Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 chiều 4/5, khi phân tích một số trường hợp mắc COVID-19 sau khi hoàn thành cách ly tập trung và lây nhiễm cho cộng đồng, các ý kiến cho rằng, một số cơ sở cách ly tập trung chưa thực hiện đầy đủ các quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế, đặc biệt trong xử lý khi phát hiện trường hợp cách ly mắc COVID-19.
Trong khi đó, công tác bàn giao, tiếp nhận người hoàn thành thời gian cách ly tập trung, theo dõi, giám sát y tế tại nơi cư trú ở nhiều nơi còn lỏng lẻo, chưa thực hiện nghiêm.
Quy trình cách ly tại khách sạn Như Nguyệt 2 "chắn chắn có vấn đề"
Bộ Y tế nghi ngờ nguồn lây cho đoàn chuyên gia Trung Quốc (4/5 người mắc COVID-19 phát hiện khi về nước) là từ đoàn chuyên gia Ấn Độ (4/11 người phát hiện mắc COVID-19).
Cả hai đoàn cách ly tại khách sạn Như Nguyệt 2, trong đó đoàn Ấn Độ gồm 11 người bắt đầu cách ly từ ngày 17/4, đoàn Trung Quốc cách ly từ ngày 9 đến 23/4. Trong thời gian này, khách sạn chỉ phục vụ 3 đoàn chuyên gia cách ly tập trung, trong đó đoàn Ấn Độ và đoàn Trung Quốc ở tầng liền nhau, chung một cầu thang đi.
Với đoàn chuyên gia Ấn Độ, ngày 18, 22 và 24/4, Bộ Y tế lần lượt ghi nhận 4 chuyên gia dương tính COVID-19. Ngày 26/4, thêm một nhân viên lễ tân khách sạn người Việt ở khách sạn này dương tính. Kết quả giải trình tự gene của 4 chuyên gia và nhân viên khách sạn Như Nguyệt 2 nhiễm chủng Ấn Độ (B.1.617.2).
Đoàn Trung Quốc trong thời gian cách ly xét nghiệm âm tính 2 lần, sau khi kết thúc cách ly đã đi nhiều nơi trong đó có Vĩnh Phúc. Hệ quả, đã có ít nhất 14 người dương tính liên quan. Chiều 4/5, Bộ Y tế thông báo kết quả giải trình tự gene virus SARS-CoV-2 các ca nhiễm ở Vĩnh Phúc lây nhiễm từ nhóm Trung Quốc, cũng mắc biến chủng B.1.617.2 từ Ấn Độ.
Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội bên lề cuộc họp, PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng - nhận định quy trình cách ly tại khách sạn Như Nguyệt 2 "chắn chắn có vấn đề".
"Người cách ly Ấn Độ đã lây nhiễm sang người nhân viên khách sạn. Giải trình tự gene các ca mắc ở Vĩnh Phúc liên quan chuyên gia Trung Quốc từng cách ly tại khách sạn cũng cho thấy nhiễm chủng Ấn Độ. Hai trường hợp cho thấy rõ có mối liên hệ nhau", PGS.TS Phu nói.
Lơ là là gây họa
Vị chuyên gia nhấn mạnh vấn đề chống lây nhiễm chéo trong khu cách ly là điều rất quan trọng. Cùng đó trình độ, khả năng của người quản lý/phục vụ cơ sở cách ly cũng là vấn đề đáng bàn. Thứ 3 là vấn đề thực hiện quy trình hướng dẫn. Người quản lý, các nhân viên cơ sở cách ly phải thực hiện các biện pháp hết sức ngặt nghèo để bảo hộ, bảo vệ bản thân, chống lây nhiễm chéo, xử lý chất thải...
Ông nhắc lại vụ việc ở khách sạn Mường Thanh (Hà Nội) chỉ 1 khâu vi phạm như lễ tân vì đổi tiền và nghe điện thoại 10 giây hộ bệnh nhân COVID-19 là người nhập cảnh (lúc này chưa biết mình dương tính) cũng trở thành F1. "Biết đâu người cách ly là người mang virus", ông Phu nói về việc nhân viên khu cách ly phải tuân thủ chặt quy định, hướng dẫn.
Cho rằng 4 chuyên gia Trung Quốc về nước mới phát hiện dương tính là bằng chứng quá rõ cho việc lây nhiễm chéo ở khu cách ly, PGS Phu đề nghị cần phải chấn chỉnh quy trình cách ly tập trung, kiểm tra, tập huấn lại các nhân viên, quản lý cơ sở cách ly.
"Tất cả đều đã có quy định và nếu cơ sở không đảm bảo thì không được đăng ký làm nơi cách ly" - ông nhấn mạnh.
Theo ông Phu, nguy cơ lây nhiễm sau thời gian cách ly tập trung vẫn có dù tỷ lệ rất thấp. Do đó, ý thức thực hiện cách ly và quá trình giám sát cách ly/sau cách ly là yếu tố quan trọng để ngăn chặn dịch bệnh lây lan rộng trong cộng đồng.
Với việc quản lý tại nhà sau cách ly y tế tập trung, Ban Chỉ đạo Quốc gia đã có hướng dẫn rất rõ ràng về trách nhiệm bên bàn giao - bên nhận, người cách ly và chính quyền địa phương, trong đó có yêu cầu phòng bệnh theo biện pháp 5K, đặc biệt là người về nhà sau khi cách ly vẫn phải hạn chế giao tiếp, hạn chế đến nơi đông người.
Sáng 4/5, Hà Nội ghi nhận một chuyên gia Ấn Độ dương tính khi rời khu cách ly tập trung ở Hải Phòng. Đây là trường hợp thứ ba nhập cảnh sau khi kết thúc cách ly mới phát hiện dương tính SARS-CoV-2, kể từ ngày 28/4 đến nay.
Trường hợp thứ 1 là BN2899 ở Hà Nam, cách ly tại Đà Nẵng, về quê vài ngày thì phát hiện dương tính do có dấu hiệu sốt, ho... BN2899 đã lây bệnh cho ít nhất 19 người ở 4 tỉnh (Hà Nam, Hưng Yên, Hà Nội và TP HCM). Trường hợp thứ 2 là nhóm chuyên gia Trung Quốc cách ly tại tỉnh Yên Bái (hiện có ít nhất 15 người mắc COVID-19 liên quan nhóm này).
Tại cuộc họp chiều nay, kết quả rà roát các trung tâm cách ly của quân đội, dân sự, quy trình bàn giao với nơi nhận người sau khi cách ly của Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, cho thấy một số địa phương chưa thực hiện nghiêm túc mặc dù các quy trình này đã được Ban Chỉ đạo, Bộ Y tế đã hướng dẫn đầy đủ; là một trong những nguyên nhân dẫn đến đợt dịch này.
Liên quan đến vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo quyết liệt, cá nhân hóa trách nhiệm và xử lý nghiêm khắc.
Qua báo cáo rà soát của các cơ quan, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo, từ 0 giờ ngày 4/5, tạm thời chưa giải quyết kết thúc và cho ra khỏi khu cách ly tập trung (cả của quân đội, dân sự quản lý) đối với tất cả trường hợp đủ điều kiện hết cách ly (tối thiểu 14 ngày, xét nghiệm 2 lần âm tính).
Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong ngày 4/5, Bộ Y tế rà soát lại quy định, có văn bản hướng dẫn, gửi các địa phương, trung tâm cách ly để quán triệt việc bàn giao giữa trung tâm cách ly với địa phương (có người hoàn thành cách ly về cư trú), tiếp nhận, quản lý chặt chẽ trong 14 ngày, kể từ khi hoàn thành cách ly tập trung. Dự kiến, các trung tâm, địa phương căn cứ thực hiện theo hướng dẫn từ ngày 5/5.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, các quy định, hướng dẫn, văn bản đã đầy đủ, tuy nhiên, các địa phương, trung tâm cách ly tập trung phải thực hiện nghiêm túc.
Theo Võ Thu (Giadinh.net.vn)