Người hành nghề mại dâm muốn được bảo vệ
Chiều 4/5, chia sẻ tại buổi giao lưu Tọa đàm trực tuyến “Có nên công nhận mại dâm là một nghề?” của báo Tiền Phong, ông Phạm Ngọc Dũng - Phó trưởng phòng Chính sách, phòng chống mại dâm - Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội cho biết, quá trình lấy ý kiến để hoàn thiện chính sách về mại dâm, cục nhiều lần làm việc với những phụ nữ đang hoạt động mại dâm, đã từng hoạt động nhưng nay làm việc khác.
“Bản thân tôi cũng nhiều lần tiếp xúc với chị em, anh em, người chuyển giới để lắng nghe nhu cầu, ý kiến của họ. Chúng tôi cũng mời đại biểu quốc hội – những người làm luật và phê duyệt luật đến cùng lắng nghe”, ông Dũng cho biết.
Trước câu hỏi, những người hoạt động mại dâm mong muốn điều gì? Ông Dũng cho biết, những người hoạt động mại dâm mong muốn được bảo vệ về quyền công dân và quyền con người, tránh sự đánh đập, bóc lột trong quá trình hoạt động.
“Họ cũng quan tâm đến vấn đề nhân thân, con cái họ có được bảo vệ, được đối xử bình đẳng như những người khác hay không. Họ mong muốn có chính sách để giảm phân biệt kỳ thị và can thiệp kịp thời khi họ bị bóc lột, xâm hại.
Nhiều người mong muốn được tiếp cận nguồn vốn chính sách xã hội để học nghề khác, có vốn kinh doanh thay đổi công việc đang làm...”, ông Dũng chia sẻ.
Người bán dâm không biết kêu ai
Ông Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội nói tại buổi tọa đàm rằng, khi coi là một nghề có nghĩa là anh hợp pháp hóa. Hoạt động mại dâm hiện nay đang diễn ra lén lút, trong bóng tối. Vì vậy, khi đặt ra vấn đề có nên đưa mại dâm ra anh sáng hay không thì cần góc nhìn toàn diện và không được định kiến về vấn đền này.
Ông Lưu Bình Nhưỡng chia sẻ, ông không quan tâm nhiều tới hiệu quả kinh tế được tạo ra từ hoạt động mại dâm. Vấn đề ông quan tâm là việc hợp pháp hóa mại dâm có đảm bảo được quyền con người hay không? Hoạt động mại dâm có khả năng giúp các ngành khác phát triển, ví dụ như du lịch hay không?.
“Tôi đề nghị cần nghiên cứu thấu đáo, đánh giá tác động xã hội một cách trung thực, khách quan về việc để tình trạng mại dâm hiện nay để so sánh với việc chúng ta cho phép họ (những người hành nghề mại dâm – PV) hoạt động bình thường, hoạt động trên cơ sở pháp luật…
Nếu được, tôi đề nghị nên coi mại dâm là một nghề đặc biệt và sẽ có một quy chế quản lý đặc biệt. Nếu chúng ta làm được như thế, tôi chắc chắn sẽ tốt hơn tình trạng chúng ta để trôi nổi như hiện nay, vừa không quản lý được lại không đảm bảo được quyền con người”, ông Lưu Bình Nhưỡng nói.
Ông Lưu Đình Nhưỡng cũng chia sẻ, nước ta hiện có hàng chục ngàn người hành nghề mại dâm, bản thân ông đã tiếp cận với 15 người phụ trách thuộc hội những người hành nghề mại dâm ở nước ta.
Theo ông Nhưỡng, nhiều người hoạt động mại dâm hiện nay bức xúc vì họ bị xâm phạm về quyền con người, không được pháp luật bảo vệ. Họ bày tỏ mong muốn hoạt động mại dâm được hợp pháp hóa để họ được bảo vệ.
“Tôi đã từng đứng và tâm sự với một cô (thuộc hội những người hành nghề mại dâm – PV) phụ trách ở Hà Nội này. Cô ấy bức xúc nhất là việc bị xâm phạm về quyền con người nhưng không ai đứng ra bảo vệ họ.
Có những người nói rằng, đó là phương cách kiếm sống cuối cùng của họ, họ cũng không sung sướng về công việc đó… Họ đang rất bức xúc vì bị đặt ra rìa xã hội. Họ cũng là con người, tại sao những người khác được bảo vệ còn họ lại không? Họ không biết kêu ai?”, ông Những chia sẻ.
Bà Nguyễn Thanh Cầm, Ủy viên Đoàn chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thì cho rằng: Muốn công nhận hay không mại dâm là một nghề, đòi hỏi một quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng. Riêng Hội Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, dù công nhận hay không, chúng tôi chỉ tập trung vào quyền con người.
“Chúng tôi không bao giờ chấp nhận các hành vi xâm phạm đến quyền lợi, danh dự và nhân phẩm của các chị em phụ nữ. Cần có các chế tài, quy định để bảo vệ phụ nữ, và cả đàn ông”, bà Cầm nói.
Theo Xuân Lực (Dân Việt)