Cấm kiểu "thả gà ra đuổi"
Giám đốc Sở GTVT Vũ Văn Viện cho biết, Sở đang xây dựng 2 đề án cấm xe máy vào trung tâm tới 2030 và thu phí phương tiện vào nội đô, theo đó, cấm được xe máy càng sớm càng tốt để giảm ùn tắc và ô nhiễm.
Tuy nhiên, TS Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia giao thông từng làm cho một tổ chức tư vấn quốc tế lớn, tham vấn cho nhiều dự án giao thông của Hà Nội, cho hay chính sách hạn chế phương tiện cá nhân đã đề cập gần chục năm nay, nhưng vẫn chưa thấy khả thi.
“Sự cần thiết của chủ trương này ai cũng thấy rõ, tôi cũng rất ủng hộ. Nhưng đề xuất của Hà Nội đang dừng ở mức mong muốn nhiều hơn, hiệu quả phải căn cứ vào điều kiện thực tiễn của Hà Nội. Câu hỏi đơn giản nhất là cấm thì người dân đi lại bằng gì, nếu không trả lời được thì không thể cấm nổi xe máy”, ông Đức nói, và cho rằng “nếu có chủ trương cấm từ cách đây 30 năm khi xe máy chưa bùng nổ mới thực hiện được, còn như hiện nay thả gà ra để bắt thì cấm rất khó”.
Cũng theo ông Đức, các vấn đề cần giải quyết khi cấm xe máy của Hà Nội là: đặc điểm ngõ, ngách rất dài, dích dắc xe buýt không thể vào sâu, đất dành cho giao thông, cũng như giao thông công cộng tại các quận trung tâm rất thiếu; những khu đô thị mới mọc lên không theo định hướng sử dụng giao thông khi cả khu lên tới vài chục nghìn dân chỉ có 1 bến xe buýt nhỏ, hay một con đường gánh quá nhiều chung cư, khu đô thị; đi vào nội đô gửi xe ở đâu, quy mô bãi đỗ xe phải rất lớn, có ùn tắc tại đó không...
“Chúng tôi từng nêu 50 - 60 vấn đề khó khăn khi cấm xe máy của Hà Nội, đặt vấn đề với đơn vị tư vấn cho Hà Nội là Viện nghiên cứu chiến lược giao thông vận tải, nhưng phía Viện nói là phải nghiên cứu dần. Nêu lên chủ trương thì dễ, nhưng tổ chức thực hiện thì cực kỳ phức tạp”, ông Đức nêu.
“Đủ xe buýt, tàu điện dân sẽ tự bỏ xe máy, không phải cấm”
Nhiều năm nay từng phản đối quyết liệt chủ trương cấm xe máy, TS Nguyễn Xuân Thuỷ, chuyên gia giao thông, vẫn giữ nguyên quan điểm này. Theo ông Thuỷ, cấm xe máy đến 2030 là không cấm được, khi phương tiện công cộng tốt lên người ta sẽ tự giảm dần xe máy.
Dẫn chứng các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Philippines người dân vẫn đi xe máy phổ biến và không cấm được xe máy, ông Thuỷ cho rằng, người dân có quyền đi phương tiện cá nhân nếu nhà nước không đủ điều kiện đáp ứng các phương tiện thay thế.
Một bài học khác từ Yangon (Myanmar) mà Hà Nội cần cân nhắc, theo ông Thuỷ, khi chính quyền thành phố Yangon thực hiện lệnh cấm xe máy vào năm 2003, đến nay thành phố này đang rơi vào cơn “ác mộng” ô tô khi tắc nghẽn do lượng ô tô tăng nhanh đột biến. Và tới nay, Yangon lại đang tính tới việc xem xét cho phép xe máy trở lại hoạt động.
Tương tự Hà Nội với đà tăng ô tô như hiện nay, tới năm 2030, ô tô có thể tăng tới 2 – 3 triệu xe, tràn ngập đường phố, trở thành tác nhân chính gây ùn tắc và ô nhiễm, chứ không phải xe máy.
Nói cách khác, chuyên gia này cho rằng, vấn đề cần làm trước của Hà Nội là phát triển hệ thống giao thông công cộng đủ sức hút, để người dân tự động bỏ xe máy thay vì cấm bằng biện pháp hành chính.
Về lộ trình tới năm 2030, theo ông Thuỷ, khi đó Hà Nội mới chỉ khoảng 3 tuyến đường sắt đô thị đi vào hoạt động, nếu tính cả xe buýt, mới đáp ứng được 20 - 30% nhu cầu đi lại của người dân. Chỉ khi giao thông công cộng thuận lợi, hạ tầng giao thông thông thoáng, đáp ứng được trên 40 - 45% nhu cầu người dân thì mới có thể dùng biện pháp hành chính như tăng phí, ngày chẵn ngày lẻ...
“Thành phố có thể dùng biện pháp hành chính để cấm xe máy, nhưng lưu ý phải chịu trách nhiệm trước quyết định của mình. Anh phải ký văn bản chịu trách nhiệm nếu cấm mà đời sống người dân nâng cao, thành phố giảm ùn tắc, làm tốt sẽ được tôn vinh, làm không hiệu quả phải chịu trách nhiệm”, ông Thuỷ nói.
Theo Mai Hà (Thanh Niên Online)