình. Chúng ta không nên khắt khe coi đó là vi phạm, hay vô tổ chức mà cần tạo điều kiện để giáo viên tham gia hoạt động ý nghĩa đó.
Nhận xét về dịp Kỷ niệm Ngày Nhà giáo hiện nay, PGS.TS Phạm Tất Dong thẳng thắn chia sẻ: "Hiện nay, giáo viên phần lớn đều gương mẫu, hết lòng với học sinh. Nhưng vẫn còn một bộ phận giáo viên coi nặng vật chất, vẫn còn gợi ý phụ huynh phải quà cáp và nhận quà đắt tiền từ phụ huynh. Còn đối với phụ huynh, lại coi việc "đi phong bì" giáo viên là để mong giáo viên quan tâm con hơn, để không bị trù dập, điểm kém… cái đó, theo tôi đã làm mất đi ý nghĩa của ngày đặc biệt này. Có nhiều cách để biểu đạt tình cảm, có thể học sinh vẽ bưu thiếp, tự làm hoa tặng cô… chứ vì chạy theo xã hội, những nhà nghèo lại phải cố dành tiền quà cáp thì không nên, vì điều này không cần thiết. Hãy quan tâm, yêu mến giáo viên thực sự chứ không phải thể hiện bằng quà cáp".
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 được tổ chức trọng thể trên cả nước lần đầu tiên vào ngày 20/11/1982. Theo Quyết định của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) số 167-HĐBT ngày 28/9/1982 về Ngày Nhà giáo Việt Nam nêu rõ: Việc tổ chức ngày 20/11 hàng năm do Ủy ban nhân dân và Hội đồng Giáo dục các cấp chủ trì, có sự phối hợp với các ngành Giáo dục và các đoàn thể nhân dân. Việc tổ chức cần được tiến hành trọng thể và thiết thực, tránh hình thức phô trương, gây phiền hà cho học sinh và cha mẹ học sinh. Điều 4 của Quyết định nêu rõ, trong ngày 20/11, các trường có thể sắp xếp lại việc học tập và giảng dạy để giáo viên được nghỉ và tham gia các sinh hoạt của trường và của địa phương.
Theo Quang Huy (Giadinh.net.vn)