TP.HCM trả lời câu hỏi 'xây nhà hát giao hưởng cho ai?'

26/10/2018 08:12:19

Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM vừa có báo cáo thêm về Nhà hát giao hưởng 1.500 tỉ đồng tại Thủ Thiêm và khẳng định xây nhà hát này không ảnh hưởng gì đến việc đền bù cho người dân khiếu kiện.

TP.HCM trả lời câu hỏi 'xây nhà hát giao hưởng cho ai?'
Nhà hát thành phố hiện nay được TP.HCM cho rằng quá nhỏ, không đáp ứng nhu cầu của người dân
ẢNH T.N

Theo đó, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM khẳng định, chủ trương xây nhà hát “không ảnh hướng đến lợi ích của người dân khiếu nại ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm”. Nguồn vốn xây dựng nhà hát này đã được ngân sách thành phố để riêng từ năm 2014, không sử dụng cho mục đích khác. Như vậy, lẽ ra nhà hát phải được khởi công xây dựng từ trước năm 2015.

Sau khi đã có kết luận của Thanh tra Chính phủ về kiểm tra một số nội dung liên quan khiếu nại của công dân về Khu đô thị mới Thủ Thiêm ngày 4.9, thành phố đã khẩn trương, quyết liệt triển khai các biện pháp để thực hiện kết luận thanh tra.

Từ tháng 5 - 10, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM đã có 6 phiên họp để giải quyếtcác vấn đề liên quan đến Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Các chi phí cần thiết để đền bù thiệt hại cho các hộ dân liên quan, thực hiện tái định cư với điều kiện sống tốt hơn, sẽ được lấy từ ngân sách dự trữ của thành phố năm 2018 và ngân sách năm 2019 của thành phố, sau khi được hội đồng nhân dân thành phố thông qua.

Vị trí nhà hát cũng được cho biết “đã thay đổi 3 lần nhằm tìm ra vị trí phù hợp nhất”, tại 23 Lê Duẩn (2008), Công viên 23.9 (2013) và tại Thủ Thiêm (2016). Khu đô thị mới Thủ Thiêm có quy hoạch đã được phê duyệt năm 2012 với 4 công trình văn hóa, kinh tế lớn: trung tâm triển lãm quốc tế; nhà hát; công viên bờ sông và quảng trường trung tâm (dự kiến xin chủ trương đặt tên là quảng trường Hồ Chí Minh).

Từ 1975 không xây nhà hát, nhưng đã xây rất nhiều trường học

TP.HCM cũng khẳng định thành phố đã đầu tư cho giáo dục và y tế rất lớn so với nhà hát.

Cụ thể, trong 5 năm 2016 - 2020, ngân sách đầu tư để xây bệnh viện và trường học là 34.600 tỉ đồng (chi phí xây nhà hát chỉ tương đương 4,2% mức đầu tư này). Nếu so với tổng mức đầu tư xây dựng trường học và bệnh viện giai đoạn 2006 - 2020 là 57.860 tỉ đồng, thì chi phí xây dựng nhà hát bằng 2,6%; còn so với tổng chí ngân sách thành phố cùng giai đoạn là 355.268 tỉ đồng, thì bằng 0,42%.

“Từ năm 1975 đến nay, thành phố chưa xây nhà hát giao hưởng, nhạc kịch, vũ kịch nhưng đã xây hàng chục bệnh viện và hàng trăm trường học. Nếu so sánh chi phí xây dựng nhà hát giao hưởng, nhạc, vũ kịch với chi ngân sách thành phố trong 35 năm đổi mới, thì chi phí xây nhà hát - một công trình sẽ tồn tại hàng trăm năm, sẽ chiếm một tỷ lệ khoảng 0,3%”, báo cáo của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM nêu rõ.

Về việc xây dựng nhà hát cho ai, TP.HCM lý giải: năm 1898, người Pháp cho xây dựng Nhà hát Nhạc kịch (Opera) là Nhà hát thành phố ngày nay, nhưng dân số Sài Gòn thời kỳ 1900 chỉ khoảng 100.000 - 150.000 người.

Ngày nay, dân số TP HCM khoảng 10 triệu người (trong đó, có 5 triệu lao động với gần 30% có trình độ cao đẳng, đại học, hơn 100.000 người nước ngoài đang sống ở thành phố) và dân số vùng Nam bộ là 33 triệu người, Nhà hát thành phố được xây đựng cách đây gần 120 năm với 468 ghế là nhỏ, quá tải, cần có một nhà hát với quy mô lớn hơn, ở vị trí thuận lợi hơn.

“Nhà hát này với 1.700 chỗ ngồi, khu vực xung quanh có thể tổ chức các buổi diễn ngoài trời, nằm trong khuôn viên Quảng trường trung tâm của thành phố, kết nối rất thuận tiện với quận 1, quận 4 bằng 2 cầu đi bộ và hầm Thủ Thiêm, sẽ phục vụ nhu cầu văn hóa và chính trị của hơn 10 triệu người thành phố và 33 triệu người dân phía Nam và bạn bè quốc tế đến giao lưu, tham quan và du lịch tại TP.HCM", Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM lý giải.

Theo Vũ Hân (Thanh Niên Online)

Nổi bật