Cụ thể, khi phát hiện trường hợp vi phạm Luật giao thông, CSGT Hà Nội sẽ ghi lại thông tin của người vi phạm như số căn cước công dân, chứng minh nhân dân, số điện thoại… Sau đó, CSGT sẽ ra quyết định xử phạt và đăng tải lên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Đồng thời, gửi cho người vi phạm mã số định danh qua điện thoại để có thể truy cập vào Cổng dịch vụ công quốc gia tại địa chỉ: https://dichvucong.gov.vn/p/home/dvc-trang-chu.html và tiến hành tra cứu, làm theo các bước hướng dẫn để làm các thủ tục nộp phạt trực tuyến.
Trao đổi với PV VOV Giao thông, Đại úy Mai Hùng Anh – cán bộ Đội Tuyên truyền, khám nghiệm điều tra tai nạn giao thông, Phòng CSGT Công an TP. Hà Nội cho biết, có 9 bước để người dân thực hiện nộp phạt trực tuyến. Trong đó, người vi phạm phải xử lý thao tác ít nhất 3 bước, các bước còn lại sẽ do hệ thống và các cơ quan có liên quan xử lý.
"Với 9 bước xử phạt vi phạm hành chính qua Cổng dịch vụ công quốc gia, người vi phạm không phải trực tiếp đến cơ quan phát hiện ra vi phạm để nhận biên bản và quyết định xử phạt vi phạm hành chính, giảm nhiều thời gian phải di chuyển. Người vi phạm đăng ký địa chỉ để nhận lại giấy tờ và cơ quan CSGT thông qua bưu điện sẽ gửi giấy tờ đang bị tạm giữ theo địa chỉ đã đăng ký trên Cổng dịch vụ công quốc gia", Đại úy Mai Hùng Anh thông tin.
Thông tin thêm, CSGT TP. Hà Nội hiện vẫn chưa triển khai việc lập biên bản điện tử, bởi còn phải phụ thuộc vào việc đồng bộ các thông tin của công dân trên cơ sở dữ liệu chung
Được biết, từ năm 2020, Phòng CSGT Hà Nội đã áp dụng hình thức xử phạt trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Tuy nhiên, với hình thức này, người dân chỉ tra được thông tin về lỗi vi phạm, mức tiền nộp phạt, còn việc làm thủ tục và đi nộp phạt vẫn phải đến trụ sở công an.
Có thể thấy, với hình thức xử phạt vi phạm hành chính qua Cổng dịch vụ công quốc gia, người vi phạm không cần phải đi đi lại lại như trước kia, thậm chí các lái xe ở tỉnh vi phạm cũng không cần phải đi xa để nộp phạt. Người vi phạm chỉ việc ngồi tại nhà tra cứu trên Cổng dịch vụ công quốc gia và làm theo hướng dẫn để làm các thủ tục nộp phạt.
Chưa kể, trong tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, nộp phạt trực tuyến sẽ giúp tránh việc tiếp xúc dẫn đến nguy cơ lây lan.
9 bước để người dân thực hiện nộp phạt trực tuyến
Bước 1: Cảnh sát giao thông nhập biên bản vi phạm hành chính vào hệ thống phần mềm xử lý vi phạm, hệ thống sẽ tự động ra quyết định xử phạt, số quyết định này thực hiện theo quy định của Chính phủ và sẽ là số duy nhất để người vi phạm có thể truy cập, tra cứu thông tin vi phạm của mình.
Bước 2: Các nội dung được trích xuất từ quyết định xử phạt đưa lên Cổng Dịch vụ công quốc gia, gồm: Số quyết định xử phạt vi phạm hành chính; tên cơ quan ra quyết định xử phạt; thông tin của người vi phạm (họ tên, số giấy phép lái xe, số điện thoại do người vi phạm cung cấp, số tiền nộp phạt); kho bạc (ngân hàng) thu tiền xử phạt; hành vi vi phạm; thời gian vi phạm; địa điểm vi phạm; hình thức xử phạt bổ sung (thời gian tước quyền sử dụng giấy phép lái xe).
Bước 3: Thông tin về quyết định xử phạt do cơ quan cảnh sát giao thông cung cấp sẽ được Cổng Dịch vụ công quốc gia chuyển đến người vi phạm qua tin nhắn điện thoại (do người vi phạm cung cấp).
Bước 4: Kho bạc nhà nước (ngân hàng) sẽ kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia để tiến hành thủ tục nộp phạt cho người vi phạm, đồng thời phản hồi lại thông tin đã hoàn thành việc nộp phạt về Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Bước 5: Bưu điện sẽ kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia để thực hiện việc chuyển phát giấy tờ do cơ quan cảnh sát giao thông đang tạm giữ về địa chỉ người vi phạm đăng ký để nhận tại nhà sau khi đã chấp hành xong quyết định xử phạt.
Bước 6: Thông qua Cổng Dịch vụ công quốc gia, người vi phạm có thể hoàn thành việc nộp tiền phạt, đăng ký địa chỉ để nhận lại giấy tờ do cơ quan cảnh sát giao thông đang tạm giữ sau khi đã chấp hành xong quyết định xử phạt.
Bước 7: Cổng Dịch vụ công quốc gia phản hồi lại thông tin người vi phạm đã hoàn thành việc nộp tiền phạt, đăng ký địa chỉ để nhận lại giấy tờ tại nhà do cơ quan cảnh sát giao thông đang tạm giữ sau khi đã chấp hành xong quyết định xử phạt về Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an).
Bước 8: Cục Cảnh sát giao thông phản hồi lại thông tin người vi phạm đã hoàn thành việc nộp tiền phạt, đăng ký địa chỉ để nhận lại giấy tờ do cơ quan cảnh sát giao thông đang tạm giữ sau khi đã chấp hành xong quyết định xử phạt về các điểm xử lý vi phạm của công an địa phương.
Bước 9: Cơ quan cảnh sát giao thông qua dịch vụ bưu điện sẽ gửi giấy tờ đang tạm giữ về địa chỉ người vi phạm đăng ký qua Cổng Dịch vụ công quốc gia để nhận lại.
Theo Nguyễn Yên - Lê Tùng (Vov.vn)