Sáng 1/7, Văn phòng Chính phủ (VPCP) tổ chức họp báo giới thiệu việc tích hợp thêm 6 dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, đánh dấu thời điểm có 725 dịch vụ công cung cấp cho người dân, doanh nghiệp.
6 dịch vụ gồm: chứng thực bản sao điện tử từ bản chính; cấp mới, đổi giấy phép lái xe mức độ 4; đóng tiếp BHXH tự nguyện; gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình; nộp tiền xử lý vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực giao thông đường bộ thuộc thẩm quyền của thanh tra giao thông; nộp tiền xử lý vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực giao thông đường bộ thuộc thẩm quyền của CSGT.
“Việc tích hợp, cung cấp 6 dịch vụ này có thể giúp tiết kiệm chi phí xã hội khoảng 1.686 tỷ đồng/năm”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết.
Trong đó, dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính giúp tiết kiệm chi phí xã hội là hơn 428 tỷ đồng/năm; dịch vụ cấp mới, đổi GPLX mức độ 4 tiết kiệm hơn 323 tỷ đồng/năm; dịch vụ đóng tiếp BHXH tự nguyệngiúp tiết kiệm hơn 209 tỷ đồng/năm; và dịch vụ gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình sẽ tiết kiệm hơn 724,6 tỷ đồng/năm.
Riêng dịch vụ cấp mới và đổi GPLX cấp độ 4 sẽ được thí điểm từ 1/7 tại Tổng cục Đường bộ, Hà Nội và tỉnh Hà Nam, với 3 Bệnh viện ở Hà Nội (Giao thông vận tải, E và Đa khoa Hà Đông) và 8 Bệnh viện, trung tâm y tế ở Hà Nam (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam, Bệnh viện Đa khoa Nam Lý; các Trung tâm y tế huyện: Bình Lục, Kim Bảng, Lý Nhân, Thanh Liêm, Thị xã Duy Tiên và Trung tâm giám định y khoa tỉnh).
Giới thiệu dịch vụ cấp mới, đổi GPLX cấp độ 4, đại diện Bộ GTVT cho biết mỗi năm có khoảng 1 triệu yêu cầu cấp đổi GPLX, dịch vụ này sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí cho người dân.
Theo đó người dân chỉ việc ngồi nhà thực hiện thao tác, thủ tục và GPLX có thể được chuyển đến tận nhà nếu người dân yêu cầu.
Giới thiệu dịch vụ nộp phạt vi phạm hành chính về giao thông thuộc thầm quyền của CSGT, đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó cục trưởng Cục CSGT cho biết đơn vị đã triển khai đến 63 tỉnh, thành phố.
“Với dữ liệu của chúng tôi, các quyết định xử phạt cấp đội trưởng, trưởng phòng CSGT đều phải nhập vào phần mềm, sau đó gửi thông báo đến người dân. Hiện đã nhập vào phần mềm khoảng 65% tổng số các biên bản vi phạm, dự kiến hết năm nay triển khai đồng bộ, 100% biên phản xử phạt của CSGT phải thực hiện trên phần mềm”, đại tá Bình nói.
Cung cấp con số từ đầu năm đến nay, lực lượng CSGT xử phạt khoảng 1,6 triệu trường hợp vi phạm, đại tá Bình cho biết mỗi trường hợp vi phạm phải lập 2 biên bản và ra 3 quyết định ký bản giấy. Vì vậy, nếu nhân số này với 1,6 triệu thì sẽ tốn kém rất nhiều.
“Nếu việc nộp phạt được thực hiện trực tuyến sẽ giúp tiết kiệm các chi phí này, tiết kiệm công sức và tiền của người dân rất lớn”, Phó cục trưởng Cục CSGT nhấn mạnh.
HP (Nguoiduatin.vn)