Vĩnh Phúc là một trong 7 tỉnh, thành phố nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Trong khi đó, Phú Thọ và Hoà Bình đều nằm trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc.
Mới đây, Tỉnh ủy Phú Thọ có giấy mời Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình tham dự cuộc họp thống nhất triển khai kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương về sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh. Cuộc họp dự kiến diễn ra chiều 14/4.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Cục Thống kê, quy mô GRDP (Tổng sản phẩm trên địa bàn) theo giá hiện hành của tỉnh Vĩnh Phúc năm 2024 đạt 173.140 tỷ đồng — gần tương đương tổng GRDP của hai tỉnh Phú Thọ (107.300 tỷ đồng) và Hoà Bình (72.180 tỷ đồng) cộng lại.
Trong bảng xếp hạng GRDP của 63 tỉnh, thành phố ở nước ta năm 2024, Vĩnh Phúc đứng thứ 13, Phú Thọ và Hoà Bình lần lượt xếp vị trí 35 và 45.
Về cơ cấu GRDP, theo số liệu sơ bộ năm 2023, Phú Thọ và Hoà Bình có sự tương đồng lớn khi cơ cấu thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm tỷ trọng nhỏ, lần lượt là 5,91% và 4,7%. Còn lĩnh vực nông lâm thuỷ sản, công nghiệp và xây dựng, dịch vụ chiếm cơ cấu áp đảo.
Với Vĩnh Phúc, nông lâm thuỷ sản là lĩnh vực chiếm tỷ trọng nhỏ nhất 5,36% trong cơ cấu GRDP; công nghiệp và xây dựng có tỷ trọng cao nhất 47,98%, dịch vụ 23,48%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 23,18%.
Thống kê sơ bộ về GRDP bình quân đầu người năm 2024 của Cục Thống kê cho thấy, Vĩnh Phúc đạt 141,3 triệu đồng/người/năm, cao hơn 27,3 triệu đồng so với mức 114 triệu đồng bình quân của cả nước.
GRDP bình quân năm 2024 của Hoà Bình đạt 81 triệu đồng/người/năm, tăng mạnh 11,23 triệu đồng so với năm 2023. Tuy nhiên, mức này của Hoà Bình vẫn thấp hơn 33 triệu đồng so với mức bình quân của cả nước.
Tương tự, GRDP bình quân đầu người của Phú Thọ đạt 70,7 triệu đồng/người/năm, thấp hơn 43,3 triệu đồng so với mức bình quân của cả nước; đồng thời thấp hơn Vĩnh Phúc và Hoà Bình lần lượt 70,6 triệu đồng và 10,3 triệu đồng.
Về thu ngân sách nội địa theo thống kê sơ bộ năm 2023, Vĩnh Phúc đạt trên 25.618,3 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần so với con số 8.113,3 tỷ đồng của Phú Thọ và gấp gần 5,4 lần con số 4.773,6 tỷ đồng của Hoà Bình.
Xét về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), năm 2023 Vĩnh Phúc có 28 dự án, số vốn đăng ký là 275,2 triệu USD; Phú Thọ có 7 dự án, số vốn FDI đăng ký là 53,1 triệu USD; Hoà Bình chỉ thu hút 1 dự án với số vốn là 60 triệu USD.
Ở lĩnh vực xuất khẩu hàng hoá của 3 địa phương này, Vĩnh Phúc đứng đầu với kim ngạch xuất khẩu năm 2024 đạt 16,3 tỷ USD theo thống kê sơ bộ của Cục Hải quan, tăng mạnh 63,5% so với năm 2023.
Xuất khẩu hàng hoá của Phú Thọ năm 2024 cũng tăng mạnh 45,6% so với năm 2023, đạt 15,4 tỷ USD.
Bất ngờ nhất là kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Hoà Bình. Năm 2023, giá trị xuất khẩu của tỉnh này chỉ dừng ở con số khiêm tốn 598 triệu USD thì năm 2024 vọt lên trên 2 tỷ USD, tăng tới 234,4%.
(Bài viết sử dụng dữ liệu sơ bộ từ Cục Thống kê, Cục Hải quan và từ báo cáo thống kê kinh tế - xã hội của các tỉnh)
Theo Tâm An (VietNamNet)