Kiểm tra quá trình sản phụ chuyển dạ, các bác sĩ phát hiện thai nhi bị sa dây rốn, nhịp tim rời rạc, tử cung đập mạnh nguy hiểm đến tính mạng.
Khoảng 2h sáng 27/2, sản phụ Hoàng Thị Thanh Lan (34 tuổi, trú TP Huế) nhập viện trong tình trạng chuyển dạ. Sau khi xác định tình trạng sức khỏe, các bác sĩ quyết định cho sản phụ sinh thường.
Cháu bé sơ sinh được cứu sống. Ảnh: Điền Quang. |
Tuy nhiên, kiểm tra trong quá trình sản phụ chuyển dạ, bác sĩ phát hiện cháu bé bị sa dây rốn, nhịp tim rời rạc, tử cung đập mạnh khiến quá trình đưa bé ra ngoài gặp nguy hiểm.
Các bác sĩ đã quyết định cho sản phụ mổ khẩn cấp để tránh nguy hiểm cho hai mẹ con. Kíp mổ dùng phương pháp gây mê nội khí quản. Ca mổ kéo dài gần 40 phút đã kịp thời đưa cháu bé ra ngoài và được hỗ trợ hồi sức tích cực.
Sau ca mổ đẻ thành công, sức khỏe hai mẹ con tiến triển tốt. Bé trai nặng 3,3 kg, có thể xuất viện trong vài ngày tới.
Theo PGS.TS Lê Minh Tâm, Phó giám đốc Trung tâm Nội tiết Sinh sản và Vô sinh (bệnh viện Đại học Y dược Huế), trong sản khoa tỷ lệ sa dây rốn không phải là hiếm gặp, tỷ lệ tử vong lên đến 30%, cứ 300 trẻ chào đời có một ca mắc sa dây rốn. Nếu không kịp thời phát hiện, các bác sĩ rất khó cứu sống bệnh nhân.
Sa dây rốn (hay còn gọi là sa cuốn rốn) nghĩa là dây rốn bị sa ra ngoài cổ tử cung, âm đạo trong khi em bé còn nằm trong bụng mẹ, do đó dây rốn bị chèn ép giữa đầu của thai nhi và khung chậu của sản phụ. Điều đó khiến máu từ sản phụ không thể đi đến nuôi dưỡng thai nhi khiến bé có thể bị chết trong bụng mẹ trong thời kỳ chuyển dạ. Sa dây rốn thường xảy ra trong những trường hợp vỡ ối sớm. Đây là trường hợp cấp cứu tối khẩn cấp để cứu thai nhi trước lưỡi hái của tử thần. |
Theo Điền Quang (Tri Thức Trực Tuyến)