Tối 12/9, trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Cốc Lầu (huyện Bắc Hà, Lào Cai) cho biết, chính quyền địa phương phối hợp với các lực lượng chức năng tìm thấy 115 người dân, đây là những người thuộc 17 hộ dân thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu.
Theo ông Tuấn, đoàn tìm kiếm phải đi bộ 15km rất khó khăn qua quãng đường trơn trượt mới phát hiện túp lều. Những người dân ở lều kể lại, ngày 9/9 khi phát hiện nguy cơ sạt lở trên địa bàn thôn Kho Vàng, những người dân này đã chủ động di chuyển lên một ngọn núi cao cách thôn khoảng 1km để dựng lán trú ngụ tạm thời. Tại địa điểm này không có sóng điện thoại, người dân trong thôn không thông tin được với chính quyền xã. Họ đã sử dụng một ít lương thực mang theo.
Đại diện chính quyền thông tin thêm, hiện tại khu vực địa bàn thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu đang có mưa, giao thông khó khăn và đất đồi sạt lở nguy hiểm, một mặt vận động người dân trở về nhưng đồng thời cũng đang khảo sát để đưa những người này trở về.
330 người chết, mất tích do bão số 3 và mưa lũ
Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến 17h ngày 12/9, bão số 3 và mưa lũ đã khiến 330 người chết và mất tích (226 người chết, 104 người mất tích); tăng 3 người so với thống kê lúc 12h30' cùng ngày.
Cụ thể, Lào Cai tăng 2 người, tổng là 179 người (98 người chết, 81 người mất tích) và điều chỉnh số liệu người mất tích thành người chết. Phú Thọ tăng 1 người chết do lũ.
Trong đó, lũ quét, sạt lở đất tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai ngày 10/9 làm 106 người chết, mất tích (47 người chết, 59 người mất tích).
Cao Bằng có 52 người (43 người chết, 9 người mất tích), Yên Bái có 44 người (42 người chết, 2 người mất tích), Quảng Ninh có 15 người chết. Hải Phòng có 2 người chết do bão. Hải Dương và Hà Nội mỗi địa phương có 1 người chết do bão.
Hòa Bình có 7 người chết do sạt lở đất. Lạng Sơn có 3 người chết do lũ cuốn, sạt lở đất. Bắc Giang có 2 người chết do lũ cuốn. Tuyên Quang có 5 người chết do lũ. Hà Giang có 2 người (1 người chết; 1 người mất tích).
Lai Châu có 1 người chết do sạt lở đất. Vĩnh Phúc có 1 người chết và 1 người mất tích do lật thuyền.
Lào Cai là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề do đợt mưa lũ, thiên tai hiện nay. Đặc biệt, đây là địa phương thiệt hại nhân mạng nặng nề nhất tới thời điểm hiện nay, với nhiều vụ sạt lở rất nghiêm trọng.
Theo thống kê của địa phương hiện tổng số nhà ở bị ngập nước, sạt lở, lũ cuốn trôi trên toàn tỉnh là trên 9.000 nhà. Hiện nay còn rất nhiều thôn bị cô lập, người dân chưa đi lại được do ngập lụt, sạt lở đường giao thông. Tổng thiệt hại tài sản ước tính lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Tỉnh Lào Cai và các bộ, ngành, cơ quan đang tiếp tục huy động mọi lực lượng khẩn trương triển khai tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả thiên tai. Riêng tại thôn Làng Nủ, tổng số lực lượng tham gia tìm kiếm cứu nạn hiện nay là 650 người; trong đó có 359 người địa phương và 300 chiến sĩ thuộc Quân khu 2.
Ngoài vụ sạt lở tại thôn Làng Nủ, vụ sạt lở tại thôn Nậm Tông, xã Nậm Lúc, huyện Bắc Hà cũng vùi lấp hoàn toàn 8 ngôi nhà khiến 7 người chết và 11 người bị thương; đến sáng 12/9 vẫn còn 11 người mất tích.
Tỉnh Lào Cai và các huyện đã tổ chức nhiều đoàn công tác xuống thăm hỏi, động viên gia đình có người bị nạn; đồng thời hỗ trợ ban đầu cho mỗi gia đình có người thiệt mạng 25 triệu đồng/người, người bị thương 5 triệu đồng/người.
Các cơ quan, đơn vị, nhà hảo tâm đã đến, tặng quà, thăm hỏi những hộ dân vùng thiên tai với 100.000 suất quà, cùng nhiều nhu yếu phẩm, trang thiết bị. Các huyện đã tiếp nhận cấp phát, phân bổ kịp thời cho nhân dân vùng thiên tai. Tuy nhiên, một số xã còn bị chia cắt, cô lập chưa tiếp cận được nên việc tiếp tế gặp rất nhiều khó khăn.
Trong ngày hôm nay, các tỉnh, thành phố tiếp tục huy động lực lượng tìm kiếm người còn mất tích, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống…
Theo Hoàng Thị Bích (Thanh Niên Việt)