Tìm gặp người mẹ kế “vĩ đại”
Gần đây, dư luận đang xôn xao khi đọc được thông tin bé trai 10 tuổi ở Hà Nội bị đánh rạn xương sườn, mặt mũi chằng chịt vết sẹo cũ mới… Và đau lòng hơn, người gây ra tội ác đó lại chính là bố đẻ và người mẹ kế của cháu bé.
“Mấy đời bánh đúc có xương/ Mấy đời dì ghẻ mà thương con chồng”. Đó là câu ca dao mà người đời vẫn hay nói. Dường như dì ghẻ, con chồng đã trở thành 2 thứ đối lập nhau mà người đời nghĩ chẳng thể nào hòa hợp, yêu thương.
Ấy thế mà câu chuyện chúng tôi sắp kể ở đây về một người mẹ kế có lẽ sẽ khiến bạn đọc phải ngậm ngùi nghĩ lại về hai từ… “mẹ kế”.
Lấy chồng nhưng không có con, 10 năm sau thì chồng mất, người phụ nữ ở vậy nuôi 2 con của chồng; con của chồng cũng bệnh mất sớm, con dâu bỏ đi biệt tích để lại cho người phụ nữ ấy 3 đứa cháu nhỏ, đứa bé nhất khi ấy còn phải bế ẵm.
Đó là câu chuyện của gia đình bà Vàng Thị Chúa (53 tuổi, dân tộc Mông), tổ 4, thị trấn Mèo Vạc (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang).
Hỏi đường về nhà bà Chúa ai cũng biết. Người ta biết đến bà vì…bà quá khổ! Lời “giới thiệu” của người dân gần đó “Tôi chưa thấy người nào như bà ấy” càng làm chúng tôi háo hức chờ mong giây phút gặp bà.
Con đường nhỏ dẫn vào nhà bà cách mặt đường lớn chỉ chừng 10 mét, nhưng nó khác hẳn với những ngôi nhà cao tầng hiện đại, phố xá nhộn nhịp bên ngoài. Chúng tôi đến đúng lúc bà Chúa vừa đi ăn cỗ về, trên tay có cầm một túi xôi lấy phần cho các cháu.
Bà Chúa dáng người cao dong dỏng, khôn mặt khá thanh thoát, dáng đi nhanh nhẹn, khác hẳn với tưởng tượng của chúng tôi về một người phụ nữ lam lũ, khắc khổ. Miệng bà nói liên tục thứ tiếng gì đó mà chúng tôi không hiểu. Sau đó, chúng tôi mới biết, bà không biết tiếng phổ thông mà chỉ nói được tiếng dân tộc Mông.
Bà mở cửa cho chúng tôi vào nhà. Ngôi nhà thấp, lợp mái fibro xi măng, cửa chỉ đủ một người đi qua; chẳng có cửa sổ nên bên trong rất thiếu ánh sáng. Phía sau nhà là những dãy núi đá tai mèo dựng đứng…
Khó khăn trong việc giao tiếp, chúng tôi phải liên hệ với ông Vừ Mí Hờ - Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tổ 4, thị trấn Mèo Vạc để làm người “phiên dịch”. Qua sự trợ giúp của ông Hờ, bức tranh về cuộc đời của bà Chúa dần được hé mở.
Bánh đúc vẫn có xương
Bà Chúa vốn là người của xã Chúng Pả A, huyện Mèo Vạc. Năm 30 tuổi, bà về làm vợ hai ông Vừ Mí Sính tại tổ 4, thị trấn Mèo Vạc, huyện Mèo Vạc, Hà Giang.
Khi về làm lẽ, ông Sính đã có 2 con. Cô con gái lớn 8 tuổi và con trai 6 tuổi. Hai ông bà sống với nhau hạnh phúc, cùng nhau làm ăn và nuôi các con.
Suốt 10 năm chung sống, bà Chúa không mang thai. Nhà nghèo nên bà cũng chẳng có tiền đi viện khám và cứ thế một mình lặng lẽ chăm chồng và 2 con. Thế rồi, bỗng một ngày, ông Sính lên cơn đau bụng rồi qua đời, bỏ lại bà Chúa cùng 2 con ra đi. Người con gái lớn khi ấy 18 tuổi, người con trai 16 tuổi.
Bà Chúa ở lại một mình xoay sở nuôi 2 đứa con của chồng và còn đích thân dựng vợ, gả chồng cho 2 con. Người con gái cả lấy chồng xa, ít khi có thời gian về nhà. Bà Chúa ở cùng người con trai thứ là Vừ Mí Chả.
“Có một cái "lạ" của người phụ nữ dân tộc Mông là, nếu chồng chết thì hầu hết họ sẽ đi lấy chồng khác và bỏ mặc các con mình, ít khi quan tâm. Tuy nhiên, trường hợp của bà Chúa, dù không phải con cháu ruột của mình nhưng vẫn yêu thương và chăm sóc tận tình quả thật khiến chúng tôi cảm động và kính nể vô cùng”, ông Hờ - Chủ tịch MTTQ thị trấn Mèo Vạc nói.
Người con trai thứ là Vừ Mí Chả lấy vợ và sinh được 4 đứa con gái. Năm 2013, anh Chả không may mắc bệnh qua đời, bỏ lại bà Chúa cùng vợ và 4 đứa con gái nhỏ. Do không có con trai nên vợ anh Chả mua một cậu con trai về nuôi và đặt tên là Hờ Mí Nô.
“Quan niệm của người Mông là phải có con trai để nối dõi tông đường. Sau khi chồng chết, vợ anh Chả định ở lại làm ăn và nuôi con nên mua cháu Nô về để nuôi. Tuy nhiên, khoảng 1 năm sau khi chồng mất, chị này cũng đi lấy chồng khác và mang theo 2 cháu gái, để lại mình bà Chúa nuôi 3 đứa nhỏ còn lại”, ông Hờ cho hay.
Hơn 4 năm qua, bà Chúa một mình chăm 3 đứa cháu nhỏ gồm Vừ Thị Pà (11 tuổi), Vừ Thị Say (9 tuổi), Hờ Mí Nô (7 tuổi). Hằng ngày, bà Chúa đi làm nương và cắt cỏ cho bò. Dù cuộc sống thiếu thốn, vất vả nhưng 4 bà cháu vẫn thương yêu nhau.
Hiện Pà đã học lớp 6, Nô học lớp 2 ở gần nhà, sáng đi tối về. Say là cô bé lém lỉnh, lanh lợi và có học lực tốt nên được nhận vào lớp ươm mầm tài năng của trường Nội trú huyện Mèo Vạc, mỗi tháng được về thăm nhà 1-2 lần.
Dù không hiểu hết về câu chuyện của bà nhưng cô bé Say tâm sự rằng: “Em rất thương bà. Em ở nội trú trong trường, có gì ăn ngon bà vẫn mang vào cho em. Lúc nào em cũng nhớ nhà và nhớ bà, muốn được ăn cơm cùng bà”.
Chừng đó đủ để chúng tôi hiểu rằng, chẳng có khoảng cách nào về tình cảm giữa bà và các cháu. Bà luôn coi các cháu như chính cháu ruột của mình và ngày đêm lo cho các cháu ăn ngủ, học hành.
Theo Triệu Quang (Dân Việt)