Từ ngày 1/5, người có tiền bảo lãnh sẽ không bị giữ phương tiện giao thông vi phạm

06/03/2020 09:07:26

Từ ngày 1/5/2020, phương tiện giao thông vi phạm hành chính có thể được giao cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản.

Ngày 5.3.2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 31/2020/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 115/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính.

Theo đó, từ ngày 1.5.2020, tổ chức, cá nhân vi phạm có khả năng tài chính đặt tiền bảo lãnh thì có thể được xem xét để giao giữ, bảo quản phương tiện giao thông vi phạm hành chính.

Từ ngày 1/5, người có tiền bảo lãnh sẽ không bị giữ phương tiện giao thông vi phạm
Ảnh minh họa

Cụ thể, với trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm giao thông có nơi đăng ký thường trú hoặc có nơi đăng ký tạm trú còn thời hạn hoặc có giấy xác nhận về nơi công tác của cơ quan, tổ chức hoặc có địa chỉ hoạt động rõ ràng và có khả năng tài chính đặt tiền bảo lãnh thì có thể xem xét để giao giữ, bảo quản phương tiện.

Trong trường hợp giao phương tiện giao thông vi phạm hành chính cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản thì họ phải làm đơn gửi cơ quan của người có thẩm quyền đề nghị được giữ, bảo quản phương tiện…

Trong thời hạn không quá 2 ngày kể từ ngày nhận được đơn đề nghị, cơ quan có thẩm quyền sẽ quyết định việc giao phương tiện cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản.

Khi giao phương tiện cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản, người có thẩm quyền tạm giữ phải lập biên bản ghi rõ tên, số lượng, khối lượng, đặc điểm, chủng loại, nhãn hiệu, xuất xứ, nơi giữ, bảo quản, tình trạng của phương tiện (nếu có) và phải có chữ ký của tổ chức, cá nhân vi phạm và người có thẩm quyền tạm giữ; thời hạn tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản phương tiện. Biên bản được lập thành 2 bản, mỗi bên giữ một bản.

Cùng với việc lập biên bản khi giao phương tiện, người có thẩm quyền tạm giữ phải tạm giữ giấy chứng nhận đăng ký phương tiện để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt, trừ trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm đã đặt tiền bảo lãnh. Việc tạm giữ giấy chứng nhận phải được lập thành biên bản.

Tổ chức, cá nhân vi phạm trong thời gian được giao giữ, bảo quản phương tiện vi phạm thì không được phép sử dụng phương tiện vi phạm đó tham gia giao thông; không được tự ý thay đổi nơi giữ, bảo quản phương tiện vi phạm, nếu không có sự đồng ý bằng văn bản của người có thẩm quyền tạm giữ...

Trong thời gian được giao giữ, bảo quản phương tiện vi phạm, nếu tổ chức, cá nhân để xảy ra mất, đánh tráo, bán, trao đổi, cầm cố, thế chấp, thay thế, hủy hoại, làm hư hỏng phương tiện thì phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại, hậu quả do hành vi mà mình gây ra theo quy định của pháp luật.

HP (Nguoiduatin.vn)