Tiến sĩ Nguyễn Hữu Trung, Giảng viên Bộ môn Phụ sản, Đại học Y Dược TP.HCM cho biết ông cùng các cộng sự vừa thực hiện một ca phẫu thuật đầy cam go để cứu một thai nhi bất ngờ bị đe dọa tính mạng trong bụng mẹ.
Trước đó, vào trưa ngày 6/5, thai phụ T.T.T.N (37 tuổi, ngụ TP.HCM) chuyển dạ tại khoa Sanh, Bệnh viện (BV) Hùng Vương. Quá trình lâm bồn được tiến hành như thường lệ, cho đến khi một nữ hộ sinh bất ngờ phát hiện đứa bé trong bụng chị N. có dấu hiệu sa dây rốn.
Dây rốn, đường cung cấp dinh dưỡng và oxy duy nhất từ bà mẹ đến thai nhi bị chèn ép đột ngột là một tình trạng tối khẩn cấp trong sản khoa. Nếu không được xử trí kịp thời, thai nhi có thể bị tử vong nhanh chóng.
Ngay sau khi chẩn đoán tình trạng khẩn cấp này, nữ hộ sinh giữ tay trong âm đạo người mẹ, đẩy đầu thai nhi lên để tránh đầu thai chèn ép vào dây rốn, đồng thời cảm nhận nhịp đập non nớt của mạch sống thai nhi qua hai ngón tay của mình. Giữ tư thế đó, cô cùng hai người chuyển bệnh, đặt chị N. trên băng ca đẩy vội lên phòng mổ bằng đường thang máy.
Cùng lúc đó, ekip gần 10 người gồm bác sĩ phẫu thuật, bác sĩ gây mê, bác sĩ nhi và nữ hộ sinh được thông báo tình huống cấp cứu này. Thậm chí, một bác sĩ nội trú vừa phụ mổ ở phòng bên cạnh, nghe tin vội vàng "phóng" sang hỗ trợ dù chưa kịp ăn cơm trưa. Một ngày cuối tuần mệt nhoài với các nhân viên y tế.
"Bác sĩ gây mê cố hỏi vài câu gấp rút trước khi cho người mẹ chìm sâu vào giấc ngủ. Còn phẫu thuật viên tập trung cao độ, phải nhanh chóng đưa bé ra ngay khỏi bụng người mẹ. Ngay sau khi bắt bé ra, bác sĩ sờ nhịp tim bé để cảm nhận nhịp sống của trái tim, tiến hành xoa bóp tim bé ngay tại chỗ nếu tim không đập. Những khái niệm như "chậm cắt dây rốn" hay "da kề da" là thứ xa xỉ trong lúc này" - Tiến sĩ Hữu Trung kể lại.
Nhờ sự phối hợp nhịp nhàng và nhanh chóng, bé trai nặng 3.200 gram con chị N. thoát khỏi vòng vây tử thần khi đồng hồ điểm 12 giờ 12 phút, chỉ trong vỏn vẹn 8 phút tính từ lúc phát hiện sa dây rốn. Sau phẫu thuật, hai mẹ con đã được chuyển đến khoa Hậu phẫu của BV để tiếp tục theo dõi. Các bác sĩ dự kiến nếu không có gì bất ngờ, họ sẽ được xuất viện sau 4 ngày.
Thông tin thêm về sa dây rốn, Tiến sĩ Hữu Trung cho biết, sa dây rốn là cấp cứu sản khoa tuy hiếm gặp nhưng có thể xảy ra ở mọi trung tâm y tế có chuyên khoa phụ sản. Tuy nhiên, dù được cấp cứu nhanh chóng, không phải trường hợp nào cũng có thể cứu sống.
"Có thể so sánh sa dây rốn với hoàn cảnh đứa bé bị siết cổ, nguồn dinh dưỡng và oxy bị chặn lại, tính mạng bị đe dọa. Chính vì thế mà ngay khi đưa bé ra khỏi bụng mẹ, cả ekip phẫu thuật đều tập trung vào em bé. Khi nhìn thấy cái "hít vào" đầu tiên của bé xong là cả ekip thở phào nhẹ nhõm. Chúng tôi vui mừng khi thấy nhịp thở đầu tiên của bé, nhịp sống của trái tim" - Đại diện ekip phẫu thuật tâm sự.
Theo Hoàng Lê (Trí Thức Trẻ)