Theo Tờ trình của UBTVQH, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đại biểu Quốc hội khóa XIV được giới thiệu để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam nhiệm kỳ 2016-2021.
Bên hành lang Quốc hội, hầu hết các đại biểu đều thể hiện sự đồng thuận cao việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được Trung ương Đảng giới thiệu để Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước. Các đại biểu cho đây là phương án sẽ mang lại nhiều tác dụng lớn, đảm bảo thống nhất sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Theo các đại biểu thời gian qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã làm được rất nhiều việc, được nhân dân tin tưởng, ủng hộ nên việc ông được giới thiệu để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước là điều mà cử tri và nhân dân quan tâm, mong đợi.
ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) chia sẻ: việc Trung ương thống nhất cao giới thiệu Bí Thư Nguyễn Phú Trọng giữ chức Chủ tịch nước là điều mà cá nhân tôi cũng như cử tri quan tâm, chờ đợi. Tôi cho rằng Chủ tịch nước là người có vị trí và vai trò vô cùng quan trọng đối với đất nước. Chủ tịch nước là một nguyên thủ quốc gia nên cần phải có sự tiêu biểu của người đứng đầu để trong công tác lãnh đạo, đối nội, đối ngoại thực hiện nhiệm vụ của đất nước trong thời kỳ hội nhập, đặc biệt là trong mối quan hệ quốc tế hiện nay.
“Bản thân tôi rất tín nhiệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Qua các cuộc tiếp xúc cử tri thấy rằng, nhân dân rất đồng tình và mong muốn Tổng Bí Nguyễn Phú Trọng giữ chức Chủ tịch nước trong nhiệm kỳ này”, đại biểu Phạm Văn Hòa bày tỏ.
Thiếu tướng, ĐBQH Đặng Ngọc Nghĩa, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho rằng: Tổng Bí thư giữ chức Chủ tịch nước, nhiệm vụ hai trong một là rất hài hòa. Tổng Bí thư là người đứng đầu, người có toàn quyền tối cao lãnh đạo đất nước trong việc thực hiện đường lối kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Chủ tịch nước là người điều hành đưa ra những quyết sách, biến chủ trương thành hiện thực.
Một số ý kiến cũng lo ngại xảy ra độc quyền, chuyên quyền nhưng theo đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa, nước ta hoạt động trên nguyên tắc tập trung, dân chủ, lãnh đạo tập thể, phân công cá nhân phụ trách. Đặc biệt là những người đứng đầu liên quan đến vấn đề quan trọng của đất nước như nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc, công tác đối nội, đối ngoại,…được Quốc hội thảo luận rất kỹ với quy trình chặt chẽ nên không lo lắng việc này.
Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên đất nước điều chỉnh lại cơ chế Tổng Bí thư là Chủ tịch nước. Người đứng đầu phải có chương trình, kế hoạch hết sức khoa học và hợp lý để thực hiện nhiệm vụ mà thực tế đặt ra vì đây là hai lĩnh vực có sự thống nhất lãnh đạo về hành pháp, tư pháp... Chủ tịch nước là người điều hành cụ thể, đặc biệt là việc thống lĩnh lực lượng vũ trang. Tổng Bí thư là Bí thư quân ủy Trung ương và cũng là Thường vụ quân ủy Công an Trung ương nên rất hài hòa.
"Tổng Bí thư là người có kinh nghiệm, năng lực, phẩm chất đạo đức, bản lĩnh... có thể thấy là người khá toàn diện. Tôi cho rằng, Tổng Bí thư là Chủ tịch nước sẽ tạo ra tiền đề cho các khóa tiếp theo. Tôi sẽ bỏ phiếu tín nhiệm chức danh này và tin tưởng rằng đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa khẳng định.
ĐBQH Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội) chia sẻ: Hội nghị Trung ương 8 đã xem xét rất kỹ lưỡng, thống nhất (100%) tín nhiệm giới thiệu Tổng Bí thư để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước. Đây cũng là việc nhận được sự đồng thuận của đông đảo cử tri.
“Trong bối cảnh chúng ta đang thực hiện phòng, chống tham nhũng hiện nay, Tổng Bí thư được bầu làm Chủ tịch nước sẽ đáp ứng yêu cầu của đông đảo nhân dân cả nước và cử tri đang trông chờ vào một sự chỉ đạo quyết liệt. Từ đó phát huy hiệu quả trong việc phòng chống tham nhũng”, đại biểu Nguyễn Văn Chiến nhấn mạnh.
Theo Mai Thoa (Công Lý)