Đây là phản ánh của y bác sĩ tại một trung tâm y tế ở TP.HCM, sau khi bắt đầu tiến hành tiêm vắc xin mũi 2 Pfizer cho người tiêm mũi đầu Moderna vào ngày 6/9.
Theo đó, Sở Y tế TP.HCM mới đây đã cho phép các trung tâm y tế ở địa phương "tiêm chéo" như trên, với điều kiện người dân phải đồng ý.
Điều này diễn ra trong bối cảnh TP đã cạn kiệt vắc xin Moderna, trong khi nhiều người tiêm vắc xin trên đã đến hạn tiêm mũi 2.
Chia sẻ với chúng tôi, một nhân viên y tế phụ trách tiêm chủng vắc xin COVID-19 cho biết, trong ngày 6/9 chị cùng đồng nghiệp đã gặp nhiều tình huống "tréo ngoe" khi người dân thắc mắc vì sao lại tiêm mũi 2 khác loại.
Khi được giải thích rằng không có thuốc và Sở Y tế đã đồng ý việc tiêm chéo mũi 2 Pfizer, người dân tiếp tục yêu cầu xem văn bản quyết định được phép tiêm mới đồng ý tiêm chủng, vì sợ sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.
Yêu cầu này khiến các bác sĩ... cứng họng, vì hiện tại mọi thứ mới là "chỉ đạo miệng".
"Cả ngày hôm qua chỉ có khoảng 60 người dân đã tiêm vắc xin Moderna đồng ý tiêm mũi 2 Pfizer. Người dân sẽ tự ghi câu "đồng ý tiêm vắc xin Pfizer" vào phiếu đăng ký tiêm chủng" - vị bác sĩ nói.
Còn tại một trung tâm y tế quận khác, các bác sĩ cho biết dù đã được cho phép tiêm vắc xin Pfizer cho người đã tiêm mũi 1 Moderna nhưng nơi đây vẫn chưa dám thực hiện.
"Không thấy văn bản nào của Bộ Y tế đồng ý vậy hết. Nguyên tắc là có thể tiêm vậy, do cùng loại vắc xin mRNA. Tuy nhiên người ta vẫn khuyên là chờ" - nguồn tin giải thích.
Cùng cách xử lý này, bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức) cho chúng tôi biết, ông chưa nhận được văn bản chính thức nào cho phép "tiêm chéo" vắc xin Pfizer và Moderna tại TP.HCM.
Hiện vắc xin Moderna được phân bổ cho Bệnh viện Lê Văn Thịnh đã hết sạch. Do đó, bệnh viện hiện chỉ đang tiếp tục tiêm mũi 2 cùng loại cho người đã tiêm vắc xin AstraZeneca, Pfizer va Sinopharm (Riêng ai tiêm mũi 1 AstraZeneca có thể chọn tiêm mũi 2 Pfizer).
Các trường hợp đã tiêm mũi 1 vắc xin Moderna nhưng đến ngày tiêm mũi 2, bác sĩ chỉ có thể thông báo người dân chờ.
Trưa 7/9, chúng tôi tìm cách liên hệ nhiều lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM để tìm hiểu việc tiêm vắc xin mũi 2 Pfizer cho người tiêm mũi đầu Moderna đã có văn bản cho phép chính thức để "gỡ khó" cho lực lượng thực hiện nhiệm vụ tiêm chủng hay chưa.
Tuy nhiên hiện vẫn chưa có câu trả lời.
Tiêm mũi 2 Pfizer sau khi tiêm mũi 1 vắc xin Moderna có tốt không?
ThS.BS. Nguyễn Hiền Minh, Phó trưởng Đơn vị tiêm chủng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, hiện nay do không có đủ dữ liệu nghiên cứu về tính an toàn và đánh giá hiệu lực vắc xin khi thay thế qua lại giữa vắc xin Moderna với vắc xin Pfizer trong liệu trình tiêm 2 mũi vắc xin COVID-19 mRNA, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và CDC Mỹ khuyến cáo cả hai liều vắc xin trong liệu trình tiêm chủng khuyến cáo nên được hoàn thành với cùng một vắc xin.
Trong trường hợp bất khả kháng tạm thời không có cùng loại vaccine mRNA, tốt hơn là nên trì hoãn liều thứ hai để người được tiêm chủng nhận cùng loại vaccine hơn là phối hợp vaccine khác loại.
Về khả năng tiêm trộn 2 mũi vaccine mRNA khác loại trong trường hợp bất khả kháng về cung ứng vắc xin trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, bác sĩ Minh cho rằng người tiêm mũi 1 là Moderna có thể được cân nhắc mũi 2 là Pfizer với khoảng cách tối thiểu 28 ngày giữa hai liều tiêm.
Sau khi hoàn tất hai mũi tiêm vaccine thì người được tiêm chủng xem như đã hoàn thành lịch tiêm vắc xin COVID-19, không cần bổ sung liều nào của vắc xin mRNA nữa.
Một số quốc gia như Canada và Anh đã có những khuyến cáo chính thức về việc có thể tiêm theo lịch mũi 1 là vắc xin Moderna - mũi 2 là Pfizer (hoặc ngược lại) khi không có loại vaccine sẵn có và đã trì hoãn lịch tiêm trên 8 tuần.
Cho đến nay không ghi nhận biến cố bất lợi sau tiêm chủng nghiêm trọng nào của việc tiêm trộn 2 vắc xin này trong cùng một liệu trình tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.
Theo Hoàng Lê (Nhịp Sống Việt)