Những ngày này, căn phòng bệnh số 404, khoa Ngoại Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện (BV) quận 2 (TP.HCM) thường xuyên vang lên tiếng cười nói oang oang của ông Nguyễn Phương Đông (53 tuổi, ngụ phường 5, TP Cà Mau). Từ một người căng thẳng, luôn suy nghĩ tiêu cực và không tin mình có thể thoát bất hạnh, hi vọng bất ngờ đến với ông sau 5 năm sống cảnh liệt giường.
Ông kể lại, vào một đêm mưa giữa năm 2013, khi ông đang chạy xe máy trở về nhà thì gặp tai nạn kinh hoàng. Chiếc xe đụng ổ gà rồi rớt xuống một hố sâu, đè lên người ông, chảy xăng rồi bốc cháy.
"Lúc đó tôi vẫn cảm thấy người ê ẩm, lạnh người, cổ tê dại đi và cơ thể không còn nhúc nhích được, cảm nhận cái chết đã ở trước mắt. Mãi một lúc lâu sau người ta mới phát hiện và kéo lên" - ông Đông nói.
Được chuyển thẳng đến BV Chợ Rẫy, ông Đông được chẩn đoán đã chấn thương cột sống cổ, dập tủy, liệt tứ chi. Một tháng trời chiến đấu với tử thần và không thể ăn uống được, ngày nào ông Đông cũng nghĩ mình khó lòng qua khỏi.
Đến khi mạng sống giữ được, ông được chuyển về Bệnh viện đa khoa tỉnh Cà Mau ghép da, châm cứu và vật lý trị liệu gần 2 tháng. Trong vòng 1 năm sau đó, ông đi khắp các BV, tìm đủ mọi phương cách nhưng vẫn không thể cử động được. Nghĩ mình không thể chữa khỏi bệnh, ông buông xuôi, dừng điều trị từ đó.
Kể từ ngày bị liệt, nhiệm vụ chèo chống gia đình chuyển hết sang cho người vợ. 5 năm qua, mọi chuyện ăn uống, sinh hoạt của ông Đông, tiền ăn học của hai con đều do một tay bà Hường vun vén. Đôi mắt của người vợ bị đục thủy tinh thể nặng nhưng bà không dám đi mổ mà để dành tiền lo cho chồng.
"Thấy vợ con khổ quá, tôi muốn buông xuôi hết. Nghe người ta nói mình có thể bị tiểu đường, tôi có ý ăn uống bất chấp để bệnh nặng hơn, để trời "thỉnh" đi cho xong. Tôi cũng mặc cảm, trốn hết bạn bè" - Ông nói.
Mãi cho đến một ngày của tháng 5/2018, trong một lần về thăm quê, bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc BV quận 2 nghe được câu chuyện này của bạn cũ liền gọi trực tiếp cho người đàn ông. Ông Đông được khuyên lên Sài Gòn để thử điều trị lại, còn nước còn tát, vì y học hiện giờ đã phát triển rất nhiều.
"Lúc đó bác sĩ Khanh nói chuyện tình cảm lắm nên tôi mới đi, dù thật lòng cũng chẳng tin mình có thể khỏi bệnh. Kim châm vào người bao nhiêu ký lô cũng không khỏi mà. Nhưng cứ thử dại thêm một lần xem sao. Sợ không thành công nên ai xin chụp ảnh lấy thông tin tôi cũng không cho" - Bệnh nhân kể.
Tại BV, bệnh nhân được Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Minh Mẫn, Chuyên gia thần kinh - Sọ não từ BV Chợ Rẫy sang hỗ trợ điều trị. Phó Giáo sư đã kê cho bệnh nhân thuốc bồi bổ thần kinh, kèm thuốc giãn cơ kết hợp với tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng.
Nhưng điều kỳ diệu lúc này bất ngờ xuất hiện. Chỉ khoảng 2 tuần sau điều trị, ông Đông đã ngồi dậy được vào ngày 3/5 trong sự ngỡ ngàng lẫn vỡ òa hạnh phúc của gia đình và nhân viên y tế.
"Lúc điều trị, các bác sĩ dự kiến khoảng 2 tháng mới có hiệu quả nhưng không ngờ chỉ một thời gian ngắn mà bệnh nhân đã tiến triển tốt. Một trong những yếu tố giúp cải thiện nhanh như vậy là do các tế bào thần kinh của ông bắt đầu hồi phục sau thời gian dài bị tổn thương. Thứ hai là do các động tác tập luyện phù hợp và phát huy tính hiệu quả, và thứ ba là tinh thần, nghị lực của bệnh nhân" - Bác sĩ Trần Văn Khanh cho biết.
Theo bác sĩ trong thời gian tới, bệnh nhân sẽ được điều trị bằng tế bào gốc, lọc mỡ tự thân để tiêm vào tĩnh mạch, điều chỉnh những khiếm khuyết tế bào thần kinh và tủy sống. Liệu trình này phải thực hiện 2 lần, mỗi lần tốn khoảng 45 triệu. Số tiền này sẽ do các anh em, bạn học của ông Đông cố gắng đóng góp hỗ trợ, bởi kinh tế của bệnh nhân hiện khá khó khăn.
Niềm vui nhân đôi, cùng thời điểm người chồng ngồi được, vợ ông cũng được BV phẫu thuật Phaco để giải quyết căn bệnh đục thủy tinh thể bấy lâu.
"Tôi coi bác sĩ Khanh như người “sinh” ra tôi một lần nữa vậy" - ông Đông xúc động nói.
Theo Hoàng Lê (Trí Thức Trẻ)