TP Thủ Đức có Chủ tịch 41 tuổi

22/01/2021 12:14:10

Ông Hoàng Tùng, 41 tuổi, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè được kỳ họp thứ nhất HĐND TP Thủ Đức bầu làm Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, sáng 22/1.

Ông Hoàng Tùng quê ở Quảng Ngãi; trình độ kiến trúc sư, thạc sĩ quy hoạch đô thị và quy hoạch vùng. Trước khi giữ chức Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè vào tháng 10/2019, ông có thời gian dài công tác tại Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP HCM và làm phó giám đốc sở này từ tháng 3/2017.

HĐND TP Thủ Đức bầu các ông Nguyễn Bạch Hoàng Phụng (43 tuổi, Phó chủ tịch UBND quận 2), Nguyễn Kỳ Phùng (55 tuổi, Phó giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ), Nguyễn Hữu Anh Tứ (Phó chủ tịch UBND quận Thủ Đức) giữ chức Phó chủ tịch UBND TP Thủ Đức.

Theo phương án trước đó, nhân sự TP Thủ Đức có 657 người, sau năm 2025 giảm còn 459 người.

TP Thủ Đức có Chủ tịch 41 tuổi
Ông Hoàng Tùng tại kỳ họp thứ nhất HĐND TP Thủ Đức sáng nay. Ảnh: Hữu Công.

Kỳ họp sáng nay cũng bầu ông Nguyễn Phước Hưng (53 tuổi, Bí thư Quận uỷ quận 2) làm Chủ tịch HĐND TP Thủ Đức và bà Thái Mỹ Diện (43 tuổi, Phó chủ tịch HĐND quận Thủ Đức) làm Phó chủ tịch HĐND TP Thủ Đức.

Dự kiến chiều nay, Thành ủy TP HCM trao quyết định chỉ định Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Bí thư, các Phó bí thư TP Thủ Đức.

Trước đó, TP HCM đã nhập Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) của ba quận thành Chi cục THADS TP Thủ Đức. TAND Tối cao cũng có quyết định bổ nhiệm chánh án, Phó chánh án TAND TP Thủ Đức...

Liên quan bộ máy TP Thủ Đức, tại cuộc họp giao ban báo chí sáng nay, Phó chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan cho biết, về cách điều hành thành phố tổ chức theo hướng phân công phó chủ tịch phụ trách lĩnh vực kết hợp nắm khu vực (quận 2 là khu vực 1, quận 9 là khu vực 2 và quận Thủ Đức là khu vực 3). Với những việc thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND và UBND TP Thủ Đức thì các khu vực báo cáo, xin ý kiến.

Về các phòng ban chuyên môn, ông Hoan cho biết TP Thủ Đức vẫn giữ nguyên bộ máy, tổ chức như cũ, sử dụng các trụ sở cũ và thực hiện nhiệm vụ như trước đây. Các trưởng phòng sẽ phân công, ủy quyền cho các phó trưởng phòng phụ trách khu vực được phép sử dụng cán bộ, công chức, cơ sở vật chất để điều hành công việc.

Ông Hoan khẳng định việc giải quyết công việc cho người dân vẫn được thực hiện bình thường, không có vướng mắc gì. "Các cơ quan, đơn vị không được từ chối những yêu cầu, đề nghị giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Công việc có thể gặp khó khăn nhưng không để người dân hụt hẫng", ông Hoan và cho biết UBND TP.Thủ Đức sớm ban hành quy chế để hoạt động xuyên suốt.

Về sử dụng con dấu, Phó chủ tịch Võ Văn Hoan thông tin trong hôm nay, UBND TP Thủ Đức và các phường trực thuộc, Văn phòng HĐND và UBND, chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai và Văn phòng Tiếp công dân sẽ có con dấu mới. Con dấu các phòng sẽ cố gắng có vào ngày mai (23/1) khi các trưởng phòng được bổ nhiệm.

TP Thủ Đức có Chủ tịch 41 tuổi - 1
Khu đô thị Đại học Quốc gia TP HCM nằm ở TP Thủ Đức. Ảnh: Quỳnh Trần.

TP Thủ Đức được thành lập theo Nghị quyết 1111 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (hiệu lực từ ngày 1/1/2021) trên cơ sở sáp nhập ba quận 2, 9 và Thủ Đức, rộng khoảng 211 km2 và một triệu người. Sau 60 ngày, thành phố mới phải hoàn thành sắp xếp tổ chức bộ máy, không làm ảnh hưởng người dân, doanh nghiệp.

Việc lập TP Thủ Đức được kỳ vọng góp phần tinh gọn bộ máy, phát huy nguồn lực phát triển kinh tế xã hội địa phương. Thành phố mới dự kiến đóng góp 30% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) TP HCM và 7% tổng sản phẩm nội địa (GDP) cả nước. Đây cũng được cho sẽ là động lực tăng trưởng mới cho thành phố và vùng trọng điểm kinh tế phía Nam.

Trụ sở UBND quận 2 (số 168 Trương Văn Bang, phường Thạnh Mỹ Lợi) dự kiến là nơi làm việc của UBND - HĐND TP Thủ Đức; trụ sở UBND quận 9 (số 2/304 xa lộ Hà Nội, phường Hiệp Phú) là nơi làm việc của Thành ủy TP Thủ Đức; trụ sở UBND quận Thủ Đức (số 43 Nguyễn Văn Bá) là nơi làm việc của MTTQ và các đoàn thể TP Thủ Đức.

Theo Hữu Công (VnExpress.net)

Nổi bật