Đại biểu lo ngại công an chính quy sẽ "lười biếng"
Sáng 17/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Tại phiên thảo luận đã có 2 luồng ý kiến khác nhau, luồng ý kiến ủng hộ sự cần thiết phải ban hành Luật này và luồng ý kiến cho rằng không cần thiết phải ban hành.
Phát biểu thảo luận, đại biểu Thiếu tướng Sùng Thìn Cò (đoàn Hà Giang) cho rằng, chúng ta phải tin tưởng vào hệ thống chính trị từ Trung ương xuống đến cơ sở xã, phường, phải tin tưởng vào nhân dân.
"Chúng ta phải dựa vào dân, không có việc gì nhân dân không biết. Chúng ta không biết có phải tại chúng ta không tốt, không làm tốt công tác dân vận, không làm công tác nắm tình hình dẫn tới các chính sách pháp luật của Nhà nước không đến nơi đến chốn, người dân không hiểu, không phân biệt được cái trái, phải", tướng Cò nói.
Ông cho rằng, cần phải xem xét, tính toán việc có cần thêm một lực lượng như trong dự thảo Luật nêu không.
"Lực lượng công an xã là không chuyên trách, có 70 năm xây dựng trưởng thành. Khi triển khai Luật Công an nhân dân năm 2018, công an chính quy xuống địa bàn thay thế thì sứ mệnh của công an xã hết.
Xin lỗi Bộ trưởng, giờ lực lượng công an của chúng ta quá đông. Bây giờ một tỉnh khoảng 3.000 đến 3.500 công an, tỉnh lớn có đến 4.000 công an chính quy.
Lực lượng đông như thế, giờ lại thêm nhiều lực lượng nữa, chẳng lẽ lực lượng chính quy không đủ để nắm được tình hình, xử lý tình hình hay sao?", tướng Sùng Thìn Cò đặt vấn đề
Theo tướng Cò, cái tài của người chiến sỹ công an phải xây dựng được mạng lưới cơ sở bí mật để nắm tình hình và "nắm địch phải nắm từ trong trứng nước".
"Nếu chúng ta xác định lực lượng này là lực lượng rất quan trọng thì sao không sử dụng ngay từ đầu để lực lượng đó đủ sức làm nhiệm vụ ở cơ sở, mà phải đưa công an chính quy xuống rồi bây giờ lại thành lập lực lượng này.
Đề nghị Quốc hội, Chính phủ cân nhắc, đại biểu trước khi bấm nút thay mặt cho cử tri của mình, cho dân, nên phải cân nhắc", Tướng Cò nêu thêm.
ĐB Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) đặt vấn đề, từ tính toán của cơ quan soạn thảo luật này, việc cơ cấu 1,5 triệu người tham gia lực lượng trị an cơ sở có vẻ như đang áp dụng trong tình trạng "khẩn cấp thời chiến, gấp nhiều lần quân thường trực, có cần thiết hay không?".
Ông Nhưỡng nói, trước đây chúng ta có lực lượng công an xã mọi việc rất tốt. Vì chuyện tinh giản biên chế, tổ chức bộ máy của công an đã chuyển 25.000 quân chính quy về xã.
"Bây giờ tôi đọc dự thảo, lực lượng này cứ gọi là phối hợp, nhưng tôi đọc hầu hết là "thực hiện nhiệm vụ".
Khi 126.000 lực lượng công an bán chuyên trách được "hợp thức hóa", ông Nhưỡng nói và lo ngại công an chính quy sẽ "lười biếng", dồn hết công việc cho lực lượng bán chuyên làm.
Đặc biệt đại biểu tiếp tục lo ngại tình trạng phình bộ máy, "phình cả động mạch, cả tĩnh mạch".
ĐB Nhưỡng đề nghị Chính phủ nghiên cứu kỹ lại các vấn đề và Quốc hội cũng cần xem xét kỹ.
Cánh tay nối dài giúp Công an xã
Còn đại biểu Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) cho biết, trong phạm vi điều chỉnh của dự án Luật này với 3 lực lượng (gồm bảo vệ dân phố, dân phòng và công an xã bán chuyên trách), nhưng 3 lực lượng này hình thành lâu có những lực lượng hình thành từ sau Cách mạng Tháng Tám (1945), hay lực lượng Công an xã hình thành từ ngày 10/10/1950.
"Tôi thấy các lực lượng này đã và đang hoạt động ở cơ sở, đã và đang ở trong dân, đã và đang làm những công việc giúp đảm bảo an ninh trật tự.
Lâu nay chúng ta đang điều chỉnh những đối tượng này bởi văn bản dưới luật, vấn đề hiện nay phải tạo một khung pháp lý cho lực lượng này là cần thiết, cho họ yên tâm, vững tâm hơn trong công tác", ĐB Xuân nói.
ĐB Xuân cho biết, qua thực tế cho thấy, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là lực lượng không chuyên trách, mang tính tự nguyện ở cấp thôn, xóm, tổ dân phố, bản, làng, phum, sóc.
Bà nói, thực tế làm ở địa phương cho thấy, chính lực lượng này là lực lượng xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, làm nòng cốt trong các nhân tố ở địa bàn cơ sở ở trong dân.
Lực lượng này ở cùng dân, ăn cùng dân, sinh hoạt cùng dân, mọi vấn đề đều được giải quyết trong dân, lực lượng này bám sát khá tốt địa ban, là cánh tay nối dài của lực lượng công an xã.
"Lực lượng công an xã chính quy được triển khai 100% đến xã. Tuy nhiên hiện nay các xã này có nơi chỉ bố trí 3-5 cán bộ công an xã chính quy hoặc 7 cán bộ, như vậy lực lượng quá mỏng, không thể giải quyết được các địa bàn thôn xóm, xã phường.
Tôi thấy có lực lượng này vào Luật thì đây là cánh tay nối dài giúp Công an xã có thêm lực lượng hỗ trợ, tuyên truyền vận động quần chúng hay hòa giải trong dân", ĐB Xuân nói và khẳng định sự cần thiết phải ban hành Luật.
Không đồng tình, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng giơ biển tranh luận và nói rằng, Dự thảo luật quy định đây là lực lượng quần chúng tự nguyện, khác với khái niệm không chuyên trách và cũng không phải là "chính danh" như ĐB Xuân nói. Vì nếu là "chính danh" cũng đồng nghĩa là chính quy.
Ông đề nghị phải xin ý kiến ĐBQH về việc có hay không ban hành luật này. "Chúng ta không được nhầm lẫn. QH nhầm lẫn thì dân đánh giá tai hại lắm", ông Nhưỡng cho hay.
Theo Hoàng Đan (Tổ Quốc)