Sáng 16/10, bên lề hội nghị lần thứ 18 Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong khẳng định đã quy hoạch thì phải làm, không thay đổi. Tất cả các dự án phải theo quy hoạch và chính UBND thành phố cũng không được phép thay đổi quy hoạch, nhất là Nhà hát Thủ Thiêm được quy hoạch từ rất lâu tại khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Ông Nguyễn Thành Phong cho biết việc xây dựng Nhà hát Giao hưởng sẽ làm đồng bộ với các hạ tầng khác.
Nó về đề xuất trước đây làm nhà hát giao hưởng tại Công viên 23 tháng 9, ông Phong cho rằng không ai cho phép xây bất cứ cái gì trong đất công viên. Công viên phải là của người dân. Vì vậy, chuyện làm nhà hát ở Công viên 23 tháng 9 không đặt ra ở đây nữa. Quy hoạch là phải xây ở Thủ Thiêm.
“Bây giờ theo quy hoạch thì phải xây. Tôi cam kết với người dân là phải xây dựng theo quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt, không thay đổi”, Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh.
Theo ông Trương Lâm Danh, Trưởng Ban Pháp chế HĐND TPHCM, tiền xây nhà hát đã được xác định từ rất lâu, đó là lấy tiền đấu giá khu đất trên đường Lê Duẩn.
“Vì sao chọn khu đất tại Thủ Thiêm để xây dựng? Vì thực tế TPHCM đã và đang phát triển khu phố Đông tại Thủ Thiêm, vì vậy phải đồng bộ nhiều mặt như quảng trường, nhà hát…”, ông Danh nói.
Trước đó, tại kỳ họp thứ 10 (bất thường) diễn ra vào ngày 8/10, HĐND TPHCM khóa IX đã chính thức thông qua Tờ trình của UBND TPHCM về dự án xây dựng Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch.
Theo trình bày của Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Liêm, nhà hát được thiết kế hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế và là biểu tượng của TPHCM trong tương lai. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.508 tỷ đồng trích từ nguồn ngân sách thành phố (nguồn thu bán đấu giá khu đất 23 Lê Duẩn, quận 1).
Nhà hát này có quy mô 1.700 chỗ, gồm hai khán phòng lớn và nhỏ, thời gian thực hiện từ năm 2018 - 2022. Chủ đầu tư là Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình thuộc Sở Văn hóa và Thể thao.
Về sự cần thiết xây dựng nhà hát, Phó Chủ tịch Lê Thanh Liêm cho rằng, một TPHCM văn minh, hiện đại, là đầu mối giao lưu không chỉ về kinh tế, khoa học mà còn các giá trị văn hóa xã hội khác nên rất cần những công trình văn hóa xứng tầm.
Thời Pháp thuộc, TPHCM có 3 nhà hát, gồm: Nhà hát Opera (nay là Nhà hát thành phố), Nhà hát Phiharmonie (nay là Kho bạc thành phố) và Nhạc viện thành phố. Hiện nay, TPHCM chỉ còn Nhà hát thành phố có chức năng của một nhà hát đúng nghĩa.
Các nhà hát xây dựng sau 1975 như nhà hát Hòa Bình, Bến Thành hiện đang xuống cấp cũng như không đạt tiêu chuẩn để có thể tổ chức các buổi diễn chất lượng cao theo yêu cầu của các đoàn, nghệ sĩ đẳng cấp quốc tế.
Vì vậy, ông Liêm nói việc xây dựng một Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch đạt tiêu chuẩn quốc tế là thật sự cần thiết và cấp bách.
"Đây sẽ là một công trình văn hóa mang tính biểu tượng, điểm nhấn về kiến trúc, nghệ thuật của thành phố mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh”, ông Liêm nói.
Với việc xây nhà hát này, TPHCM kỳ vọng sau khi hoàn tất sẽ góp phần đẩy mạnh phát triển, nâng cao chất lượng và quản lý tốt các hoạt động văn hóa theo hướng văn minh, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và các giá trị tinh thần mang nét đặc trưng của thành phố.
Thẩm tra tờ trình của UBND TPHCM, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM Nguyễn Văn Dũng cho rằng thành phố cần thiết phải xây Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch. Tuy nhiên, UBND TPHCM cần lưu ý nhà hát cần có thiết kế độc đáo, có khu cây xanh liền kề, đạt chuẩn quốc tế và xứng tầm là nơi hưởng thụ văn hóa nghệ thuật của người dân, là địa điểm độc đáo để thu hút khách du lịch quốc tế.
Còn bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TPHCM cho rằng ý tưởng xây dựng Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch đã được ấp ủ qua nhiều thời kỳ và nhiệm kỳ lãnh đạo. TPHCM đã xây dựng đề án rất cẩn trọng, đến nay mới đầy đủ cơ sở cũng như các điều kiện cần thiết để thông qua.
Theo Huy Thịnh (Tiền Phong)