Trong bối cảnh tỷ lệ lây nhiễm Omicron đang tăng vọt ở nhiều nơi trên thế giới, bạn có thể cảm thấy thất vọng khi tự hỏi khi nào hoặc liệu đại dịch này có kết thúc.
Tin tốt là nó sẽ kết thúc, các chuyên gia đồng ý về điều đó. Chúng ta sẽ không xoá sổ hoàn toàn COVID-19, nhưng chúng ta sẽ chứng kiến nó không còn là một đại dịch mà chuyển sang giai đoạn bệnh đặc hữu.
Bệnh đặc hữu có nghĩa là virus sẽ tiếp tục lưu hành trong các bộ phận dân số toàn cầu trong nhiều năm, nhưng mức độ phổ biến và tác động của nó sẽ giảm xuống mức có thể kiểm soát được. Khi đó COVID-19 giống như bệnh cúm hơn là một căn bệnh đang làm đình trệ cả thế giới. Một bệnh truyền nhiễm chỉ được xếp vào giai đoạn đặc hữu khi tỷ lệ lây nhiễm ổn định qua các năm, thay vì xuất hiện những đợt tăng đột biến lớn và bất ngờ như COVID-19 đang thể hiện.
Nhà dịch tễ học Eleanor Murray tại Đại học Boston giải thích: “Một căn bệnh là đặc hữu nếu hệ số lây nhiễm cơ bản ổn định ở mức 1. Tức là trung bình một người bị nhiễm sẽ lây cho một người khác". “Hiện tại chúng ta không ở mức đó. Biến thể Omicron rất dễ lây nhiễm có nghĩa là mỗi người bị nhiễm bệnh đang lây nhiễm cho nhiều người khác, kết quả là các ca bệnh đang bùng phát trên toàn cầu. Không ai có thể nhìn vào biểu đồ dưới và kết luận rằng chúng ta đang ở trong giai đoạn đặc hữu”, ông Murray nói thêm.
Triển vọng sáng bị Omicron "chen ngang"
Trước khi Omicron xuất hiện, vào mùa Thu vừa qua, một số chuyên gia y tế đã nói rằng biến thể Delta có thể đại diện cho đợt hành động lớn cuối cùng của đại dịch này và rằng chúng ta có thể bước sang giai đoạn bệnh đặc hữu vào năm 2022.
Triển vọng đó lúc này đang bất ổn hơn. Vậy chúng ta nên đánh giá như thế nào về quỹ đạo và dòng thời gian của đại dịch trong năm mới? Và một câu hỏi lớn là: Liệu Omicron có đẩy viễn cảnh bệnh đặc hữu ra xa hơn không? Hay chính nó có thể thực sự đẩy nhanh con đường này, bằng cách lây nhiễm nhanh chóng đến số đông dân số đến mức chúng ta nhanh chóng phát triển một lớp miễn dịch tự nhiên hơn?
“Đó thực sự là câu hỏi hàng triệu đô la,” Angela Rasmussen, nhà virus học tại Đại học Saskatchewan (Canada) nói. “Thực sự rất khó trả lời ngay bây giờ.”
Điều đó một phần là do tính đặc hữu không chỉ là làm giảm hệ số lây nhiễm của virus xuống còn 1. Đây là mức tối thiểu để được phân loại bệnh dịch, nhưng còn có những yếu tố khác tác động, như: Tỷ lệ nhập viện và tử vong; Hệ thống chăm sóc sức khỏe có bị quá tải đến mức thiếu hụt nhân sự hay không? Có những phương pháp điều trị nào để giảm số người bị bệnh nặng?
Nói chung, virus trở thành đặc hữu khi chúng ta (gồm cả các chuyên gia y tế, cơ quan chính phủ và công chúng) cùng quyết định rằng chúng ta đều ổn với việc chấp nhận mức độ ảnh hưởng của virus - nói cách khác, nó không còn tạo thành một cuộc khủng hoảng.
Trong khi đó, với việc Omicron đang lây nhiễm mạnh ngay bây giờ và kết quả là nhiều chính phủ áp dụng lại các biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt hơn, rõ ràng là chúng ta vẫn đang ở trong tình trạng khủng hoảng.
Ngay cả khi thực tế là Omicron có xu hướng gây bệnh nhẹ hơn so với các biến thể trước đó, sự gia tăng lớn ca nhiễm vẫn có thể dẫn đến gia tăng lớn số ca nhập viện và tử vong. Điều đó có thể gây căng thẳng thêm cho các hệ thống chăm sóc sức khỏe vốn đã gặp nhiều khó khăn. Đó là lý do tại sao nhà virus học Rasmussen kết luận rằng "Omicron chắc chắn có khả năng trì hoãn giai đoạn đặc hữu”.
Những điều đáng hy vọng cần ghi nhớ
Trước hết, “số lượng ca nhiễm virus tăng mạnh đang xây dựng khả năng miễn dịch ở cấp độ quần thể” - Joshua Michaud, Phó giám đốc phụ trách chính sách y tế toàn cầu tại Kaiser Family Foundation, cho biết, và nói thêm rằng điều đó sẽ rất quan trọng trong ngăn chặn các làn sóng khác trong tương lai.
Ngoài việc nhiễm Omicron giúp xây dựng khả năng miễn dịch ở một số lượng lớn những người đang bị nhiễm nó, việc tiêm chủng (gồm cả mũi tăng cường) cũng đang góp phần tạo lập “một bức tường miễn dịch đáng kể”.
Một số chuyên gia đã phỏng đoán rằng việc bị nhiễm Omicron có thể không cung cấp cho bạn nhiều khả năng bảo vệ chéo chống lại các biến thể khác, mặc dù một nghiên cứu ban đầu nhỏ đã cho thấy những dấu hiệu tích cực về mặt đó.
Đây là lý do tại sao chuyên gia Ramussen nói "yếu tố quyết định chính" khi đại dịch kết thúc là mất bao lâu để vaccine có thể phủ sóng trên toàn thế giới. Hiện tại, chúng ta không tiêm chủng cho toàn cầu đủ nhanh để không cho virus có cơ hội biến đổi thành một thứ gì đó mới và nghiêm trọng hơn.
Trong thời gian chờ đợi, chúng ta có một con át chủ bài khác, được hy vọng cũng sẽ sớm có mặt trên toàn cầu. Đó là các phương pháp điều trị mới, như paxlovid của Pfizer, gần đây đã được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt, và Molnupiravir của Merck - cũng được FDA chấp thuận. Đó là những loại thuốc làm giảm tỷ lệ nhập viện và tử vong do COVID-19.
Ông Michaud nói: “Điều rất quan trọng trong đại dịch là thuốc kháng virus. Nếu có những công cụ đó, chúng ta đang đứng trước một trạng thái rất khác khi bước vào năm 2022. Mọi người sẽ không cảm thấy như ta đang rơi trở lại thời kỳ đầu đại dịch”.
Chúng ta không quay lại hồi tháng 3/2020. Nhưng điều cần làm là ta phải sửa đổi hành vi trong thời kỳ Omicron đang gia tăng lây nhiễm. Các chuyên gia đồng ý rằng bây giờ là thời điểm để hạn chế các hoạt động rủi ro.
“Tôi đã nới phanh trong hành vi của chính mình. Nhưng bây giờ tôi đã bắt đầu siết nó trở lại”, chuyên gia Michaud chia sẻ. “Tôi đã hủy kế hoạch đến New Jersey thăm gia đình vào dịp Giáng sinh. Tôi tránh các không gian kín. Tôi thấy thật ý nghĩa khi thực hiện các bước bổ sung để ngăn bản thân và những người xung quanh nhiễm bệnh”.
Các biện pháp mô hình hóa cho thấy làn sóng Omicron có thể đạt đỉnh vào giữa đến cuối tháng 1 ở Mỹ, và tỷ lệ ca nhiễm giảm mạnh vào tháng 2.
Chuyên gia Rasmussen nhận định: “Chúng ta có nhiều công cụ hơn để xử lý vấn đề này so với những gì ta đã làm vào tháng 3/2020. Chúng ta biết rằng giai đoạn bệnh đặc hữu sẽ đến khi những công cụ đó – cùng với kinh nghiệm lâu dài, thương đâu từ chính đại dịch - cho phép chúng ta thích nghi hoàn toàn với virus, vì virus đã thích nghi với chúng ta”.
Theo Thu Hằng (Báo Tin Tức)