Tình huống vượt ẩu trong vụ tai nạn 3 người chết trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn

19/02/2024 06:15:45

23 giây toàn cảnh vụ tai nạn thảm khốc trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn khiến 3 mẹ con tử vong thương tâm

Sau tai nạn trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn, nhiều ý kiến cho rằng lỗi do tài xế xe con. Bởi theo quy định chỉ khi đảm bảo an toàn thì xe sau mới được vượt xe trước về phía bên trái.

Vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra lúc 10h sáng 18/2 trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn khiến 3 người tử vong, 3 ô tô hư hỏng nặng.  

Ngay khi clip ghi lại diễn biến vụ tai nạn được lan truyền, trên các diễn đàn, đặc biệt là diễn đàn về ô tô  đã có hàng trăm ý kiến phân tích cách xử lý của tài xế xe con. 

Theo đó, hầu hết ý kiến đều cho rằng nguyên nhân ban đầu do tài xế xe con đã vượt ẩu. Một người dùng mạng xã hội nêu ý kiến: “Nếu đã đi đường lạ, xác định vượt thì đúng luật vượt trái, còn không thì đừng cố làm gì để đánh đổi tính mạng của những người thân, bản thân vướng vòng lao lý”.

Tương tự, tài khoản Thanh Hai cũng viết: “Thẳng thắn ra mà nói thì lỗi là của xe con, không làm chủ tốc độ, không chú ý quan sát vạch kẻ đường, vượt phải”. 

Đồng tình với quan điểm này, trao đổi với PV VietNamNet, TS. Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) phân tích, clip cho thấy cú va chạm giữa xe container và ô tô con màu trắng là nguyên nhân vụ tai nạn. 

Theo đó, dù đến đoạn đường hẹp bị hạn chế tốc độ và chỉ có một làn xe nhưng ô tô con màu trắng đã vượt lên từ bên phải dẫn đến va quệt với đầu xe container và văng ra phía trước. Đúng lúc đó xe tải đi ngược chiều lao đến. Vụ tai nạn liên hoàn đã xảy ra. 

Tình huống vượt ẩu trong vụ tai nạn 3 người chết trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn
 Hiện trường vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra trong sáng 18/2 tại cao tốc Cam Lộ - La Sơn

“Đây là vụ TNGT gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, có dấu hiệu vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ nên cơ quan chức năng sẽ xem xét trách nhiệm pháp lý của những người điều khiển ô tô theo điều 260 bộ luật hình sự”, Luật sư Đặng Văn Cường thông tin.

Luật sư cho biết, theo quy định của luật giao thông đường bộ thì vượt xe di chuyển cùng chiều phía trước là tình huống giao thông mà xe đi sau vượt xe đi trước; khi vượt, các xe phải vượt về bên trái (trừ các trường hợp được quy định trong Luật Giao thông đường bộ).

Xe đi với tốc độ thấp hơn phải đi về bên phải, khi có xe xin vượt, nếu đủ điều kiện an toàn, người điều khiển phương tiện phía trước phải giảm tốc độ, đi sát về phần đường bên phải của phần xe chạy cho đến khi xe sau đã vượt qua, không được gây trở ngại đối với xe xin vượt.

“Chỉ khi nào đảm bảo an toàn thì xe đi sau mới được vượt xe phía trước. Trong đó điều kiện để đảm bảo an toàn là phải đảm bảo tầm nhìn, có khả năng quan sát của người vượt xe. Tầm nhìn vượt xe an toàn là khoảng cách đo dọc theo mặt đường tính từ mũi xe để một chiếc xe đang chạy trên đường 2 làn xe hai chiều có thể vượt qua một chiếc xe khác chạy chậm hơn cùng chiều bằng cách chiếm dụng làn xe chạy phía chiều ngược lại và quay trở về làn cũ của mình một cách an toàn”, Luật sư Đặng Văn Cường nói. 

Ngoài ra, Luật giao thông đường bộ quy định quy tắc an toàn khi vượt xe như sau: Về nguyên tắc, khi vượt xe, các xe phải vượt về bên trái (chỉ một số trường hợp mới được vượt về bên phải) và phải đảm bảo các điều kiện: Xe xin vượt phải có báo hiệu bằng đèn hoặc còi; trong đô thị và khu đông dân cư từ 22h - 5h chỉ được báo hiệu xin vượt bằng đèn; Xe xin vượt chỉ được vượt khi không có chướng ngại vật phía trước, không có xe chạy ngược chiều trong đoạn đường định vượt, xe chạy trước không có tín hiệu vượt xe khác và đã tránh về bên phải.

Khi có xe xin vượt, nếu đủ điều kiện an toàn, người điều khiển phương tiện phía trước phải giảm tốc độ, đi sát về bên phải của phần đường xe chạy cho đến khi xe sau đã vượt qua, không được gây trở ngại đối với xe xin vượt.

“Khi vượt, các xe phải vượt về bên trái, trừ các trường hợp sau đây thì được phép vượt bên phải: Khi xe phía trước có tín hiệu rẽ trái hoặc đang rẽ trái; Khi xe điện đang chạy giữa đường; Khi xe chuyên dùng đang làm việc trên đường mà không thể vượt bên trái được”, Luật sư Đặng Văn Cường nhấn mạnh. 

Các trường hợp không được vượt xe

Tại khoản 2 Điều 15 Luật Giao thông đường bộ quy định các trường hợp không được vượt: Không bảo đảm các điều kiện quy định; Trên cầu hẹp có một làn xe; Đường vòng, đầu dốc và các vị trí có tầm nhìn hạn chế; Nơi đường giao nhau, đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt; Khi điều kiện thời tiết hoặc đường không bảo đảm an toàn cho việc vượt; Xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ.

Một chuyên gia giao thông cũng lưu ý, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông trên đường cao tốc cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc đảm bảo an toàn như làn đường, tốc độ, vượt xe và chú ý quan sát.

Chỉ cần một chút lơ là hoặc thiếu kinh nghiệm trong các tình huống vượt xe có thể gây ra tai nạn nghiêm trọng. Để giảm thiểu tai nạn phải nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật đặc biệt là luật an toàn giao thông.

Theo N.Huyền (VietNamNet)