Nên xây trung tâm hành chính ở Thủ Thiêm
Trao đổi với VnExpress, TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, về mặt chiến lược, khu đất 18.000 m2 quá nhỏ để nâng cấp, mở rộng thành trung tâm hành chính của TP HCM - dự kiến là nơi làm việc của 8 cơ quan, sở ngành với khoảng 1.700 người.
"Diện tích này không đảm bảo nhu cầu sử dụng hiện nay cũng như trong tương lai vì thành phố đang phát triển rất nhanh. Hiện là một siêu đô thị mười mấy triệu dân rồi, 5-10 năm nữa sẽ lại rơi vào cảnh quá tải", ông Sơn nói.
Ông Sơn cũng cảnh báo, nếu cố gắng nhồi nhét nhiều sở ngành (hàng nghìn người làm việc) vào một chỗ sẽ tạo ra ách tắc giao thông rất lớn. Cho dù sắp tới tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên hoàn thành cũng không đáp ứng được vì thành phố chưa có mạng lưới metro tỏa đi khắp hướng. Như vậy, nhu cầu người dân lái xe đến khu vực này là rất lớn, chắc chắn gây ùn tắc.
Ông đánh giá ý định xây dựng trung tâm hành chính mới ở Khu đô thị Thủ Thiêm (quận 2), mà thành phố từng hướng đến, là chủ trương hoàn toàn đúng đắn. Địa điểm này phù hợp xu thế phát triển, đi lại thuận lợi, giúp kích thích khu vực bên kia sông phát triển cũng như giải quyết được vấn đề giao thông.
"Vị trí tốt nhất, theo tôi, là thẳng theo trục đường Nguyễn Huệ, nằm ở phía bên quận 2. Từ đường Hàm Nghi xây một cây cầu bắc qua thì đi bộ từ trụ sở UBND TP hiện nay qua bên đó chỉ mất 10-15 phút", ông Sơn nói.
Đồng quan điểm, ông Võ Kim Cương (nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP HCM) ủng hộ phương án xây trung tâm hành chính mới ở Thủ Thiêm vì hiện đại hơn; tạo lực hấp dẫn và sức hút đầu tư - phù hợp xu hướng thành phố muốn làm đô thị sáng tạo phía Đông.
Theo ông Cương, xét về thời điểm, TP HCM chưa nên làm trung tâm hành chính bây giờ vì còn rất nhiều vấn đề cấp bách cần phải giải quyết như kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường…
"Khi xây dựng trung tâm hành chính sẽ tạo ra khối lượng công trình lớn. Việc giải tỏa các trụ sở cũ để xây tòa nhà mới sẽ tạo thêm áp lực cho khu trung tâm. Lúc đó nạn kẹt xe sẽ nặng thêm", ông Cương nói.
TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, ý tưởng thiết kế của Công ty Gensler (Mỹ) không phù hợp, tương phản với trụ sở hiện tại của UBND TP HCM.
"Tuy nhiên, tương phản hay không còn do quan điểm kiến trúc và quan trọng là đề bài mà thành phố giao cho đơn vị thiết kế thế nào, chứ bản thân đơn vị thiết kế cũng không quyết định được", ông Sơn nêu quan điểm.
Việc ngầm hóa văn phòng tại trụ sở UBND - HĐND TP được ông Sơn dự báo là chi phí rất cao, trong khi đây cũng không phải thiết kế độc đáo. Ngoài ra, chi phí vận hành cũng cao gấp đôi và sẽ là gánh nặng lâu dài cho ngân sách thành phố.
Lo ngại di sản hơn 128 tuổi bị đập bỏ
Việc phá bỏ trụ sở Sở Thông tin - Truyền thông phía sau UBND TP HCM (góc đường đường Lý Tự Trọng - Đồng Khởi) sẽ là điều "vô cùng đáng tiếc" bởi đây vốn là tòa nhà dinh Thượng Thơ được người Pháp xây dựng 128 năm trước.
"Thành phố phải làm gương trong việc bảo tồn di sản, nếu không đừng mong nhà đầu tư sẽ bảo tồn. Giá trị của công trình này không cần phải bàn cãi nữa, bởi nó là công trình lịch sử lâu đời của thành phố, hoàn toàn có thể bảo tồn và bố trí chức năng phù hợp", ông Sơn nói.
Còn ông Võ Kim Cương cũng cho rằng, phương án tốt nhất là không phá bỏ các công trình cũ, nhất là dinh Thượng Thơ và cả trụ sở Sở Giao thông Vận tải (vốn là trụ sở Bộ Quốc phòng của chế độ Sài Gòn). Những công trình này đã tạo ra một điểm vàng về kiến trúc tương đối ổn định.
Theo phương án thiết kế mới, toàn bộ trụ sở HĐND - UBND TP HCM hiện hữu ở đường Lê Thánh Tôn được giữ nguyên. Các tòa nhà phía sau đang là trụ sở Sở Giao thông Vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin - Truyền thông... (quay mặt ra đường Lý Tự Trọng) sẽ được xây mới cao hơn, kết nối với toà nhà UBND hiện hữu để trở thành trung tâm hành chính mới.
Công trình là toà nhà có 4 tầng hầm và 6 tầng nổi, bao gồm tất cả các phân khu chức năng: làm việc, tiếp dân, đón khách, thư viện, hội trường… Đây sẽ là nơi làm việc của 8 cơ quan với khoảng 1.700 nhân sự.
Ông Nguyễn Thanh Toàn (Phó giám đốc Sở Quy hoạch - kiến trúc TP HCM) cho biết, một phần trụ sở đã được công nhận di tích, chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử quan trọng nên phần công trình mới phải bảo đảm tính trang nghiêm, xứng đáng với tầm vóc, vị trí của thành phố.
Riêng tòa nhà dinh Thượng Thơ (hiện là trụ sở Sở Thông tin - Truyền thông) không thuộc công trình bảo tồn nên phương án thiết kế không giữ lại phần này.
Theo Hữu Nguyên (VnExpress.net)