Video: Vỡ đường dây tiền ảo 15.000 tỷ đồng
Ông Lê Thanh Liêm, Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM vừa có công văn khẩn giao Công an TP.HCM phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, xác minh vụ việc liên quan đến đường dây tiền ảo đa cấp (đề cập Công ty CP Modren Tech, với số tiền huy động các nạn nhân tố cáo là hơn 15.000 tỷ đồng), khẩn trương báo cáo đề xuất trình UBND TP.HCM có biện pháp xử lý phù hợp.
Công văn đồng thời yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM theo dõi sát để xử lý nghiêm các vi phạm về thanh toán không dùng tiền mặt, không hợp pháp, tiền ảo bị cấm phát hành, cung ứng và sử dụng... NHNN tham mưu UBND thành phố kịp thời triển khai các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản mới liên quan đến quản lý và xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo.
Song song đó, thành phố cũng yêu cầu các sở chức năng chịu trách nhiệm quản lý các hoạt động đối với các đơn vị cung ứng dịch vụ thuộc lĩnh vực phụ trách có liên quan đến việc sử dụng tiền ảo trong thanh toán.
Ngày 8/4, hàng chục người đã tập trung tại Toà nhà Vietcomreal 68 Nguyễn Huệ (quận 1 TP.HCM), nơi đặt trụ sở của Modern Tech, đơn vị đứng ra ký kết với iFan tại Việt Nam, để hô hào phản đối, tố cáo iFan lừa đảo.
Nhóm người tham dự mang theo biểu ngữ tố cáo các nhân vật bị cho là lừa đảo, đồng thời kêu cứu cơ quan chức năng. Nhóm này cũng cho rằng iFan đã lừa gạt nhiều người với số tiền lên đến 15.000 tỷ đồng.
Công ty Modern Tech được nhiều người trong giới tài chính biết đến là công ty, đại lý môi giới, đấu giá tài chính. Tuy vậy, các hoạt động của công ty này chủ yếu nhắm vào các dịch vụ tài chính được cho là còn nhạy cảm ở Việt Nam, như tiền ảo, đa cấp. Ngoài ra, công ty này còn hoạt động nhiều trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Theo nội dung đơn tố cáo, dự án iFan gồm 7 người Việt Nam sáng lập nhưng lại luôn gắn mác là dự án đến từ Singapore, nhằm tạo lòng tin với các nhà đầu tư. Để trốn tránh pháp luật Việt Nam, iFan ủy quyền cho Công ty Modern Tech do một người Việt Nam điều hành, làm đại diện hợp pháp.
Modern Tech sẽ đứng ra tổ chức các sự kiện tại TP.HCM và Hà Nội, nhằm huy động vốn từ các nhà đầu tư. Hình thức huy động vốn của nhóm 7 người Việt trên là kêu gọi các nhà đầu tư mua các đồng tiền ảo iFan và tổ chức các cuộc hội thảo.
Modern Tech giới thiệu "hoành tráng" về sự bứt phá trong tương lai của đồng tiền ảo iFan để thu hút các nhà đầu tư.
IFan cam kết khi tham gia nhà đầu tư sẽ được hưởng lợi nhuận thấp nhất 48%/tháng, thời gian hoàn vốn tối đa 4 tháng. Ngoài ra, nếu lôi kéo được người vào hệ thống sẽ được hưởng thêm 8% số tiền người mới tham gia. Đây là mô hình kinh doanh đa cấp theo kiểu kim tự tháp.
Hứa hẹn chi trả phần trăm cao ngất, nhưng sau khi thu được số tiền lớn iFan tuyên bố quy đổi hình thức trả thưởng, bằng cách đổi qua các đồng tiền số. IFan tự quy định giá công bố 5 USD trên một đồng tiền số, nhưng giá thực tế của đồng tiền số này trên thị trường chỉ là 0,01 USD/một đồng.
Bằng hình thức trên, iFan dụ dỗ hơn 32.000 nạn nhân cùng tham gia và huy động được hơn 15.000 tỷ đồng tiền vốn.
Trước đó, chia sẻ về quản lý, thanh toán bằng các loại tiền điện tử, tiền ảo tại TP.HCM, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM, từng cho rằng quan điểm của NHNN khẳng định các loại tiền này không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng, sử dụng làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm.
Tiền ảo luôn tiềm ẩn rủi ro cho người sở hữu vì tính ẩn danh cao. Việc quản lý thông qua thuật toán khiến số tiền này khó bảo toàn giá trị, và dễ xảy ra tấn công và gây cản trở trong giao dịch. Điều quan trọng nhất là nó không chiụ sự chi phối của cơ quan chính danh nào nên người sở hữu không có sự bảo vệ nào nếu có thất thoát nghiêm trọng.
“Đây là một vấn đề phức tạp, NHNN cũng đã đưa ra những quy định để khống chế nhưng phạm vi rộng nên vẫn cần có sự phối hợp của nhiều cơ quan chức năng khác. Hiện nay chúng tôi cũng chỉ đưa ra khuyến cáo với người dân, doanh nghiệp không nên tham gia vào các hoạt động này”, ông Minh bày tỏ.
Theo Bình Nguyên (Tri Thức Trực Tuyến)