Doanh nghiệp "lạ" với kế hoạch đem 50 triệu liều vaccine Covid-19 về Việt Nam
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, trong năm 2021, Bộ Y tế cho biết, có 60 triệu liều vaccine phòng Covid-19 của hãng AstraZeneca được lên kế hoạch nhập về Việt Nam, trong số đó 30 triệu liều vaccine do CTCP Vắc xin Việt Nam (VNVC) đặt mua từ AstraZeneca; và 30 triệu liều vaccine do Covax tài trợ.
Tuy nhiên, trong thực tế, Việt Nam cần 150 triệu liều vaccine phòng Covid-19, như vậy, số lượng vaccine còn thiếu lên đến 90 triệu liều.
Trong thời gian gần đây, có nhiều doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký, liên hệ với Bộ Y tế để chào bán, gợi ý cung cấp vaccine phòng Covid-19. Trong số đó có CTCP Y dược phẩm Vimedimex (Vimedimex).
Vimedimex cho biết đã liên hệ với Tập đoàn SB Capital Management và Tập đoàn Moderna (Mỹ) để nhập khẩu 50 triệu liều vaccine Covid-19 về Việt Nam. Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại SB Vina (SB Vina) với vai trò là bên bán, được Moderna ủy quyền phân phối vaccine Covid-19 của hãng này tại Việt Nam.
Phiên bản webcache của website sbvina.com cho thấy, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển SB Vina có địa chỉ trụ sở và thông tin liên hệ trùng khớp với Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại SB Vina.
Và điều đáng nói ở đây, tại thời điểm Bộ Y tế cảnh báo về việc giả mạo trong cung ứng, mua bán vaccine Covid-19, sau thời điểm phía SB Vina thông báo phân phối vaccine Covid-19 của Moderna thì Moderna cho biết, chưa ủy quyền cho bất cứ bên nào về việc đăng ký, bán hàng và nhập khẩu vaccine phòng Covid-19 cho Việt Nam.
SB Vina tiền thân là Công ty TNHH Vận tải Hàng không Newlife Air (Newlife Air), ngành nghề chính là vận tải hành khách hàng không. Ông Nguyễn Văn Anh (1982) nắm chi phối với tỉ lệ sở hữu chi phối 95%, phần còn lại do ông Nguyễn Ngọc Trung đứng tên.
5 tháng sau khi thành lập, tháng 8/2020, doanh nghiệp này đổi tên thành SB Vina với vốn điều lệ của công ty do ông Nguyễn Văn Anh đứng tên 99%, giám đốc kiêm người đại diện pháp luật Ngô Minh Nguyệt (1982). Trụ sở của doanh nghiệp này cũng là trụ sở của CTCP Diamon Gate Việt Nam (Diamond Gate).
Tại Diamond Gate, Nguyễn Văn Anh nắm 76% vốn. Ngành nghề chính là công ty tư vấn đầu tư tài chính, sau mở rộng sang tư vấn di trú và định cư tại Hy Lạp, Đảo Síp (Cyprus) và Malta.
Sếp doanh nghiệp "lạ" bị khởi tố, truy nã là ai?
Ông Nguyễn Văn Anh sinh năm 1982, thường trú tại quận Long Biên. Ngoài vai trò lãnh đạo của 2 doanh nghiệp trên, ông Anh còn biết đến với vai trò là sếp của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Bigbuy24h Việt Nam, hay CTCP Gold Game Việt Nam.
Gold Game Việt Nam được thành lập vào ngày 15/7/2019 tại Hà Nội. Gold Game sau đó đã cho ra mắt games 103 - một trò chơi dự đoán kết quả bóng đá và thể thao có giải thưởng lên tới 1 triệu USD.
Dù chưa được cấp phép kinh doanh trò chơi nói trên nhưng Gold Game vẫn tự tin tuyên bố họ là doanh nghiệp đầu tiên được Nhà nước cấp phép kinh doanh trò chơi dự đoán kết quả bóng đá, thể thao có thưởng.
Trong khi đó, tại Newlife - công ty mẹ của Gold Game và sàn TMĐT Bigbuy24h, Nguyễn Văn Anh tuyên bố rằng họ đã nhận vốn đầu tư lên tới 1 tỷ USD từ tập đoàn SB Capital Management (Mỹ).
Ngày 10/1/2019, ông Nguyễn Văn Anh đã nộp đơn đến Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) để đăng ký website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử của Bigbuy24h Việt Nam.
Dù chưa được cấp phép cho website hoạt động, song ông Nguyễn Văn Anh đã đưa tin rầm rộ trên các trang mạng và một số báo điện tử về việc Quỹ WDI đến từ Hồng Kông và trang TMĐT Bigbuy24h.com ký kết hợp tác chiến lược và đầu tư trong đó Quỹ WDI sẽ đầu tư số tiền 680 triệu USD vào trang web mua sắm online Bigbuy24h.com.
Để lôi kéo nhiều người tham gia sàn thương mại điện tử Bigbuy24h, Nguyễn Văn Anh xây dựng cơ chế tặng điểm và cơ chế phát triển hệ thống theo cơ chế tặng điểm.
Cụ thể, đối với doanh nghiệp, chủ shop: Khi bán hàng trên Bigbuy24h, doanh nghiệp, chủ shop, cá nhân sẽ chiết khấu trong khung từ 1% đến 34%, tùy thuộc vào biên độ lợi nhuận của doanh nghiệp cũng như từng danh mục hàng hóa khác nhau, số phần trăm chiết khấu được thỏa thuận giữa người mua và người bán.
Sau khi chiết khấu về công ty, người bán sẽ được công ty hoàn trả đến 100% chiết khấu, nhưng sẽ hoàn trả dần, mỗi ngày được hoàn trả 1 phần 300 số điểm trong ví "điểm khoá".
Đối với người mua hàng: Trong mỗi đơn hàng, khi người bán hàng chiết khấu một phần trăm nào đó bất kỳ trong khung từ 1% - 33% thì khách hàng sẽ được công ty thưởng tích điểm tổng bằng 3 lần số phần trăm chiết khấu của người bán hàng, số điểm này cũng được hoàn trả dần, mỗi ngày hoàn trả 1 phần 500 số điểm trong ví "điểm tổng".
Điều đáng nói là tất cả các giao dịch trên đều là "ảo" bởi không hề có giao dịch mua bán nào diễn ra, những người trao đổi với nhau đều là các bị hại mà Văn Anh cho họ diễn những vai khác nhau với mục đích để họ tưởng có lợi thật nên nộp tiền vào.
Tháng 5/2020, văn phòng chính của Bigbuy24h đã đóng cửa, gỡ biển, ông Văn Anh thì xóa zalo, hủy kết bạn với các đại lý đại diện.
Ngày 24/7/2020, website Bigbuy24h.com và app ngừng hoạt động, tất cả các thành viên của sàn TMĐT Bigbuy24h không thể đăng nhập vào app đã tải về điện thoại. Nguyễn Văn Anh và đồng bọn cũng cắt đứt mọi liên lạc với những thành viên còn lại của công ty.
Tính riêng trong vụ việc liên quan đến công ty Bigbuy 24h, tại Thanh Hoá đã có hàng trăm người tố cáo Nguyễn Văn Anh và đồng bọn lừa gạt, huy động góp vốn và gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Đáng nói, có cả những cán bộ "cao cấp" của Bigbuy cũng bị lừa và không biết mình tiếp tay cho lừa đảo.
Theo công an tỉnh Thanh Hoá, Nguyễn Văn Anh bị khởi tố với tội danh Sử dụng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của nhiều người. Cũng theo thông báo của cơ quan này, bất kỳ người nào cũng có quyền bắt giữ và dẫn giải ngay đối tượng đến cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc Uỷ ban nhân dân nơi gần nhất.
Theo Pha Lê (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)