TP HCM sẵn sàng ứng phó với biến chủng Omicron

30/12/2021 20:33:37

Khi có ca nghi ngờ, phải kích hoạt hệ thống sàng lọc tại bệnh viện, báo về HCDC hoặc đơn vị giải mã trình tự gen. Ví dụ người nước ngoài, số lượng bệnh tăng, ca nặng tăng nhanh, kể cả với người có thời gian ủ bệnh ngắn… tất cả những yếu tố trên được xem là các đặc tính

Tại cuộc họp báo định kỳ về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP HCM chiều 30-12, trả lời phóng viên về thông tin hiện nay ở Hà Nội có 1 ca mang biến chủng Omicron, TP HCM có những giải pháp cụ thể như thế nào, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP HCM, cho biết thành phố cũng đã có các chiến lược y tế được triển khai khẩn trương, quyết liệt. Cụ thể, Sở Y tế đã họp với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch tại địa phương, Trung tâm Y tế quận, huyện, TP Thủ Đức phải giám sát chặt người nước ngoài nhập cảnh thành phố.

TP HCM sẵn sàng ứng phó với biến chủng Omicron
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP HCM thông tin tại buổi họp báo định kỳ về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố.

"Khi một người được xét nghiệm RT-PCR dương tính với SARS-CoV-2 sẽ chuyển sang giải mã trình tự gen để tầm soát biến chủng. Ngoài ra, Bệnh viện Dã chiến số 12 sẽ là nơi tiếp nhận điều trị thu dung với đối tượng nghi ngờ, hoặc nhiễm biến chủng này" - bà Mai nói.

Bên cạnh đó, các cơ sở y tế dự phòng cũng được kích hoạt, đơn vị này thực hiện tầm soát, nếu thấy khu vực nào bất thường thì sẽ báo cáo. Ví dụ khu vực có số lượng F0 tăng, số ca tử vong tăng bất thường, các đơn vị y tế sẽ phải xét nghiệm, giải mã trình tự gen để xác định chủng virus.

Việc giải mã trình tự gen sẽ do Viện Pasteur và đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford đặt tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM thực hiện. "Khi có ca nghi ngờ, phải kích hoạt hệ thống sàng lọc tại bệnh viện, báo về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) hoặc đơn vị giải mã trình tự gen. Ví dụ người nước ngoài, số lượng bệnh tăng, ca nặng tăng nhanh, kể cả với người có thời gian ủ bệnh ngắn, lây lan nhanh, bệnh nhân tử vong nhanh,… tất cả những yếu tố trên được xem là các đặc tính. Tất cả bệnh viện khi phát hiện ca bệnh hoặc nghi ngờ đều phải báo cáo Sở Y tế để kích hoạt xử lý" - bà Mai thông tin thêm.

Liên quan tình hình cung cấp oxy tại các đơn vị điều trị Covid-19, bà Mai cho biết hiện nay, trên địa bàn TP HCM có 11 đơn vị cung cấp oxy lỏng. Trong đó, có 4 đơn vị có sản xuất oxy, còn lại 7 đơn vị chủ yếu kinh doanh. Tổng lượng oxy lỏng của các đơn vị cung cấp cho TP HCM là khoảng 150 tấn/ngày.

"Về nhu cầu oxy lỏng của các cơ sở điều trị Covid-19, theo báo cáo cách đây 2 tuần là khoảng 166 tấn/ngày. Thời điểm đó F0 có chiều hướng tăng, các đơn vị có báo cáo oxy gặp khó, trước tình hình đó Sở Y tế đã báo cáo thành phố và đề xuất các giải pháp" – bà Mai nói.

Cũng theo Bà Mai, trong đỉnh dịch Covid-19 vừa qua, lượng oxy lỏng cần cung cấp cho TP HCM là khoảng 300-350 tấn/ngày. Tuy nhiên, thời điểm đó các cơ sở kinh doanh tập trung sản xuất oxy lỏng nên không thiếu nhưng hiện các cơ sở sản xuất đã giảm đi rất nhiều. Điều đáng mừng, số lượng F0 giảm trong 2 tuần qua, số ca nặng cũng giảm nên lượng oxy được điều phối cho bệnh viện chưa thiếu.

Về việc xem xét karaoke hoạt động trở lại, bà Mai giải thích ngày 15-10, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh TP HCM đã ban hành bộ 10 tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng chống dịch đối với cơ sở kinh doanh vũ trường, karaoke. Trong đó, có tiêu chí 4 quy định phải đảm bảo đủ điều kiện 4m2/ khách không bao gồm công trình phụ.

"Đến nay, trong tình hình dịch bệnh thì các ngành nghề này chưa được TP HCM cho phép mở cửa lại. Đặc biệt thành phố đang phải ứng phó với chủng Omicron nên các hoạt động phải tuân thủ nghiêm đảm bảo sức khỏe cho người dân" – bà Mai thông tin.

Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc điều hành HCD, cho biết hiện nay Bộ Y tế cho phép TP HCM rút ngắn thời gian cách ly còn 7 ngày tại công văn 10606 của Bộ Y tế.

Trong đó, Bộ Y tế cho phép TP HCM thí điểm rút ngắn thời gian cách ly đối với F0 không triệu chứng đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin ngừa Covid-19 và có kết quả âm tính vào ngày thứ 7 sau bệnh. "Tức là rút ngắn cách ly ở bệnh viện, sau đó về nhà tiếp tục cách ly 7 ngày nữa. Như vậy, quy định cách ly ở nhà vẫn không thay đổi, người bệnh phải tuân thủ các hướng dẫn cách ly tại nhà" – ông Tâm nói.

Ông Tâm cho biết thêm hiện TP HCM còn 464.000 liều vắc-xin, trung bình mỗi ngày tiêm không đến 100.000 liều vắc-xin. Ngày mai, thành phố sẽ nhận thêm 200.000 liều và sắp tới có kế hoạch nhận thêm 1 triệu liều.

Về kế hoạch tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho trẻ từ 3-11 tuổi, theo ông Tâm, trước đây, TP HCM có đề xuất tiêm vắc-xin cho trẻ từ 3-11 tuổi, sau đó Bộ Y tế có ra văn bản chỉ đạo rà soát lập danh sách cũng như lên kế hoạch tiêm cho đối tượng này trong năm 2022. Hiện tiến độ đang được các đơn vị có liên quan thực hiện theo kế hoạch.

Về quy định cách ly tại nhà, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP HCM, thông tin thêm trước đây, Bộ Y tế quy định F0 sau khi khỏi bệnh sẽ phải cách ly 14 ngày. Hiện Bộ Y tế vừa ra văn bản hướng dẫn cách ly trong 10 ngày sau khi đánh giá đủ điều kiện cách ly.

"Do văn bản này mới nên Sở Y tế sẽ hướng dẫn các đơn vị để triển khai theo quy định của Bộ Y tế. Từ nay về sau các đơn vị sẽ thực hiện theo hướng dẫn mới này" - bà Mai khẳng định.

Theo Hải Yến (Nld.com.vn)