Nở rộ trung tâm đăng kiểm
Theo số liệu thống kê của Sở GTVT Hà Nội, hiện trên địa bàn Hà Nội có gần 30 trung tâm đăng kiểm đang hoạt động. Ngay tại quận Long Biên, chỉ trong năm 2019 có thêm hai trung tâm đăng kiểm xe cơ giới gồm 29-16D và 29-17D đi vào hoạt động. Mỗi trung tâm nằm trên một phường, nhưng cách nhau chỉ vài cây số và đều nằm trong ngõ, ngách.
Để cạnh tranh, cả hai trung tâm đăng kiểm này đều giăng nhiều biển quảng cáo, chỉ dẫn trên các tuyến đường chính và đường nhỏ trong khu vực để thu hút khách hàng. Điểm chung của cả hai trung tâm này là đều "chiều" khách hàng hết mức có thể. Trường hợp xe khi vào xếp hàng có các chi tiết thừa, chỉ cần quan sát bằng mắt thường cũng phát hiện, như lắp thêm đèn chiếu sáng, lốp mòn quá mức… nhưng vẫn được tiếp nhận kiểm định luôn.
Tại một số trung tâm đăng kiểm xe cơ giới khác, cũng xuất hiện và tồn tại tình trạng "làm luật" để được cấp tem và chứng nhận kiểm định đối với một số phương tiện không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật. Theo phản ánh của một số lái xe và chủ phương tiện xe cơ giới, khi đi đăng kiểm xe tại một số trung tâm đăng kiểm tại Hà Nội, hầu hết họ được gợi ý "bôi trơn" khi phương tiện đang trong quy trình khám dở.
"Đối với những xe chưa đủ điều kiện tiêu chuẩn kỹ thuật để lưu hành nhưng chỉ cần để 200.000 đồng ở tay lái sẽ được nhân viên của trung tâm đăng kiểm bỏ qua lỗi và khám xe nhanh hơn", một lái xe cho biết.
Cán bộ đăng kiểm nhận tiền để bỏ qua lỗi(?!)
Còn tại các địa phương, nếu như trước đây mỗi tỉnh chỉ cần một trung tâm đăng kiểm cũng đủ đáp ứng nhu cầu, nay cũng có thêm nhiều trung tâm đăng kiểm đi vào hoạt động. Số lượng đơn vị đăng kiểm tăng nhanh thuận tiện cho người dân, nên nhiều doanh nghiệp tìm cách để cạnh tranh, thu hút khách hàng, kể cả tặng quà. Việc cung vượt cầu dễ dẫn đến việc đơn vị đăng kiểm bỏ qua tiêu chuẩn kỹ thuật để giữ chân khách hàng, tìm kiếm doanh thu, thậm chí cấp khống giấy chứng nhận đăng kiểm như trường hợp một trung tâm đăng kiểm ở Bắc Giang bị đóng cửa cách đây vài tháng.
Tiếp xúc với phóng viên, một lái xe tải làm thủ tục đăng kiểm ở Trung tâm Đăng kiểm 18-01S Nam Định cho biết: "Lúc đầu đánh xe vào vị trí chuẩn bị khám xe, tôi bị nhân viên đăng kiểm thông báo lốp xe bị mòn, phải đi thay lốp mới đăng kiểm được. Nhưng họ gợi ý cho làm nhanh để khỏi mất công đi lại, đưa họ mấy trăm rồi họ cứ khám cho xong và đi thay lốp sau".
Tại đây, PV Báo Gia đình & Xã hội cũng ghi nhận được những trường hợp xe tải van lắp thừa ghế nhưng vẫn được bỏ qua trong quá trình khám xe. Lúc dán tem đăng kiểm, nhân viên "gợi ý bồi dưỡng" và nhận 200.000 đồng từ chủ xe rồi nhanh chóng cất vào túi quần.
"Xe khám gần xong rồi, bố trí nước non cho anh em tí"; "Anh xem bồi dưỡng cho anh em tí uống nước cho phấn khởi"; "Anh em làm việc vất vả, xem bồi dưỡng cho anh em cốc nước"… - Đó là những câu mà phóng viên bị gợi ý khi thâm nhập trong vai người đi đăng kiểm.
Còn tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 1701S – Thái Bình, theo ghi nhận có nhiều "cò" hoạt động bên trong và thường xuyên tiếp xúc với lái xe khi phương tiện không đạt tiêu chuẩn. "Với xe tải muốn không bị bắt lỗi cứ kẹp 200.000 đồng vào giấy tờ lúc đưa cho cán bộ tiếp nhận, còn với những lỗi lớn hơn để anh xin ý kiến lãnh đạo trung tâm. Nói chung xử lý được hết", một người đàn ông ngồi ở cổng trung tâm nói với phóng viên. Khi chúng tôi bảo muốn đăng kiểm xe tải van lắp thêm ghế, người này đi vào trong khu vực đăng kiểm khoảng 5 phút ra rồi báo: "Họ đồng ý rồi. Đưa anh 1 triệu để anh lo thuốc nước cho anh em, còn chú cứ đánh xe vào đăng kiểm như bình thường sẽ không ai ý kiến gì".(?)
Hiểm họa từ bỏ qua công đoạn đo khí thải xe
Thực tế, nhiều trường hợp, nếu lái xe không "bôi trơn" ở công đoạn này, chiếc xe sẽ bị "câu giờ", thậm chí gây khó ở công đoạn đo khí thải. Ngược lại, chỉ cần bồi dưỡng cho cán bộ, nhân viên đăng kiểm vài trăm nghìn đồng thì công đoạn cuối cùng sẽ rất nhanh kết thúc, thậm chí có nơi còn bỏ qua công đoạn đo khí thải xe.
Đáng ngại ở chỗ, đối với hoạt động giao thông, phát thải từ các phương tiện tập trung chủ yếu từ hoạt động giao thông đường bộ và nó phụ thuộc vào chủng loại, chất lượng và nhiên liệu mà phương tiện sử dụng. Chẳng hạn, tác động từ động cơ diesel sẽ thải khói đen gấp 7,5 lần so với động cơ xăng nhưng các động cơ xăng gây phát thải chứa chì; động cơ sử dụng diesel không chứa chì, nhưng lại thải ra nhiều hạt lơ lửng trong không khí. Thực trạng này không chỉ để lọt những chiếc xe làm ô nhiễm môi trường trên đường phố mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông khi chứng nhận cho những chiếc xe không đảm bảo các yếu tố kỹ thuật lại đủ điều kiện lưu hành tham gia giao thông.
Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Dương Tùng nhiều lần đề cập đến vấn đề ô nhiễm không khí từ phương tiện giao thông. Ông Tùng đặt ra câu hỏi: Vì sao rất nhiều phương tiện phát tán khí thải gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng không khí nhưng vẫn được cấp tem kiểm định?
Còn theo một chuyên gia về đăng kiểm, việc bỏ quy hoạch dẫn đến số lượng các trung tâm đăng kiểm gia tăng nhanh, phân bổ không đều, khiến cung và cầu không tương đương nhau. Khi cung vượt cầu, doanh nghiệp không có lãi, dễ dẫn đến nguy cơ doanh nghiệp tìm kiếm lợi nhuận bằng cách bớt xén quy trình, tiêu chuẩn kiểm định, để thu hút xe đến đăng kiểm. Đây là vấn đề thực sự lo ngại trong bối cảnh hiện nay…
Một cán bộ lâu năm tại một trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội cho biết, chưa khi nào việc thành lập trung tâm đăng kiểm dễ như hiện nay. "Nhà đầu tư chỉ cần huy động vài tỷ đồng, tìm được mặt bằng là nhà xưởng cũ, "đào vài cái hố" và thả máy xuống là thành trung tâm đăng kiểm", cán bộ này nhận xét.
Sự gia tăng nhanh các trung tâm đăng kiểm khiến nhiều đơn vị phải tìm cách cạnh tranh, giữ chân khách hàng. Thậm chí có trung tâm còn lập danh sách khách hàng, lấy số điện thoại và nhắn tin, gọi điện mời khách hàng khi xe sắp hết hạn đăng kiểm.
Theo Nhóm Phóng Viên (Giadinh.net.vn)