Các chuyên gia xã hội cho rằng, cần phải quy trách nhiệm và xử lý với lãnh đạo chính quyền địa phương, người thân...
Cách đây không lâu, dư luận rất phẫn nộ bởi vụ việc một ông bố ở Kiên Giang cầm roi sắt nung dí vào con gái mới học lớp 1, thì giờ đây, mọi người lại căm giận một người cha (sinh năm 1983, trú tại Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội) nhẫn tâm đánh đập, hành hạ cậu con trai mới chỉ 10 tuổi trong suốt thời gian dài. Khi chạy thoát khỏi nhà - nơi cháu bé bị giam giữ, toàn thân cháu bé đầy sẹo. Cháu kể bị bố và mẹ kế thường xuyên đánh đập, không được đến trường.
Đáng nói, người mẹ đã gần 2 năm không gặp con, còn ông bà nội cũng bặt tin gần một năm, sau khi cháu bé chuyển ra ngoài sống cùng bố và mẹ kế.
Ông Nguyễn Trọng An - Nguyên Cục trưởng Cục trẻ em (Bộ LĐTBXH) cho rằng, thật khó để có thể chấp nhận hành động của một ông bố bạo hành con ruột. "Có thể một số người vì “giận cá chém thớt” thù hận vợ, chồng hoặc bản thân người đó vì nghiện ngập, rượu chè nên mới đánh đập con. Tuy nhiên, việc đánh đập tàn nhẫn kiểu nung roi sắt dí vào người hay đánh đập tàn nhẫn tới rạn hộp sọ, nghi gãy xương sườn, rõ ràng người bố ấy đã không còn nhân tính. Họ thực sự là quỷ đội lốt người", ông An bức xúc.
Ông An bức xúc: “Một vụ việc cháu bé 10 tuổi bị bố và mẹ kế bạo hành trong suốt 2 năm mà không một cơ quan đoàn thể nào phát giác, cần quy trách nhiệm xử lý tới nơi với những người tiếp tay hoặc thờ ơ khiến cái ác có cơ hội lộng hành như: chính quyền địa phương, chủ tịch phường, thầy cô giáo, hàng xóm…”.
Ông An cũng lấy làm buồn bởi dù rất nhiều vụ việc trẻ em bị xâm hại, bạo lực đã xảy ra, bị dư luận phanh phui, thậm chí cơ quan công an khởi tố nhưng lãnh đạo các địa phương này vẫn "bình chân như vại", chẳng ai bị xử lý hay quy trách nhiệm.
Bà Ngô Thị Ngọc Anh - Giám đốc trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và phát triển cộng đồng cực lực lên án hành vi thú tính của người cha. “Tôi cho rằng, pháp luật cần xử tăng nặng với những hành vi bố mẹ bạo hành nghiêm trọng con đẻ. Thêm vào đó sự vô cảm của gia đình, người thân như bố, mẹ (không gây bạo hành trực tiếp) cũng cần bị xử lý bởi đó là hành vi gián tiếp tạo nên sự bạo hành ở trẻ em”, bà Ngọc Anh kiến nghị.
Theo một thống kê của đường dây tư vấn hỗ trợ bảo vệ trẻ em 18001567 nay là Tổng đài 111, số ca trẻ em bị bạo hành được phát hiện trong 5 năm gần đây tăng cao, gấp 2,3 lần so với giai đoạn trước đó.
"Tỷ lệ trẻ em bị bạo lực từ chính trong gia đình là cao nhất (chiếm 63.2%). Trong đó, bố là người gây ra bạo lực nhiều nhất đối với trẻ em (chiếm 37,5%); tiếp đó là người mẹ (chiếm 11.8%); các đối tượng khác trong gia đình thường là bố dượng, mẹ kế, họ hàng sống chung trong một mái nhà (chiếm 13,9%). Bị người thân bạo hành khiến cho tình trạng sang trấn tâm lý của trẻ lâu hồi phục hơn so với thủ phạm là người ngoài gia đình" - Tổng đài 111.
Theo Thùy Anh (Dân Việt)