Nợ nần, chán nản, tự ti với chính bản thân, Trần Thanh Bình (29 tuổi, quê quán phường Quang Trung, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) quyết định xin nghỉ làm tại Công ty Kho vận Đá Bạc ở quê nhà, rồi lên lên Hà Nội tìm việc mới.
Thiếu tướng Chung (trái) cùng Bình (ngoài cùng bên phải) ra xe về trụ sở công an |
5 giờ 45 phút cùng ngày, bà Đỗ Thị Ánh Hồng (49 tuổi, chủ nhân phòng 401) mở cửa để đi chợ. Nghe tiếng động, Bình nảy sinh ý định dùng dao khống chế bà Hồng cướp tài sản. Khi bà Hồng tới gần, Bình liền rút dao ra nói: “Mày đứng im”.
Do hoảng sợ, bà Hồng bị ngã ra bậc cầu thang. Thấy vậy Bình cầm dao quàng qua cổ bà Hồng khống chế, khiến bà này phải kêu cứu. Biết việc làm bại lộ, Bình lập tức kéo bà Hồng vào nhà và quát mọi người vào trong nhà đóng cửa lại. Lúc này, trong nhà bà Hồng còn có 3 người khác, trong đó có 2 cháu nhỏ.
Nghe tiếng kêu cứu, nhiều người dân trong khu tập thể đã chạy tới cửa nhà bà Hồng để quan sát. Thấy đông người, Bình liền bỏ ý định cướp tài sản và quay sang yêu sách muốn gặp người nhà.
Trong lúc khống chế con tin, Bình yêu cầu được gặp người đứng đầu ngành công an Hà Nội. Biết được thông tin này, thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội đã 4 lần gọi điện nói chuyện với Bình.
Kết thúc cuộc điện thoại thứ tư, 10 giờ 15 phút cùng ngày, thiếu tướng Chung có mặt tại hiện trường và yêu cầu lực lượng công an đang phong tỏa tại đây giãn ra để ông một mình lên phòng, nơi Bình đang khống chế 4 con tin.
10 giờ 35 phút cùng ngày, thiếu tướng Chung trực tiếp một mình đi vào phòng để thuyết phục, nói chuyện với Bình. Đúng 10 giờ 45 phút, tức 10 phút sau khi nói chuyện và thuyết phục, Bình đã đồng ý thả con tin, đi theo thiếu tướng Chung lên xe ô tô, về trụ sở Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45 Công an thành phố Hà Nội). Cuộc giải cứu con tin ở tập thể Thanh Xuân Bắc thành công, không có thương vong về người.
Được biết, khi gặp thiếu tướng Chung, Bình yêu cầu được gặp vợ con rồi mới ra đầu hàng nhưng người đứng đầu Công an thành phố Hà Nội kiên quyết yêu cầu Bình sớm ra đầu thú để được giảm nhẹ tội. Thiếu tướng Chung cũng khẳng định sẽ đảm bảo an toàn tính mạng cho Bình và cho Bình gặp gỡ vợ con khi về tới trụ sở công an.
Ngày 16.4, Tòa án nhân dân quận Thanh Xuân tuyên phạt bị Bình 7 năm tù cho tội "Cướp tài sản", 9 tháng tù giam cho tội "Cố ý gây thương tích" và 18 tháng tù giam với tội "Bắt giữ người trái pháp luật". Tổng hợp mức hình phạt tù là 9 năm 3 tháng.
Giải cứu cháu bé 5 ngày tuổi bị bố bắt giữ
Theo Đại tá Dương Văn Giáp, Trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45 Công an thành phố Hà Nội), ngoài vụ việc trên, thiếu tướng Nguyễn Đức Chung còn trực tiếp tới hiện trường chỉ đạo và tham gia phá nhiều vụ án bắt cóc để giải cứu con tin trên địa bàn thủ đô.
Một trong số các vụ án đó xảy ra tối ngày 22.11.2013. Lúc đó, Nguyễn Huy Hiện (33 tuổi, ngụ ở xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội) xông vào Bệnh viện Nhi Trung ương dùng dao đe dọa vợ, cướp con mình đang trị bệnh ở đây rồi chạy ra ngoài. Nhận tin báo, thiếu tướng Chung đã chỉ đạo Cảnh sát hình sự, Cảnh sát 113 và Công an quận Ba Đình tổ chức truy tìm theo hướng Hiện bỏ chạy.
Khoảng 20 phút sau khi vụ việc xảy ra, Công an phường Liễu Giai (Công an quận Ba Đình) nhận được tin báo của người dân ở ngõ 260 Đội Cấn là Hiện tay cầm dao, bế theo cháu bé sơ sinh uy hiếp chủ nhà. Lúc này, hắn trốn vào phòng vệ sinh đóng chặt cửa, miệng liên tục la hét dọa giết bất kỳ ai xông vào. Hiện khi đó có dấu hiệu thần kinh không ổn định, đập phá một số tài sản trong nhà dân.
Nắm được tình hình, thiếu tướng Nguyễn Đức Chung đã trao đổi với lãnh đạo Sở Y tế đề nghị điều xe cấp cứu, cán bộ xuống hiện trường hỗ trợ cảnh sát đề phòng tình huống xấu. Cũng ngay sau đó, thiếu tướng Chung lập tức có mặt ở hiện trường nơi Hiện ẩn náu, trực tiếp chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ.
Sau gần 30 phút động viên, thuyết phục không hiệu quả, lực lượng công an khép chặt vòng vây, bất ngờ ập vào khống chế Hiện, giải cứu an toàn cháu bé và giao lại cho gia đình.
Truy tìm kẻ bắt cóc trẻ sơ sinh ở BV Phụ sản
Tháng 11.2011, khi đó thiếu tướng Nguyễn Đức Chung còn là đại tá, Phó giám đốc Công an thành phố Hà Nội cũng trực tiếp chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ Công an thành phố Hà Nội khám phá thành công vụ án giả danh y bác sỹ bắt cóc trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, do Nguyễn Thị Lệ (33 tuổi, quê quán huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) làm chủ mưu.
Cụ thể, ngày 1.11.2011, chị Trần Thị Thơm (38 tuổi, quê quán ở tỉnh Hưng Yên) đến Bệnh viện Phụ sản Trung ương để sinh con. Hai ngày sau, Lệ trong bộ quần áo bác sĩ, đeo khẩu trang, yêu cầu chị Thơm đưa bé trai đi tiêm. Sinh nghi, người nhà đòi đi cùng nhưng Lệ từ chối. Chiều cùng ngày, không thấy bé trai được bế trở lại, gia đình đã đi tìm và báo lãnh đạo bệnh viện.
Đây được xem là vụ bắt cóc chưa từng xảy ra ở Việt Nam, bởi hung thủ liều lĩnh đóng giả bác sỹ, vào tận bệnh viện bắt cóc trẻ sơ sinh từ tay sản phụ.