Số trâu, bò của hàng trăm hộ dân chăn nuôi gia súc trong rừng ở các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong và Quỳ Châu (Nghệ An) chết rét tiếp tục tăng lên. Tính tới chiều qua (23/2), có tới 1.152 con trâu, bò bị chết rét.
Ở miền núi những ngày này, người dân các bản làng ở mỗi xã đều phải tự tay giết mổ những con trâu, bò là "đầu cơ nghiệp" trong tiếc nuối. Những con gia súc trị giá hàng chục triệu đồng phải chịu cảnh chết "bất đắc kỳ tử", không thể nhắm mắt giữa núi rừng trùng điệp. Từ người dân đến cán bộ chuyên ngành nông nghiệp đi thực tế chứng kiến ai cũng xót thương. Vậy nhưng, họ đang động viên, an ủi nhau để sớm vượt qua tai hoạ do thiên tai khắc nghiệt này.
Ông Nguyễn Văn Hoà, Phó phòng Nông nghiệp huyện Tương Dương cho biết, toàn huyện có 14/16 xã, thị trấn đã có 287 con trâu, bò bị chết rét.
“Số trâu, bò bị chết hầu hết là các con nhỏ, thả trong rừng. Người dân chủ quan, không ngờ chỉ rét một đêm mà trâu, bò chết nhanh như vậy. Mấy năm trở lại đây, không khi nào rét như mấy ngày vừa qua. Bà con chủ yếu là những hộ nghèo và rất khó khăn”, ông Hoà cho hay.
Thông tin từ Phòng Nông nghiệp huyện Quỳ Châu, toàn huyện đến nay có 66 con trâu, bò bị chết.
"Thực tế anh em đi làm, thống kê số lượng gia súc bị chết rét mà ai cũng xót xa, nhìn là chảy nước mắt. Có con trâu chết không nhắm mắt, nhìn ớn lạnh cả người. Các hộ dân ai cũng buồn rười rượi. Anh em chúng tôi chỉ biết động viên, an ủi bà con nhân dân tiếp tục cố gắng chăm sóc những con trâu, bò còn sống sót", anh Dũng, cán bộ nông nghiệp huyện Quỳ Châu bộc bạch.
Anh Ngân Văn Phi, ở bản Khúm (xã Châu Hội) buồn bã cho biết, con trâu hơn 150kg bị chết là tài sản lớn nhất của gia đình anh. Mưa rét về bất ngờ nên gia đình chủ quan, không kịp đưa trâu vào chuồng. Trị giá 1 con trâu bị chết khoảng 25 – 30 triệu đồng.
Còn tại huyện Con Cuông, có 106 con trâu, bò; 62 con dê; 23 con lợn và 350 con gia cầm có 350 con bị chết trong đợt rét hại, rét đậm này.
Trao đổi với PV, Chủ tịch UBND huyện Quế Phong Dương Hoàng Vũ cho biết, đến nay, toàn huyện có 172 con trâu, bò chết trong đợt rét lần này.
"Trâu, bò chết đều nằm ở trong rừng, vùng đặc biệt khó khăn trong đi lại. Tất cả những thống kê số gia súc bị chết phải có hình ảnh, video quay cụ thể ở hiện trường và địa điểm cụ thể. Việc này để làm bằng chứng trong việc lập danh sách hỗ trợ thiệt hại cho bà con (nếu có)”, ông Vũ cho hay.
Một huyện biên giới có 521 con trâu, bò chết rét
Anh Vừ Bá Xồng ở huyện Kỳ Sơn xót xa kể: “Mặc dù chính quyền xã có thông báo về đợt rét sắp tới. Tuy nhiên, do mưa lớn kếp hợp với rét đến quá đột ngột, mọi người không kịp đưa trâu bò về nơi an toàn. Hôm sau tạnh mưa, mọi người vào rừng đi tìm thì trâu, bò bị chết rất nhiều".
Trao đổi với PV VietNamNet, ông Thò Bá Rê, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết, địa phương có số lượng trâu bò chết rét nhiều chưa từng thấy từ trước đến nay.
“Những hình ảnh, video người dân gửi về từ thôn, bản và xã báo cáo lên nghe mà xót xa. Đơn cử người dân khi quay video nói: “Rất buồn, thật sự tiếc. Đã chết 1 con bò đực to rồi nay lại thêm một con bò mạ (bò cái – PV). Đã nghèo rồi lại tiếp tục nghèo thêm…”, giọng ông Rê chùng xuống khi nói về mấy ngày qua đi thị sát các thôn, bản có trâu, bò chết rét dọc biên giới.
Cũng theo ông Rê, hầu hết đồng bào ở miền núi huyện biên giới Kỳ Sơn mỗi hộ chỉ nuôi vài con bò, con trâu. Việc gia súc chết khiến đời sống nhân dân khó khăn chồng chất. Đến chiều 23/2, huyện có số gia súc chết rét nhiều nhất với 521 con.
Theo Quốc Huy (VietNamNet)