Sáng 31/12, phát biểu tại lễ công bố thành lập TP Thủ Đức, ông Nguyễn Thiện Nhân – Ủy viên Bộ Chính trị theo dõi chỉ đạo Thành ủy TPHCM cho biết theo quy hoạch, TP Thủ Đức sẽ tiếp tục triển khai các hạ tầng công nghệ và xã hội quan trọng mới.
Đó là Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo lớn nhất Việt Nam, Công viên phần mềm Quang Trung TP Thủ Đức, Trung tâm tính toán hiệu năng cao (siêu máy tính) hiện đại nhất ASEAN, Nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch, Trung tâm Triển lãm Hội chợ quốc tế.
Khu liên hợp Thể dục Thể thao Rạch Chiếc (222 ha), Hệ thống đê bao, bơm và các khu vực chứa nước tự nhiên và nhân tạo để Thành phố Thủ Đức là Thành phố không ngập nước ở khu vực đô thị…
Ông Nguyễn Thiện Nhân đánh giá với một hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng khoa học công nghệ, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại như vậy cộng với thiết kế không gian đô thị hợp lý và quản lý thông minh, là thành phố thông minh tạo sự tương tác cao giữa tất cả 16 cấu phần nói trên thì Thành phố Thủ Đức vừa là không gian sống xanh, không gian văn hóa dân tộc và quốc tế, vừa là không gian sáng tạo và sản xuất dịch vụ 4.0, một trung tâm trí tuệ nhân tạo lớn của Việt Nam và quốc tế.
“Trong khoảng 10 năm tới, TP Thủ Đức có thể tạo ra giá trị gia tăng bằng 1/3 của Thành phố, khoảng 7% GDP của Việt Nam và là nền kinh tế lớn thứ 3 chỉ sau TPHCM và Hà Nội”, ông Nhân nói và nhìn nhận đây là sự đột phá về thể chế phát triển TPHCM trong 45 năm qua, mở ra cơ hội tăng năng suất lao động, tăng tốc phát triển và đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng kinh tế của TPHCM trong 25 năm tới “vì cả nước, cùng cả nước”.
Để chứng minh, ông Nhân đã chỉ ra những tiền đề hạ tầng quan trọng để TP Thủ Đức ttrở thành một đô thị sáng tạo tương tác cao, một trung tâm kinh tế 4.0. Cụ thể: Khu Công nghệ cao TPHCM với diện tích khoảng 800 ha, đã thu hút đầu tư nước ngoài hơn 8 tỷ USD và 42.000 lao động, xuất khẩu năm 2020 khoảng 20 tỷ USD. Khu Đại học Đại học Quốc gia, Đại học Sư phạm kỹ thuật Thủ Đức, Đại học Nông Lâm, Đại học Fulbright, Đại học Văn hóa với hơn 100.000 sinh viên và hơn 2.000 tiến sĩ là giảng viên.
Ngoài ra, Khu Đô thị mới Thủ Thiêm với Trung tâm tài chính của Việt Nam và khu vực. TP Thủ Đức còn được trang bị hệ thống viễn thông 5G, hệ thống giao thông thuận tiện (đường bộ, tàu điện ngầm, cảng container lớn nhất Việt Nam, hai sân bay quốc tế Long Thành và Tân Sơn Nhất); công viên lịch sử - văn hóa dân tộc (100ha), sân golf Thủ Đức (300ha)…
“Diện tích TP Thủ Đức là 21.157 ha với dân số là 1,17 triệu người và theo quy hoạch dự kiến dân số là 2 triệu người vào năm 2040; 3 triệu người vào năm 2060 đủ lớn để tạo môi trường và lực phát triển tại chỗ”, ông Nhân nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, sau hơn 20 năm phát triển, quận 2, 9 và Thủ Đức đã tạo nên các hạ tầng kỹ thuật và xã hội quan trọng cho phát triển kinh tế thời kỳ 4.0 nhưng lại nằm rời rạc ở 3 quận, không có quy hoạch thống nhất, chính sách thống nhất, quản lý nhà nước thống nhất, do đó không phát huy được tác dụng tổng hợp để tạo ra một trung tâm tăng trưởng mới cho kinh tế TPHCM.
Nhận ra các tiểm năng này ở ba quận, qua nhiều hội thảo quốc tế được tổ chức trong năm 2018 và 2019, Thường vụ Thành ủy TPHCM khóa X đã thống nhất chủ trương xây dựng một Khu đô thị sáng tạo tương tác cao trên địa bàn ba quận này.
Qua thi tuyển quốc tế đề xuất ý tưởng, các công ty tư vấn quốc tế có uy tín đã khẳng định: Quận 2, 9 và Thủ Đức đã có nhiều tiền đề quan trọng để hình thành một Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao, nếu được quy hoạch hợp lý, bổ sung các cấu phần còn thiếu, sẽ trở thành một trung tâm kinh tế 4.0 của TPHCM và là hạt nhân cho phát triển kinh tế của TPHCM và Khu vực Đông Nam bộ.
“Nhu cầu cần phải sát nhập 3 quận này thành một đơn vị hành chính mới có một quy hoạch thống nhất, một hệ thống chính sách thống nhất, một chính quyền quản lý thống nhất. Đó là lý do phải thành lập TP Thủ Đức – một thành phố kinh tế tri thức, một động lực đột phá phát triển kinh tế của TPHCM”, ông Nhân giải thích.
Nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM cho biết dù vẫn có ưu thế về nhiều mặt nhưng một vấn đề cơ bản đang đặt ra với phát triển kinh kinh tế của TPHCM 10 năm qua là tính vượt trội của tốc độ tăng trưởng của kinh tế so với cả nước đã giảm mạnh, mà chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả.
Cụ thể, bình quân giai đoạn 2001 – 2010, tốc độ tăng trưởng kinh tế Thành phố cao hơn cả nước là 1,65 lần, song năm 2011 chỉ còn 1,17 lần. Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị năm 2012 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2020 đã đặt ra nhiệm vụ: tốc độ tăng trưởng sản phẩm nội địa bình quân giai đoạn 2011 – 2020 cao hơn 1,5 lần so với bình quân cả nước. Tuy nhiên, thực tế tăng trưởng kinh tế bình quân Thành phố 2011 – 2019 chỉ cao hơn bình quân cả nước 1,2 lần. Điều này đặt ra 2 nhiệm vụ cho phát triển lâu dài của TPHCM: hoàn thiện cơ chế Tài chính – Ngân sách của Thành phố và tạo ra động lực mới cho tăng trưởng dựa trên thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0.
“Động lực mới này phải được hình thành trên cơ sở: tạo tương tác có hiệu quả cao giữa các yếu tố nền tảng của cách mạng công nghiệp 4.0 và xác định địa bàn nào cho phép có sự tương tác đó hiệu quả cao nhất”, ông Nhân cho hay.
Theo Huy Thịnh - Trọng Thịnh (Tiền Phong)