Thời gian gần đây, số F0 tại Hà Nội tăng rất nhanh. Chỉ trong ngày 3/3, theo công bố của Sở Y tế có tới 18.661 ca bệnh. Trong khi đó, nhiều cán bộ, nhân viên y tế, cán bộ cơ quan hành chính cũng mắc Covid-19, ảnh hưởng rất lớn đến công việc hàng ngày.
Bác sỹ Nguyễn Thanh Hà - Trưởng trạm y tế phường Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa) chia sẻ, trạm có 9 cán bộ y tế thì tất cả đều mắc Covid-19, hiện có 3 người đã âm tính. Dù là F0 song tất cả vẫn đến trạm làm việc.
Để đảm bảo phòng chống dịch, các nhân viên đang là F0 được bố trí ngồi tầng 2, những người đã khỏi bệnh thì ngồi tầng 1, mỗi người một chỗ. Mọi việc cần trao đổi sẽ qua điện thoại, zalo.
Bác sỹ Hà cho hay, những tuần từ sau Tết, phường Ô Chợ Dừa trung bình mỗi ngày ghi nhận 300-400 F0. Giai đoạn toàn bộ nhân sự trạm y tế bị F0 thì việc tiếp nhận thông tin người dân khai báo được chuyển cho cảnh sát khu vực hỗ trợ. Việc trả giấy khỏi bệnh cho F0 sẽ qua tổ trưởng dân phố. Quận cũng bố trí thêm một số cán bộ khoa phòng, sinh viên Cao đẳng y hỗ trợ làm giấy tờ.
Theo chị Hà, nếu người dân khai báo qua cảnh sát khu vực để tiếp nhận thì đỡ cho y tế phường rất nhiều; cán bộ y tế vẫn giám sát về chuyên môn, hỗ trợ bệnh nhân, chuyển tầng, theo dõi chăm sóc bệnh nhân tại nhà, những bệnh nhân già yếu…
Nhắc đến câu chuyện nhiều người dân là F0 than bị bệnh một tuần nhưng không thấy y tế hỏi thăm, Trưởng trạm y tế phường Ô Chợ Dừa bày tỏ, 95% F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ thì có thể tự theo dõi một tuần là khỏe, cần tuyên truyền rộng rãi đến tư tưởng người dân là xem như bị cúm; còn 5% chuyển nặng thì y tế hỗ trợ tối đa.
“Nếu 100% đều đòi hỏi việc hỗ trợ thì chúng tôi sẽ quá tải, còn nếu 5% thôi thì những người cần chăm sóc sẽ được chăm sóc thực sự”, chị Hà nói.
Chị cũng chia sẻ thêm, lúc cán bộ cả trạm đều là F0, có những đêm bệnh nhân vẫn gọi kêu khó thở, lúc đó đội y tế lưu động mang bình oxy đến cho bệnh nhân rồi gọi video call để cán bộ y tế hướng dẫn các bước.
“Dù mệt nhưng vẫn phải dậy để làm. Chúng tôi làm 24/7, chủ yếu làm việc ở trạm y tế”, bác sỹ Hà giãi bày.
Một lãnh đạo UBND phường Giáp Bát (quận Hoàng Mai) thông tin, cán bộ ủy ban cũng như ở trạm y tế bị bệnh nhưng vẫn phải làm việc, không được nghỉ. Cán bộ ủy ban cách ly ở nhà làm việc, còn trạm y tế có phòng riêng nên các nhân sự vẫn làm việc tại trạm. Hiện nay nhiều nhân sự đã khỏi bệnh.
Vị đại diện cho hay, trong lúc dịch bùng phát thì phường nào cũng quá tải, vì vậy căn cứ tình hình thực tế để bố trí công việc cho phù hợp. Mọi người tự ý thức, chăm sóc sức khỏe và hoàn thành công việc khi bị nhiễm bệnh.
Việc hỗ trợ F0 tại phường có tổ khác thực hiện, cán bộ nhiễm thì không phải tiếp xúc ai mà làm công việc nhập liệu. Với F0 cần giấy xác nhận gấp thì chỉ cần báo lên là phường sẽ gửi qua zalo để mọi người gửi về cơ quan trước.
Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Trịnh Thị Dung cho biết, nhiều cán bộ của quận cũng mắc bệnh, vì vậy quận đã triển khai kết hợp làm trực tuyến với trực tiếp, công việc vẫn giải quyết bình thường.
Ngoài lực lượng y tế, quận huy động thêm đoàn thanh niên và giáo viên mầm non hỗ trợ tham gia chống dịch.
Bày tỏ sự quá tải khi công việc nhiều nhưng người ít đi, trong khi người mới phải có thời gian làm quen và chậm hơn, bà Dung cho hay, quận đã huy động lực lượng hỗ trợ các bộ phận khác, làm thêm giờ cho đến khi xong việc.
Phó Chủ tịch quận Cầu Giấy cũng thông tin, quận đã ứng dụng công nghệ thông tin, lập nhóm để các F0 có thể khai báo, trao đổi, chia sẻ và tiếp cận thông tin nhanh nhất.
Ưu tiên chú trọng các biện pháp phòng bệnh cho nhân viên y tế
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhận định nhân viên y tế mắc Covid-19 vẫn phải làm việc ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng điều trị và chăm sóc người bệnh.
Theo ông, nếu không có lực lượng thay thế sẽ rất khó chống đỡ. Nhân viên y tế phải làm việc liên tục trong nhiều giờ, sinh hoạt thất thường, không có người thay thế để ngủ nghỉ thì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, công việc điều trị. Nhất là trong bối cảnh số ca nhiễm đang tăng lên rất nhanh trong thời gian ngắn, người bệnh không được tư vấn, hướng dẫn, chăm sóc y tế kịp thời có thể chuyển nặng và tử vong.
Ông Phu cho rằng, các biện pháp phòng bệnh cho nhân viên y tế cần được ưu tiên chú trọng. Một là những người này phải tự phòng bệnh, ví dụ hạn chế việc tiếp xúc đông người, thực hiện tốt 5K...
Hai là ngành y tế cần chú ý tăng cường các biện pháp phòng bệnh, như đảm bảo đầy đủ phương tiện bảo hộ cho nhân viên. Ngoài ra, nếu các địa phương thiếu hụt lực lượng này, cần thông báo kịp thời với cấp trên để có sự tăng cường, điều động kịp thời vì đây là nhân lực chủ chốt đảm bảo điều trị cho F0 tại nhà.
Theo Hương Quỳnh (VietNamNet)