Nhiệm vụ “bất khả thi”
Theo đó, trong Điều 25, Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục có điều khoản quy định: Trường mầm non, nhóm lớp mầm non độc lập là cơ sở giáo dục kết hợp nhà trẻ và mẫu giáo, nhận trẻ em từ 3 tháng tuổi đến 6 tuổi.
Trong khi nhiều phụ huynh khấp khởi vui mừng thì các nhà trường, giáo viên lại tỏ ra lo lắng với quy định này bởi thiếu tính thực tế, tăng áp lực cho giáo viên.
Là một giáo viên có 10 năm kinh nghiệm trông trẻ mầm non, cô giáo Đàm Thị Hiên (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) cũng cho rằng quy định độ tuổi trông trẻ từ 3 tháng là hơi sớm.
“Công việc của giáo viên mầm non vốn đã vất vả. Nếu quy định nhận trẻ từ 3 tháng tuổi thì tỉ lệ giáo viên cũng phải tăng lên, vì lứa tuổi này cần sự quan tâm đặc biệt, mỗi cô chỉ có thể trông từ 1 - 2 cháu mà thôi. Nếu như vậy, liệu rằng có đủ ngân sách để trả lương cho giáo viên hay không? Vấn đề thiếu giáo viên mầm non cũng đang là một trở ngại lớn”, cô Hiên nói.
Nhiều chuyên gia, giáo viên cũng nhận định rằng, ở độ tuổi này sẽ có ít phụ huynh nào mang con đi gửi trẻ. Theo Phòng GDĐT quận Cầu Giấy (Hà Nội), trên địa bàn quận hiện không có trường công lập nào nhận trẻ dưới 12 tháng tuổi, chỉ có 1 trường tư thục nhận trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên, song lớp này thường không ổn định, sĩ số trẻ/lớp không cao.
Tại Hà Nội, nếu quy định mới này có hiệu lực, đây sẽ là áp lực không nhỏ bởi thực tế hiện nay nhiều trường đã rơi vào tình trạng quá tải, có lớp sĩ số trẻ mầm non lên đến gần 70 cháu/lớp.
Đề nghị cân nhắc kĩ chủ trương
Về điều này, bà Hoàng Thanh Hương - Trưởng phòng Giáo dục Mầm non (Sở GDĐT Hà Nội) cho biết, Sở GDĐT Hà Nội đề nghị Bộ GDĐT cân nhắc kỹ chủ trương, điều chỉnh theo hướng chỉ quy định các cơ sở giáo dục mầm non nhận trẻ dưới 6 tuổi, không cần thiết quy định độ tuổi bắt đầu nhận vào. Việc nhận trẻ từ độ tuổi nào còn tùy thuộc vào khả năng chăm sóc, giáo dục và bảo đảm an toàn tuyệt đối cho trẻ.
UBND TP.HCM cũng đề xuất điều chỉnh độ tuổi giáo dục mầm non thành “từ 6 tháng tuổi đến 6 tuổi” để phù hợp với Luật Bảo hiểm xã hội.
Còn theo bà Cái Thị Cẩm Hương - Trưởng Phòng GDĐT huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế: Quy định này chỉ tiện lợi cho các bậc phụ huynh ở một số địa phương có thời gian để đi làm việc trở lại sau thời gian nghỉ thai sản 6 tháng. Dù rằng "lợi" cho gia đình nhưng lại rất khó khăn cho các giáo viên mầm non và khổ sở cho trẻ nhỏ.
Theo Nguyễn Huyên (Lao Động)