TS. Khương Kim Tạo: CSGT xử phạt đèn vàng là sai luật

01/08/2016 15:20:00

TS. Khương Kim Tạo, nguyên phó chánh văn phòng Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia cho rằng, việc lái xe cơ giới vượt đèn vàng sẽ bị CSGT xử phạt như vượt đèn đỏ là không phù hợp với luật giao thông đường bộ 2008 và không đúng với ý nghĩa khoa học của việc quy định thời lượng cần thiết của đèn vàng.

TS. Khương Kim Tạo, nguyên phó chánh văn phòng Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia cho rằng, việc lái xe cơ giới vượt đèn vàng sẽ bị CSGT xử phạt như vượt đèn đỏ là không phù hợp với luật giao thông đường bộ 2008 và không đúng với ý nghĩa khoa học của việc quy định thời lượng cần thiết của đèn vàng.
 
Tín hiệu đèn vàng

Cụ thể, khoản 3 điều 10 Luật Giao thông đường bộ 2008 đã quy định tín hiệu đèn giao thông có 3 màu với các ý nghĩa như sau: Tín hiệu xanh là được đi; tín hiệu đỏ là cấm đi; tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp.

Như vậy, người lái xe có thể đi qua vạch dừng khi đèn tín hiệu màu vàng là đúng luật, tín hiệu màu vàng chỉ cảnh báo cho lái xe nhanh chóng dừng lại trước vạch dừng vì sắp có tín hiệu đèn màu đỏ chứ không cấm người lái xe chạy qua vạch dừng.

Ý nghĩa khoa học của việc quy định thời lượng cần thiết của đèn tín hiệu màu vàng được xác định như sau: Khi lái xe đến nút giao phát hiện có tín hiệu đèn màu vàng sẽ nhanh chóng đạp phanh để dừng lại trước vạch dừng. 

Ô tô không dừng được ngay mà phải di chuyển một đoạn đường là quãng đường phanh. Chiều dài quãng đường phanh phụ thuộc vào loại ô tô, chất lượng hệ thống phanh, tình trạng mặt đường và khả năng phản ứng của lái xe.

Chúng ta có thể tính toán được quãng đường phanh và thời gian phanh của ô tô khi phanh với gia tốc 4m/s² (phanh gấp) theo TCVN 5658-1992 như bảng dưới đây:

Vận tốc bắt đầu phanh

(vận tốc vào nút giao) (km/h)

20

30

40

50

60

Quãng đường phanh(m)

7,6

14,3

22,9

33,5

46

Thời gian phanh (s)

2,08

2,7

3,47

4,17

4,7

Mối quan hệ giữa quãng đường phanh phụ thuộc vào vận tốc bắt đầu phanh thể hiện rằng, tất cả những ô tô cách vạch dừng một khoảng cách như quãng đường phanh hoặc ngắn hơn, khi đang chuyển động với vận tốc tương ứng sẽ chắc chắn không thể dừng lại trước vạch dừng và đồng nghĩa với việc vượt đèn vàng.

Như vậy, người lái xe có ý thức tuân thủ luật giao thông, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ giỏi vẫn phải vượt đèn vàng, chính vì lẽ đó mà phạt lỗi vượt đèn vàng là không thực tiễn không đúng với ý nghĩa khoa học của việc quy định thời lượng cần thiết của đèn vàng.

Mối quan hệ giữa thời gian phanh và vận tốc bắt đầu phanh thể hiện rằng nếu thời lượng đèn vàng quy định nhỏ hơn giá trị trong bảng thì không đủ thời gian để lái xe dừng lại trước vạch dừng khi đèn tín hiệu chuyển sang màu đỏ.

TS. Khương Kim Tạo: CSGT xử phạt đèn vàng là sai luật - ảnh 1
TS Khương Kim Tạo

Trong thực tế, thời lượng đèn vàng được xác định theo vận tốc  quy định vào nút giao thông của xe và phải lớn hơn thời gian phanh trong bảng để đảm bảo các xe không bị phanh gấp, gây nguy hiểm cho lái các xe chạy phía sau.

Với phân tích như trên, việc phạt lỗi vượt đèn vàng sẽ là không đúng luật, làm mất đi giá trị tồn tại của tín hiệu đèn vàng này. Chúng ta đang xây dựng văn hóa giao thông hướng đến các giá trị chân-thiện-mỹ trong lĩnh vực giao thông. 

Việc phạt đèn vàng là không đúng nên sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến ý thức con người. Người lái xe không có lỗi mà vẫn bị phạt gây ra tâm lý bức xúc, bất bình, thậm chí là chống đối và có thể dẫn đến những ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn giao thông nói riêng và xã hội nói chung.

Theo Sỹ Lực (Tiền Phong)