Thời gian gần đây, nhiều ý kiến người dân địa phương đặt vấn đề nếu Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương sáp nhập vào TPHCM, hạ tầng giao thông kết nối ra sao, việc đi lại sẽ qua những cung đường nào để được thuận lợi cả về nhu cầu giao thương, lẫn phát triển kinh tế.
Bà Rịa - Vũng Tàu có vị trí đặc biệt, là cửa ngõ hướng ra biển Đông của vùng Đông Nam Bộ, tiếp giáp tỉnh Đồng Nai ở phía Bắc, với TPHCM ở phía Tây, với tỉnh Bình Thuận ở phía Đông, còn phía Nam giáp Biển Đông.
Địa phương này hội tụ nhiều tiềm năng để phát triển các ngành kinh tế biển cũng như điều kiện phát triển các tuyến giao thông đường bộ, đường không, đường thủy, đường sắt và là một địa điểm trung chuyển hàng hóa trong nước và đi thế giới thông qua cụm cảng Cái Mép - Thị Vải.
Tuy nhiên, nếu sáp nhập như trên, hiện nay giao thông kết nối Bà Rịa - Vũng Tàu và TPHCM đều chủ yếu thông qua tuyến đường “độc đạo” là quốc lộ 51 và phải đi qua địa phận của tỉnh Đồng Nai. Hay nói cách khác, muốn từ Bà Rịa - Vũng Tàu đi TPHCM và ngược lại buộc phải “mượn” đường của Đồng Nai.
Trong khi đó, hạ tầng kết nối giữa TPHCM và Bình Dương đã khá thuận tiện nhờ nhiều tuyến đường huyết mạch như các Quốc lộ 1, 1K, 13, ĐT.743 và các cây cầu như Phú Cường, Bến Súc, cầu Phú Long...
Theo trục giao thông, quốc lộ 51 có chiều dài khoảng 86km đi qua Đồng Nai (huyện Long Thành và TP Biên Hòa) dài 37km và Bà Rịa - Vũng Tàu (TP Phú Mỹ, TP Bà Rịa, TP Vũng Tàu) dài 49km.
Để đi lại giữa Bà Rịa - Vũng Tàu và TPHCM, người dân thông qua các huyện Nhơn Trạch, Long Thành, TP Biên Hòa của Đồng Nai. Trong đó, người dân có thể lựa chọn đi theo quốc lộ 51 hoặc rẽ vào đường ĐT25B để qua bằng phà Cát Lái, hay cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây.
Theo quan sát, hiện nay việc đi lại của người dân trên tuyến quốc lộ 51 gặp không ít khó khăn khi lưu lượng phương tiện ngày càng lớn dẫn đến quá tải, xuống cấp và thường xuyên xảy ra ùn tắc vào các giờ cao điểm, ngày nghỉ, lễ Tết.
Ngoài đường bộ, từ TP Vũng Tàu đi TPHCM, người dân cũng có thể di chuyển bằng tàu cao tốc nhưng phần lớn đây là sự lựa chọn của khách du lịch, bởi chi phí khá cao và thiếu sự chủ động.
Trước hiện trạng trên, nhiều người dân đề xuất nên đưa huyện Nhơn Trạch và Long Thành sáp nhập vào TPHCM (bao gồm TPHCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu) để việc kết nối đi lại, quy hoạch mạng lưới giao thông được đồng bộ, xuyên suốt.
Hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối
Mới đây, Sở Giao thông Công chánh TPHCM đã đề xuất đầu tư nghiên cứu xây dựng đường ven biển kết nối TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu và ĐBSCL, tuyến đường này có chiều dài 45,5km.
Trong đó, phương án 1 đầu tư tuyến chính và đường kết nối với đường ven biển Bà Rịa - Vũng Tàu qua cầu vượt biển Cần Giờ. Phương án này rút ngắn khoảng 40km so với quy hoạch ban đầu, tổng vốn hơn 55.800 tỷ đồng và giai đoạn 2 tổng mức đầu tư khoảng 6.400 tỷ đồng.
Cùng với đó, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đang phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong vùng để triển khai đầu tư tuyến đường Vành đai 4 TPHCM dài hơn 159km, kết nối cảng quốc tế Cái Mép, sân bay quốc tế Long Thành đi qua 5 tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ và Long An.
Riêng tại Bà Rịa - Vũng Tàu, ngoài đầu tư phát triển hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng giao thông nội tỉnh, hiện nay địa phương đang đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án giao thông trọng điểm kết nối vùng. Trong đó, dự án thành phần 3 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đã cơ bản hoàn thiện, dự kiến thông xe kỹ thuật trước ngày 30/4 tới và có thể đưa vào khai thác tháng 9 năm nay.
Như vậy trong tương lai, hành trình di chuyển giữa Bà Rịa - Vũng Tàu với TPHCM sẽ được rút ngắn, thuận tiện hơn thông qua đường Vành đai 4, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cầu vượt biển Cần Giờ...
Theo Quang Hưng (VietNamNet)