Trong cơn cuồng nộ, bắt người khác quỳ trên phố và cái kết không mong đợi

13/08/2024 06:11:05

Những cơn cuồng nộ khiến nhiều người hành xử thiếu văn minh trên đường phố. Theo luật sư, các hành vi đập phá tài sản, bắt người khác quỳ nơi công cộng... đều vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý thích đáng.

Theo điều tra ban đầu của Công an TP Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương), trưa 11/8, anh P.T.S. (27 tuổi, ở Bình Dương) điều khiển ô tô chở theo vợ và con đi trên đường Nguyễn Chí Thanh (thuộc phường Hiệp An, TP Thủ Dầu Một). Khi đó, ông Trần Tấn Phong (46 tuổi) lái ô tô trên đường Nguyễn Chí Thanh theo hướng ngược lại, rẽ trái vào đường Lê Chí Dân. 

Cho rằng anh S. không nhường đường, ông Phong đuổi theo chặn đầu xe của anh S. lại rồi dùng lời lẽ thô tục lăng mạ anh. Ông Phong còn nhặt một cục xương bò trên vỉa hè đập vỡ kính xe của anh S.

Do hoảng sợ, anh S. đã xin lỗi, mong được bỏ qua nhưng ông Phong yêu cầu anh ra khỏi ô tô. Tiếp đó, ông Phong nắm tóc, bắt anh S. quỳ xuống xin lỗi...

Chỉ khi nhiều người dân can thiệp, ông Phong mới dừng lại, lái xe bỏ đi. Tuy nhiên, toàn bộ diễn biến vụ việc đã được camera an ninh ghi lại. Tối cùng ngày, ông Phong bị tạm giữ hình sự để điều tra về các hành vi vi phạm.

Trong cơn cuồng nộ, bắt người khác quỳ trên phố và cái kết không mong đợi
Ông Trần Tấn Phong tại cơ quan công an. Ảnh: CACC

Trước đó tại TP Thủ Đức (TPHCM), vào 13h15 ngày 14/7, ô tô 7 chỗ do anh Nguyễn Đức Thiên (33 tuổi) cầm lái lưu thông trên đường Nguyễn Thị Định, hướng cầu Giồng Ông Tố đi đường Đồng Văn Cống.

Khi đến trước số nhà 178 Nguyễn Thị Định, người đàn ông chạy xe gắn máy theo chiều ngược lại vô cớ chặn trước đầu ô tô của anh Thiên. Người này cầm cục đá trên tay, liên tục chửi bới, yêu cầu anh mở cửa xe rồi dùng đá đập liên tiếp vào hông ô tô, làm vỡ kính cửa sổ bên trái.

"Lúc đó, mảnh kính vỡ văng tung tóe vào bên trong xe khiến vợ con tôi hoảng loạn. Tôi không rõ vì sao người này lại hành động như vậy”, lời anh Thiên. Ngay sau đó, Công an phường Bình Trưng Tây đã tiếp nhận thông tin vụ việc để xác minh, xử lý.

Một vụ việc tương tự xảy ra ở Bình Dương vào ngày 27/5. Mạng xã hội đã chia sẻ đoạn clip ghi lại cảnh một người đàn ông mặc y phục giống của nhà sư, dùng vật cứng đập vỡ kính chắn gió của ô tô tải dừng bên đường. Trong lúc đó, tài xế chỉ biết ngồi trên chiếc xe đã khóa cửa, lấy điện thoại quay lại sự việc.

Cuồng nộ nhất thời, đối diện nhiều tội danh

Trao đổi với VietNamNet, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, các hành vi đe dọa đến sức khỏe, thậm chí tính mạng của người tham gia giao thông, đập phá tài sản của người khác nơi công cộng hay xâm phạm đến danh dự nhân phẩm của người tham gia giao thông đều là vi phạm pháp luật.

Theo luật sư, việc xác minh, làm rõ để xử lý các hành vi vi phạm kể trên là rất cần thiết để đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, xây dựng xã hội văn minh, lành mạnh, con người ứng xử với nhau có văn hóa nơi công cộng.

Đối với trường hợp ông Trần Tấn Phong, luật sư phân tích: Trong vụ việc này, hành vi đe dọa, bắt người khác phải quỳ nơi công cộng có dấu hiệu của tội "Làm nhục người khác". Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ hành vi xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự nhân phẩm của người khác để xem xét xử lý ông Phong theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự. 

Ngoài ra, ông Phong còn có thể bị xử lý hình sự về tội "Gây rối trật tự công cộng" ở khung tăng nặng.

Trong cơn cuồng nộ, bắt người khác quỳ trên phố và cái kết không mong đợi - 1
Hình ảnh ông Trần Tấn Phong đập bể cửa kính ô tô. Ảnh cắt từ clip

Theo luật sư, về nguyên tắc, mỗi hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý một lần. Bởi vậy, trong tình huống này, rất có thể ông Phong sẽ bị xử lý hình sự về nhiều tội danh khác nhau do liền một lúc xâm phạm đến nhiều khách thể mà pháp luật bảo vệ.

Theo T.Nhung (VietNamNet)

Nổi bật