Trang phục công an: Cần là có!

19/10/2015 07:18:08

Gần đây, nạn giả danh công an để lừa đảo xuất hiện khá nhiều. Theo đó, hoạt động mua bán trái phép trang phục lực lượng công an, an ninh cũng có cơ hội kiếm tiền.

Gần đây, nạn giả danh công an để lừa đảo xuất hiện khá nhiều. Theo đó, hoạt động mua bán trái phép trang phục lực lượng công an, an ninh cũng có cơ hội kiếm tiền.

Mua hàng bằng mật khẩu

Chợ Dân Sinh (quận 1, TP HCM) là một trong những nơi chuyên kinh doanh các mặt hàng kỷ vật chiến tranh, dụng cụ bảo hộ lao động, máy móc gia dụng… Tuy nhiên, ít ai biết nơi đây còn buôn bán cả trang phục giả lực lượng công an.

Qua nhiều ngày tìm hiểu, chúng tôi ghi nhận trong chợ này có ít nhất 20 sạp bán hàng quân trang, quân dụng. Thế nhưng, việc mua các loại hàng cấm này lại không đơn giản. Bởi gần đây, lực lượng chức năng kiểm tra chặt việc mua bán trái phép hàng quân trang, quân dụng.

Sau nhiều lần tìm mua bộ trang phục ngành công an không thành, một buổi trưa, chúng tôi trở lại chợ Dân Sinh và tình cờ nghe được cuộc ngã giá giữa một thanh niên với người bán hàng. Người thanh niên mở đầu: “Có hàng xanh không?”. Dường như đúng “mật khẩu”, người bán hàng liền đon đả: “Hàng xanh xịn hay thường? Cần cấp úy hay tá?”. Sau vài phút, cuộc giao dịch kết thúc, gã thanh niên đưa cho người bán 800.000 đồng để lấy bộ trang phục an ninh cùng 2 chiếc quân hàm.

Một chủ sạp cho khách xem bộ quần áo ngành công an


Hôm sau, chúng tôi quay lại chợ, đến sạp hàng do ông T. làm chủ. Khi nghe: “Có hàng xanh không, mua vài bộ?”, chủ sạp cười tươi rồi bảo chúng tôi chờ 5 phút để chạy về kho lấy hàng.

Khi quay lại, ông T. ôm trên người một bao to. Từng món đồ được lôi ra, ngoài quần áo, còn có dây nịt, giày, dép và nhiều phụ kiện của lực lượng công an. Ông T. giới thiệu từng trang phục, hàng nhái 220.000 đồng/bộ, hàng thật 700.000 đồng/bộ. Quân hàm, dây nịt giá 100.000-180.000 đồng/chiếc, tùy loại. Theo quan sát của chúng tôi, giữa hàng nhái và hàng thật gần như không khác nhau, chỉ khác chất liệu vải.

Đáp ứng số lượng lớn

Khi được hỏi về độ tuổi của các đối tượng đến mua quân trang, quận dụng, ông T. cho biết: “Đa phần là bọn trẻ, chứ người già mua làm gì?”. Ông cho rằng khách mua hàng này là để lấy oai, uy hiếp người khác hoặc lừa đảo. “Tôi bán hàng, còn tụi nó làm gì thì tùy mỗi người, không thể đổ lỗi cho tôi”. Ông T. nói và cho biết mỗi ngày bán được 4-5 đôi giày cảnh sát cơ động, vài bộ quần áo công an. Khi được đặt mua số lượng lớn hàng thật, ông Tuấn lưỡng lự một lúc rồi đáp: “Phải báo trước nhưng mỗi ngày chỉ lấy được một ít thôi”.

Cũng với mật khẩu trên, chúng tôi dễ dàng xem được hàng của sạp bà Ph. Bà chỉ quan tâm đến số lượng, giá cả và không cần biết khách hàng mua để làm gì.

Đại diện Ban Quản lý chợ Dân Sinh cho biết vừa qua, Công an quận 1, TP HCM kết hợp với ban quản lý xử lý một trường hợp kinh doanh mặt hàng quân trang trái phép. Theo đó, các mặt hàng cấm bị tịch thu, sạp bị đình chỉ hoạt động 7 ngày. Hiện nay, trong chợ có nhiều bảng thông báo nghiêm cấm tiểu thương kinh doanh hàng gian, hàng quân trang, quân dụng. Đồng thời, ban quản lý chợ còn phát loa tuyên truyền hằng ngày. Khi phát hiện bán hàng quân trang, quân phục, ban quản lý có thể đình chỉ hoạt động nhưng không thể rút giấy phép kinh doanh. Ban quản lý thường xuyên kiểm tra nhưng không phát hiện hàng quân trang, quân dụng trong chợ do tiểu thương để hàng ở nơi khác.

Theo Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC64 - Công an TP HCM), gần đây, nhiều đối tượng giả danh lực lượng chức năng để uy hiếp, lừa gạt người nhẹ dạ. Nhiều nhất là giả danh lực lượng CSGT để chặn xe lấy tiền.

Thiếu tá Trần Ngọc Đoàn, Đội trưởng Đội CSHS Công an quận Bình Thạnh, cho rằng: “Việc thả lỏng mua bán hàng quân trang, quân dụng đã gây ra hậu quả rất lớn. Nhiều đối tượng sử dụng trang phục giả lực lượng công an để chiếm đoạt tài sản người khác. Vì vậy, cơ quan quản lý cần có chế tài mạnh, đủ sức răn đe đối với hành vi mua bán hàng cấm này”.

Hành vi phạm pháp

Luật sư Nguyễn Anh Minh (Đoàn Luật sư TP HCM) cho biết tùy theo mức độ, người bán hàng quân trang, quân dụng trái phép có thể bị truy tố. Cụ thể, việc mua đi bán lại quân trang, quân dụng từ những đối tượng có hành vi nghiêm trọng có thể xử lý hình sự. Việc buôn bán hàng giả, hàng nhái, có thể xử lý hành chính.

>> Bán rong trang phục công an "nhái" giữa Thủ đô
>> Cấm mua bán, cho tặng trang phục cảnh sát

Theo Lê Phong (Nld.com.vn)

Nổi bật