"Khi đô thị này hình thành sẽ là hạt nhân để thành phố triển khai cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4", Phó chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến nói tại hội thảo về Lộ trình chiến lược xây dựng khu đô thị sáng tạo, sáng 12/4.
Ý tưởng này đã được Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân đặt trên nền tảng về thể chế, lợi thế kinh tế, cơ sở hạ tầng thành phố đã có, với khu công nghệ cao (quận 9); làng đại học quốc gia hơn 80.000 sinh viên, giảng viên (quận Thủ Đức); khu đô thị mới, trung tâm tài chính Thủ Thiêm (quận 2). Nếu không kết nối những ưu điểm của các khu này sẽ không thể biến các ý tưởng khởi nghiệp ra thị trường, làm lãng phí và không sử dụng tối đa giá trị công sản...
Chính quyền khu đô thị sáng tạo sẽ là chính quyền kiểu mẫu, mọi giao dịch thực hiện bằng điện tử đảm bảo công khai, minh bạch và không còn xảy ra việc tiêu cực, nhũng nhiễu.
Khu đô thị sáng tạo cũng phát triển mạnh giao thông thông minh, biến các ý tưởng bảo vệ môi trường thành ý tưởng chung cho toàn thành phố...
"Khu này sẽ đầy đủ hơi thở cuộc sống, hiệu quả hướng tới là phát triển kinh tế thành phố ngày càng chất lượng, đúng hướng", ông Tuyến khẳng định.
Thung lũng silicon của Việt Nam
Theo ông Lê Văn Thành (Viện nghiên cứu phát triển TP HCM), khu đô thị sáng tạo sẽ là nơi có công nghệ cao nhiều nhất, nghiên cứu đại học lớn nhất và có triển vọng khu đô thị tốt nhất thành phố.
"Đó là thung lũng silicon của Việt Nam", ông khẳng định và cho biết đô thị sáng tạo được xây dựng dựa trên ba chủ trương lớn: xây dựng TP HCM thành thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình; thành phố thông minh; khu đô thị sáng tạo.
Trong đó, vốn thực hiện được huy động từ ngân sách, với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, cộng đồng dân cư và đầu tư nước ngoài.
Khu đô thị chuẩn quốc tế
Trong khi đó, đại diện Viện quy hoạch xây dựng cho rằng, đây sẽ là đô thị khoa học ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất, cung cấp dịch vụ trên nền tảng công nghệ cao, hạ tầng kỹ thuật và xã hội hiện đại theo chuẩn quốc tế.
Bên cạnh yếu tố con người, cơ sở hạ tầng là tiên quyết. Hiện, khu Đông Sài Gòn đã có quy hoạch và dần hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật trọng điểm như: đường vành đai 3, cầu Cát Lái nối TP HCM - Nhơn Trạch, mở rộng Quốc lộ 13, đường sắt nối sân bay Long Thành, tuyến metro số 2 Bến Thành - Thủ Thiêm, tuyến metro 3b, tuyến monorail số 2 (nối quận 7, 2 và Bình Thạnh).
Giáo sư Phan Văn Trường (chuyên gia về kinh tế đô thị, quy hoạch và đàm phán quốc tế) đánh giá cao ý tưởng xây dựng khu đô thị sáng tạo. "Chúng ta luôn phải nghĩ đến việc TP HCM là đầu tàu, mũi nhọn phát triển kinh tế, nên bắt buộc phải có những người có đầu óc sáng tạo, năng động, lôi cuốn đất nước phát triển", ông nhận xét và cho rằng chọn khu Đông là rất có tiềm năng, với nền tảng vững chắc.
Theo giáo sư Trường, để khu Đông trở thành khu đô thị sáng tạo thật sự ông đã trăn trở, suy nghĩ rất nhiều. Quan điểm của ông là, khu đô thị cũ TP HCM khó có thể điều chỉnh được, với những thói quen xấu của người dân khiến giao thông lộn xộn, vỉa hè bị lấn chiếm... nên phải hướng tới phát triển một khu đô thị mới.
Ông góp ý khi thành phố phải lấy việc tổ chức mạch máu giao thông là quyết định. Trong đó ưu tiên trước hết cho việc đi bộ, thứ nhì là xe buýt miễn phí; không cho ôtô, xe máy vào khu đô thị nên phải xây dựng những bãi đỗ xe lớn ở các trạm metro.
Sau hội thảo lần này, giữa tháng 5 TP HCM sẽ tổ chức hội thảo quốc tế để lấy ý kiến các chuyên gia trong và ngoài nước. Từ đó xác định mô hình và thực hiện các bước triển khai khu đô thị sáng tạo.
Theo Tuyết Nguyễn (VnExpress.net)