Người dân tại "vùng xanh" có thể đi chợ 1 lần/tuần
Tối 6/9, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã trực tiếp đối thoại, thông tin với người dân trong chương trình Livestream "Dân hỏi – Thành phố trả lời" về những định hướng, kế hoạch của thành phố về công tác phòng, chống dịch Covid-19 sau ngày 15/9.
Với hơn 70 phút của chương trình "Dân hỏi - Thành phố trả lời" trong tối 6/9, đã có 800.000 lượt xem, hơn 172.000 người xem cùng lúc, 100.000 bình luận, 20.000 lượt chia sẻ.
Dưới đây là lược trích phần trả lời của ông Phan Văn Mãi:
Khi nào TP.HCM sẽ nới lỏng giãn cách? Tại sao thành phố giãn cách thời gian dài mà tình hình dịch bệnh vẫn chưa được cải thiện, thưa ông?
Ông Phan Văn Mãi: "Khi nào thành phố ngừng giãn cách, thành phố khi nào hết dịch?" là câu hỏi không chỉ của người dân, lãnh đạo TP.HCM mà còn là thắc mắc của cả nước và bạn bè quốc tế quan tâm đến chúng ta.
Khi dịch bệnh có diễn biến phức tạp, TP.HCM đã thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch quyết liệt. Trong đó, toàn địa bàn áp dụng các biện pháp cách ly, giãn cách, hạn chế di chuyển, hạn chế các hoạt động, sản xuất. Những điều đó ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sinh hoạt, kinh tế xã hội.
Tuy nhiên, thành phố còn cần giãn cách xã hội và áp dụng các biện pháp khác, khi dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Việc thành phố khi nào hết giãn cách phụ thuộc vào sự chuyển biến của tính hình dịch bệnh. Chúng ta chưa thể đưa ra một mốc thời gian cụ thể nào.
Đối với câu hỏi, vì sao TP.HCM giãn cách mãi mà tình hình chưa cải thiện, điều này đến từ những nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Đối với nguyên nhân khách quan, chủng virus Delta diễn biến rất phức tạp, chúng ta vẫn chưa hiểu hết về nó. Không chỉ ở Việt Nam, biến chủng này cũng lây lan nhanh, mạnh ở các nước khác, khiến công tác ứng phó đôi lúc chưa kịp thời.
Khi đã hiểu thêm phần nào về biến chủng, thành phố đã tiến hành các biện pháp giãn cách. Tình hình dịch bệnh đã được cải thiện ở một số nơi có công tác giãn cách được tiến hành kịp thời, nghiêm túc.
Về mặt chủ quan, một số địa bàn của TP.HCM làm chưa nghiêm khiến dịch Covid-19 vẫn tiếp tục lây lan. Bên cạnh đó, các hoạt động xét nghiệm, ngăn chặn nguồn lây cũng chưa thật sự tốt ở một số nơi.
Từ những nguyên nhân khách quan và chủ quan trên, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp khiến thành phố còn cần kéo dài thời gian giãn cách xã hội.
Thời gian gần đây, khi việc giãn cách được triển khai quyết liệt theo tinh thần "ai ở đâu ở yên đó", việc xét nghiệm, bóc tách F0 đã phát huy hiệu quả, TP.HCM đã có những chuyển biến tích cực về tình hình dịch bệnh.
Tôi tin rằng, khi các biện pháp được thực hiện một cách tập trung, quyết liệt, đồng bộ, thành phố sẽ tạo ra những chuyển biến trong thời gian tới.
Tôi ở Quận 7, địa bàn đã công bố kiểm soát được dịch. Vậy tôi có thể đi chợ, đi siêu thị lại sau ngày 15/9 chưa?
Ông Phan Văn Mãi: Chiều 6/9, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 TPHCM đã họp để đánh giá lại tình hình dịch bệnh trên địa bàn.
Theo đó, từ nay đến ngày 15/9, thành phố cơ bản vẫn tiếp tục các biện pháp siết chặt giãn cách giống như từ ngày 23/8 đến hiện tại, nhưng có 2 điểm điều chỉnh.
Điều đầu tiên là các siêu thị, hệ thống cung ứng được triển khai đến từng xã, phường, thị trấn. Ở những "vùng đỏ", shipper sẽ đi chợ thay các hộ dân. Người dân tại "vùng xanh" có thể đi chợ 1 lần/tuần.
Chúng tôi khuyến khích những người đã tiêm vaccine Covid-19 sẽ đảm nhiệm công việc đi chợ. Khi có kháng thể, khả năng nhiễm bệnh sẽ thấp hơn và nếu không may bị lây nhiễm, tỷ lệ chuyển nặng vẫn sẽ nhỏ hơn.
Xin nhắc lại, TP.HCM sẽ tính phương án mở dần dần các hoạt động, nhưng việc mở lại phải đảm bảo nguyên tắc an toàn.
Từ nay đến ngày 15/9, TP.HCM đã tính tới phương án thí điểm mở lại một số dịch vụ bán đồ ăn mang về tại vùng xanh. Khi tình hình chuyển biến tốt, những địa bàn an toàn, ngành nghề an toàn sẽ từng bước được mở lại.
Tôi xin nhận khuyết điểm với bà con!
Thưa Chủ tịch thành phố, vợ chồng tôi đều là lao động chân tay và mất việc do dịch Covid-19 trong 3 tháng nay. Túi an sinh của thành phố đã giúp chúng tôi sống trong 2 tuần qua, nhưng thời gian tới, chúng tôi không thể sống nổi nếu chỉ nhận hỗ trợ một lần?
Ông Phan Văn Mãi: Chúng tôi rất chia sẻ với bà con thành phố suốt quãng thời gian qua. Mỗi người đến với thành phố để lao động hay học tập đều có sự đóng góp nhất định.
Thời điểm bình thường, mọi người là lực lượng lao động làm ra của cải, vật chất đóng góp cho ngân sách. Khi dịch bệnh phức tạp, thành phố giãn cách, bà con mất việc, nhiều người không còn tích lũy.
Quan điểm của lãnh đạo thành phố là tất cả người đang kẹt lại do dịch bệnh, không về quê được, mất việc, không có thu nhập, gặp khó khăn đều là đối tượng cần hỗ trợ.
Ban đầu, chúng tôi xác định hỗ trợ theo người, sau đó là theo hộ. Sự chênh lệch giữa việc hỗ trợ theo từng người và từng hộ cũng gây thắc mắc cho bà con thời gian qua, đó là lỗi của chính quyền khi chưa nghiên cứu đầy đủ, dẫn đến không đồng nhất giữa 2 đợt hỗ trợ.
Chúng tôi đồng tình rằng, với mức chi 1,5 triệu đồng cho một hộ, hay một người cũng chưa đủ và chỉ hỗ trợ được phần nào để bà con vượt qua khó khăn thời điểm này. Thành phố đã bàn và thống nhất, nếu tình hình dịch bệnh còn phức tạp kéo dài, đời sống người dân còn khó khăn thì chính quyền vẫn tiếp tục hỗ trợ người dân.
Hiện tại, thành phố đang xây dựng phương án hỗ trợ từng người sau ngày 15/9. Tình hình dịch còn giãn cách, mất việc đến đâu sẽ hỗ trợ đến đó. Cụ thể, tiền hỗ trợ có thể thấp hơn mức 1,5 triệu, nhưng sẽ hỗ trợ cho từng người và hỗ trợ thường xuyên hơn.
Bên cạnh đó, người dân cũng nhận 15 kg gạo mỗi tháng cùng các túi an sinh. Thành phố cũng tính các hình thức hỗ trợ khác như vận động giảm giá nhà trọ, giảm tiền điện, nước, chi phí sinh hoạt cho người thuê trọ.
Hiện tại, nhiều người chưa nhận được số tiền hỗ trợ 1,5 triệu đồng. Mong Chủ tịch UBND TPHCM chỉ đạo để người dân tiếp cận hỗ trợ sớm nhất có thể, tăng cường công tác kiểm tra để tránh việc hỗ trợ đến sai địa chỉ?
Ông Phan Văn Mãi: Đúng là khẩn trương làm, nhưng do điều kiện này khác chưa trọn vẹn. TP chỉ đạo các địa phương nhanh chóng phát cho bà con sớm.
Thành phố không để bất kỳ ai không nhận được hỗ trợ, thiếu lương thực thực phẩm dẫn đến thiếu đói.
Thành phố có hơn 10 triệu dân sinh sống nên sẽ có những lúc, sự bao quát của chính quyền các cấp còn chưa đầy đủ. Thay mặt lãnh đạo thành phố, tôi xin nhận khuyết điểm với bà con. Trường hợp bà con chưa được thống kê thì liên hệ với chính quyền địa phương để thông báo và thống kê trong danh sách.
Thời gian qua, chúng tôi đã kiểm tra công tác hỗ trợ và sẽ tiếp tục thực hiện kiểm tra trong thời gian tới. Một số nơi phát sinh sai phạm, thành phố đã xử lý nghiêm.
Tuy nhiên, cũng có những khó khăn từ cán bộ cơ sở, gây ảnh hưởng đến công tác thống kê. Trong trường hợp đó, bà con cần liên hệ ngay tới phường, xã, đơn vị lập danh sách để phản ánh và thông báo.
Đối với chính quyền phường, khi số lượng thực tế vượt quá con số thống kê theo danh sách trước đây, các địa phương báo cáo lên cấp trên để được cấp bổ sung thêm.
Ngoài ra, hiện tại, thành phố triển khai gói hỗ trợ đến mọi người dân đang ở trên địa bàn, không phân biệt có đăng ký thường trú, tạm trú hay không. Nơi nào còn yêu cầu những điều kiện đó, chúng tôi sẽ chấn chỉnh, kiểm tra, nhắc nhở.
Trong nhiều tháng qua, thành phố giãn cách xã hội theo nhiều mức, các công ty vừa và nhỏ tổn thất nặng nề. Sau khi khôi phục sản xuất kinh doanh, "bình oxy nào" sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp thuộc nhóm này?
Ông Phan Văn Mãi: Đây là một vấn đề lớn, không chỉ với chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Những khó khăn còn kéo theo một bộ phận người lao động ảnh hưởng công việc và thu nhập.
Thành phố nhận định, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp 3 cái khó. Chúng tôi đã có phương án hỗ trợ, khắc phục từng khó khăn trên.
Đối với khó khăn về vốn, TP.HCM đã kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước một gói chính sách hỗ trợ như khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi vay.
TP.HCM cũng đề nghị có sự đối thoại thường xuyên giữa ngân hàng với hiệp hội doanh nghiệp, người vay để lắng nghe để xuất, nắm bắt khó khăn và đưa ra quyết định. Ngoài ra, thành phố cũng có những chương trình hỗ trợ lãi suất, các khoản tín dụng hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp thông qua các gói kích cầu.
Đối với khó khăn về lao động, thành phố đang phối hợp với các địa phương có chính sách hỗ trợ cho người lao động bị ảnh hưởng công việc và tiêm vaccine cho họ sớm có thể quay trở lại hoạt động ngay khi dịch bệnh được kiểm soát.
Đối với khó khăn về mặt bằng, thành phố sẽ có gói hỗ trợ chi phí bằng cách giảm giá mặt bằng, điện nước, dịch vụ để hỗ trợ cho các doanh nghiệp.
Hiện tại thành phố đang xây dựng một kế hoạch tổng thể nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa. Thành phố sẽ cố gắng để công bố các chính sách thuộc thẩm quyền của mình trước ngày 15/9. Đối với những đề xuất cần trình Trung ương, chúng ta cần chờ các cơ quan có thẩm quyền cao hơn chấp thuận.
Trả lời thêm tại đây, ông Phan Văn Mãi cho biết, thành phố sẽ cố gắng từ nay đến 15/9, toàn địa bàn sẽ tiêm chủng vaccine Covid-19 cho 90% người trên 18 tuổi và đảm bảo lượng vaccine tiêm mũi 2 cho những người đủ điều kiện.
Theo ông Mãi, với hơn 6,3 triệu người đã được tiêm mũi một và hơn 500.000 người được tiêm đủ 2 mũi, TP.HCM là địa phương có tỷ lệ tiêm vaccine toàn dân ở mức cao.
Tuy nhiên, ông nêu rõ, việc tiêm đủ 2 mũi vaccine chỉ là một trong những điều kiện an toàn để khôi phục lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Việc tiêm chủng chỉ giúp người dân có kháng thể, hạn chế khả năng lây nhiễm chứ không miễn nhiễm hoàn toàn với SARS-CoV-2.
Hiện tại, người tiêm đủ 2 mũi vaccine chưa đủ để trở lại làm việc như bình thường, mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố về tình hình dịch Covid-19 của thành phố trong thời gian tới.
Theo Hoàng Đan (Tổ Quốc)