Cần 19.000 tỷ đồng di dời Ga Đà Nẵng, xây dựng mới hầm Hải Vân
Cục Đường sắt Việt Nam vừa có đề xuất Bộ Giao thông Vận tải lập dự án cải tạo đường sắt khu vực đèo Hải Vân và di dời Ga Đà Nẵng giai đoạn 2026-2031. Theo đó, tổng mức đầu tư dự kiến 19.000 tỷ đồng, được trích từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2031.
Về vấn đề dời toàn bộ đường sắt khu vực Đà Nẵng ra khỏi trung tâm thành phố theo quy hoạch, thành phố này định hướng di dời Ga Đà Nẵng ra khỏi trung tâm về phía Tây nhà ga hiện tại; cải tạo tuyến đường sắt hiện có đi song song về phía Đông đường bộ cao tốc, trong cùng hành lang với đường sắt tốc độ cao.
Ngoài ra, ngành đường sắt sẽ xây dựng nhà ga hàng hóa tại khu vực Kim Liên để kết nối với Cảng Liên Chiểu; định hướng đầu tư trong giai đoạn đến năm 2030 và sau năm 2030.
Việc di dời ga Đà Nẵng ra khỏi trung tâm thành phố được cho là cấp bách bởi nhà ga hiện nằm trong trung tâm nơi có mật độ giao thông cao, gây ra tình trạng ùn tắc giao thông, đặc biệt là khi tàu ra vào ga và cắt ngang các tuyến đường lớn, gây ra tiếng ồn và ô nhiễm, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân xung quanh.
Trong khi đó, việc xây nhà ga Đà Nẵng mới ở xa trung tâm cũng sẽ giúp ngành đường sắt có không gian rộng rãi hơn để phát triển các cơ sở hạ tầng liên quan đến vận tải như bãi đậu xe, kho bãi, và các tuyến đường kết nối thuận lợi hơn với các khu vực lân cận, từ đó nâng cao hiệu quả vận tải hàng hóa và hành khách.
Về vấn đề xây mới hầm đường sắt qua đèo Hải Vân, việc này sẽ giúp ngành đường sắt giảm thiểu các rủi ro liên quan đến vấn đề đèo có nhiều khúc cua gấp, độ dốc cao và địa hình hiểm trở, đảm bảo an toàn cho hành khách và hàng hóa, nhất là trong mùa mưa bão.
Hơn nữa, tốc độ của tàu qua đèo Hải Vân hiện rất chậm do phải vượt qua địa hình đồi núi phức tạp. Việc xây mới hầm đường sắt sẽ giúp rút ngắn thời gian di chuyển, tăng tốc độ và khả năng vận chuyển, từ đó nâng cao hiệu quả khai thác vận tải đường sắt.
Dự án này sẽ giúp cải tạo điểm nghẽn về năng lực thông qua trên khu đoạn chạy tàu từ Vinh đến Nha Trang; xây dựng mới hầm, xử lý các nút thắt về vận tải do đường sắt đi qua khu vực đèo Hải Vân.
"Cung đường di sản" đẹp nhất Việt Nam
Với chiều dài hơn 100km, một bên là núi cao, một bên là biển sâu với nhiều đoạn đường đèo quanh co, uốn lượn…, cung đường sắt chạy qua đèo Hải Vân từ Thừa Thiên Huế đi Đà Nẵng mang lại nhiều cảm xúc choáng ngợp với hành khách.
Nhiều người từng trải nghiệm trên cung đường sắt này cho rằng, đoạn qua Lăng Cô - đèo Hải Vân chính là cung đường di sản đẹp nhất Việt Nam. Tuyến đường một bên dựa vào núi cao sừng sững, một bên hướng ra biển sâu thẳm, lại đi qua hàng loạt di sản nổi tiếng như Hải Vân Quan, Vịnh Lăng Cô,... tạo nên cảnh sắc ấn tượng.
Việc xây dựng tuyến đường sắt này được xem là kỳ tích bởi địa thế, địa hình đèo Hải Vân vô cùng hiểm trở. Cung đường sắt vượt đèo Hải Vân nối Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng có chiều dài tương đương đường bộ, qua các ga Kim Liên, Hải Vân Nam (Đà Nẵng), Hải Vân (nằm giữa đèo), Hải Vân Bắc, Lăng Cô (Thừa Thiên Huế).
Đường sắt qua đèo Hải Vân quanh co uốn lượn theo sườn núi, có 6 hầm chui và 18 cây cầu, trong đó hầm ngắn nhất là 85m, hầm dài nhất là 600m.
Đáng chú ý, cung đường qua đèo Hải Vân còn lọt top "10 cung đường đẹp nhất thế giới". Tạp chí du lịch danh tiếng của Mỹ Travel + Leisure đã công bố danh sách 10 tuyến đường đẹp nhất trên thế giới. Trong danh sách này, đèo Hải Vân ở Việt Nam đã vinh dự giành vị trí thứ 4.
Tuy có cảnh quan đẹp ngoạn mục là vậy nhưng khu vực hầm trên đèo có nhiều đường cong bán kính nhỏ, độ dốc lớn, hạn chế tốc độ, ảnh hưởng đến an ninh, an toàn đường sắt nên việc sớm cải tạo tuyến đường sắt được mệnh danh là cung đường di sản đẹp nhất Việt Nam là vô cùng cần thiết.
Theo Thái Hà (Nguoiduatin.vn)